| Hotline: 0983.970.780

Bất cập ở xứ Thanh: Áp lực mua bảo hiểm y tế

Thứ Năm 30/07/2015 , 08:45 (GMT+7)

Để đạt chuẩn NTM, phải có hơn 70% người dân trong xã tham gia BHYT (tiêu chí 15). Tuy nhiên, người dân lại không mấy mặn mà với việc mua bảo hiểm.

Sau hơn 4 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 45 xã đạt chuẩn. Về cơ bản, công cuộc xây dựng NTM đã làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn, đời sống cả vật chất lẫn tinh thần được nâng cao. Tuy nhiên, việc phấn đấu bằng mọi cách để đạt chuẩn đã bộc lộ những mặt hạn chế.

Để đạt chuẩn NTM, phải có hơn 70% người dân trong xã tham gia BHYT (tiêu chí 15). Tuy nhiên, người dân lại không mấy mặn mà với việc mua bảo hiểm, một phần vì điều kiện, phần khác có lẽ do công tác tuyên truyền chưa “đến nơi đến chốn”. Vì thế, để đạt tiêu chí này, chính quyền đã trích tiền ngân sách hỗ trợ mua BHYT cho dân!

Dùng ngân sách hỗ trợ

Một lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thanh Hóa cho hay: “Chính quyền địa phương và cơ quan BHXH thường ỉ lại cho nhau. Anh chính quyền cho rằng đó là nhiệm vụ của BHXH, còn anh BHXH nói đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nên mới xảy ra tình trạng “tăng tốc” nước rút, dùng nhiều cách để mua BHYT cho đạt tiêu chí 15 này”.

Đầu tiên là trích ngân sách xã hỗ trợ một phần giúp dân mua BHYT để đạt tỷ lệ theo tiêu chí. Điển hình là các xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương (trích ngân sách 50 triệu); Định Tân, huyện Yên Định (21 triệu); Định Tăng, huyện Yên Định (12 triệu); Xuân Giang, huyện Thọ Xuân (20 triệu); Nga An, huyện Nga Sơn; Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa... Và không ai dám chắc rằng đây là tiêu chí bền vững!

Bà Nguyễn Thị Hoài, Bí thư kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Quảng Tân cho biết: “Đây là chúng tôi được các xã đi trước chia sẻ kinh nghiệm”.

Theo bà Hoài, cận kề thời điểm thẩm định (tháng 12/2013), nhưng tỷ lệ người dân tham gia BHYT vẫn còn thiếu 2% nên xã họp bàn linh động bỏ ra 50 triệu đồng hỗ trợ một phần hộ cận nghèo và hộ nông, lâm, ngư nghiệp mua khoảng 800 thẻ để hoàn thành tiêu chí này. Sau khi được công nhận đạt chuẩn, thẻ BHYT hết thời hạn thì “chỉ vận động nhân dân, còn mua hay không là quyền của họ”, bà Hoài nói.

Cách thứ hai, các địa phương thực hiện là thống kê số người tham gia BHYT từ đi làm ăn xa đến thường trú tại địa phương. Theo đó, tất cả những ai có hộ khẩu trên địa bàn xã có tham gia BHYT đều được tính vào danh sách, không kể người đó đã đi làm ăn xa từ lâu. Điều này dẫn đến thực tế là nếu tính cả con số “định tính” ấy thì đạt hoặc vượt chỉ tiêu (70%) nhưng nếu chỉ tính số người ở địa phương thì dù có vận dụng cũng khó đạt. Điển hình như xã Định Tường, huyện Yên Định là xã chỉ đạo điểm, theo thống kê đầu năm 2014 nếu không tính số lao động ở xa thì tỷ lệ tham gia BHYT chỉ còn 57,8%.

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Trong 45 xã đã đạt chuẩn thì có đến hơn 50% số xã trầy trật lắm mới hoàn thành tiêu chí BHYT. Thậm chí đến hiện nay tiêu chí này vẫn đang gặp khó khăn”.

Liệu có bền vững?

Bà Nguyễn Thị Hoài thừa nhận: “Việc trích ngân sách hỗ trợ dân mua BHYT như vậy là không đúng nhưng trong một lúc bắt các hộ mua ngay thì không thể”.

