| Hotline: 0983.970.780

Bất cập ở xứ Thanh: Nai lưng trả nợ

Thứ Sáu 31/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Được công nhận xã đạt chuẩn NTM, xã nào cũng phấn khởi. Thế nhưng đằng sau sự khang trang, bề thế của công sở, nhà văn hóa, công trình giao thông ấy là những khoản nợ rất đáng trăn trở./ Áp lực mua bảo hiểm y tế

Xã, thôn thì nợ nhà thầu còn người dân nợ thôn, xã.

Bình quân mỗi xã đạt chuẩn nợ 5 tỷ đồng

Không thể phủ nhận việc đầu tư xây mới, sửa chữa công sở làm việc, nhà văn hóa, đường giao thông, trường học... đã có đóng góp lớn trong vấn đề nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn. Thế nhưng đằng sau đó là những khoản nợ mà từ trước tới nay có lẽ chưa có xã nào dám "vượt rào".

Theo số liệu báo cáo của các xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong số 45 xã đạt chuẩn thì chỉ có 8 xã không nợ đồng nào, hoặc nợ một vài trăm triệu; nhưng bình quân mỗi xã cũng nợ trên 5 tỷ đồng, cá biệt một số xã hiện đang “ôm” số nợ lớn như: Yên Trường (huyện Yên Định) hơn 21 tỷ đồng; Quý Lộc, Định Tân (huyện Yên Định) nợ gần 15 tỷ/xã; Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa) gần 12 tỷ; Nga An (huyện Nga Sơn) gần 10 tỷ; Định Hòa (huyện Yên Định) hơn 9 tỷ…

Ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Quý Lộc, huyện Yên Định tỏ ra ái ngại khi nhắc đến số nợ đứng top đầu của tỉnh: "Hiện chúng tôi đang nợ gần 15 tỷ đồng. Chủ yếu là nợ các công trình xây dựng cơ bản như: công sở xã (hơn 5 tỷ), trường tiểu học 1 (gần 3 tỷ), trường mầm non (5 tỷ)… ".

Điều đáng nói ở đây là số nợ trên đã “treo” hơn 3 năm nay nên cứ đến vụ thu hoạch hoặc dịp tết, Chủ tịch UBND xã liên tục phải nhận các cuộc điện thoại đòi nợ của nhà thầu.

Xã Nga An, huyện Nga Sơn cũng đang đau đầu vì khoản nợ gần 10 tỷ đồng mà Chương trình NTM để lại. Hiện công trình nhà truyền thống và khuôn viên bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của xã đang nham nhở cỏ cây, nhà chưa sơn, gạch chưa lát..., gây mất mĩ quan.

Theo ông Mai Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã, tháng 12/2013 Nga An được công nhận đạt chuẩn. Sau khi công nhận xã được tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng, huyện 500 triệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này xã đang nợ gần 20 tỷ đồng tiền xây dựng công sở; nhà truyền thống; nhà bia tưởng niệm và đường, kênh mương nội đồng…

Có nghĩa xã vay nợ hoàn toàn để xây dựng NTM?, PV hỏi, ông Yên bảo: “Xã không vay nhưng đang nợ nhà thầu hết”. Liệu có phải vì chạy theo thành tích mà Nga An “liều” nợ nhà thầu hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình quy mô lớn như hiện nay?

Ông Yên thừa nhận: “Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực và đang còn nhiều khoản nợ chưa có khả năng thanh toán thì việc xây nhà truyền thống hơi thừa”.

18-43-35_3
Nhà truyền thống và nhà bia tưởng niệm xã Nga An đang dang dở vì thiếu tiền xây dựng tiếp

Xã nợ đã đành, không ít hộ dân thôn 7- xã Nga An cũng đang nợ tiền đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông Mai Văn Phương, Trưởng thôn 7 cho biết, năm 2012 thôn đầu tư xây dựng nhà văn hóa hết 1 tỷ 140 triệu đồng; xã hỗ trợ được 131 triệu đồng. Toàn thôn có 586 nhân khẩu, sau khi tính toán bình quân mỗi khẩu đóng góp hơn 1,9 triệu đồng, thu trong 5 vụ. Hiện thôn 7 đã thu hết của các hộ nhưng tiền hỗ trợ của xã vẫn đang nợ thôn 50 triệu đồng. “Xã nợ chúng tôi, chúng tôi lại nợ nhà thầu nhưng biết làm sao được, xã bảo chờ khi bán được đất thì hỗ trợ nên phải chờ thôi”, ông Phương chia sẻ.

Gia đình chị Phạm Thị Mai, thôn 7 có nhiều khẩu hơn các hộ dân khác nên chỉ phải đóng 1,2 triệu đồng/khẩu x 4 khẩu = 4,8 triệu đồng. “Tuy phải đi vay nhưng nhà tôi đã nộp xong tiền đóng góp rồi nhưng tôi thấy đóng góp như vậy là nặng”, chị Mai nói.

Đâu là lối ra?

Khi PV hỏi về giải pháp trả nợ xây dựng cơ bản, ông Trịnh Đình Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Quý Lộc và Mai Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Nga An đều cùng chung câu trả lời: "Xin chủ