"Chính tư tưởng nóng vội trên là biểu hiện của việc đối phó, chạy theo thành tích, dẫn đến tiêu chí không thể bền vững", lãnh đạo Văn phòng NTM tỉnh nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo này phân tích, việc thực hiện tiêu chí BHYT không phải không thể thực hiện được mà cốt lõi là ở chính con người. Ngoài yếu tố người dân chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc tham gia BHYT thì cơ quan BHXH và chính quyền địa phương cũng chưa có giải pháp phù hợp, chưa thực sự đi sâu đi sát vận động người dân.

“Một xã A có 5.000 nhân khẩu, trong đó 50% số dân đã mua BHYT, còn thiếu 20% nữa, xã này đưa tỷ lệ con em đi làm ăn xa, học sinh, sinh viên… vào thống kê. Nhưng để kiểm chứng 2.000 người (20%) được liệt kê liệu họ có tham gia BHYT cả hay không thì đó là một công việc cực kỳ khó khăn và bất cập”, lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thanh Hóa trăn trở.

“Tôi lấy ví dụ cụ thể như xã Xuân Trường (huyện Thọ Xuân), họ vận động tốt nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 75%. Trong khi đó, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa sắp đến thời gian thẩm định nhưng tỷ lệ trên vẫn đạt rất thấp. Khi chúng tôi phối hợp với cơ quan bảo hiểm, lãnh đạo huyện Thiệu Hóa về tận xã tuyên truyền cho người dân, họ đồng tình đăng ký mua ngay. Nhiều cụ già còn bảo, nếu chúng tôi hiểu lợi ích của việc tham gia BHYT thế này thì chúng tôi mua lâu rồi”, vị lãnh đạo này cho hay.

Trái với khẳng định của lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, ông Lê Xuân Dự, Trưởng phòng thu (BHXH tỉnh Thanh Hóa) nói: “Tôi tin việc người dân tham gia BHYT là bền vững”.

PV hỏi: Sau khi đạt chuẩn tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở 45 xã có duy trì được mức trên 70% không?, ông Dự bảo: “Xã báo cáo lên đều đạt và vượt cả, mình phải tin xã chứ để kiểm tra thì rất khó vì mất nhiều thời gian, thậm chí mất cả tiền của”.

Tuy nhiên, khi PV xin thống kê của các xã báo cáo lên BHXH tỉnh, ông Dự viện đủ lý do từ chối là “chưa thống kê được”.

Ông Dự thừa nhận, thời điểm các xã chuẩn bị công nhận đạt chuẩn họ có động cơ làm NTM nên có thể bỏ tiền bỏ của ra làm cho đạt. Theo đó một số xã như Vân Sơn (huyện Triệu Sơn) hỗ trợ cả hộ gia đình… tiền điện thoại để người nhà gọi xin mã số thẻ BHYT của con em ở xa. Hay một số xã trích ngân sách hỗ trợ một phần người dân mua thẻ BHYT như đã nói ở trên.

Xã Quý Lộc, huyện Yên Định nằm trong nhóm 11 xã điểm đầu tiên thực hiện xây dựng NTM. Thời điểm xã được thẩm định công nhận đạt chuẩn, theo quy định tỷ lệ người dân tham gia BHYT chỉ cần đạt hơn 30%, nên nhiệm vụ này hoàn thành dễ dàng.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã: “Sau khi đạt chuẩn, tỷ lệ người dân mua BHYT chưa bao giờ đạt mức quy định mới của Chính phủ (70%). Cụ thể năm 2012 đạt 40%; 2013 được 42%; 2014 đạt 57,8%; 6 tháng đầu năm 2015 tụt xuống 45,41%”.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2015 tổng số thẻ BHYT phát hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 2,414 triệu thẻ (đạt 69,06%); giảm hơn 29 nghìn thẻ so với năm 2014. Theo Chỉ thị 05, ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2015 Thanh Hóa phấn đấu đạt tỷ lệ người tham gia BHYT trên 75%, đến 2020 trên 80%.

“Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu rất khó đạt nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh”, ông Dự nói.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất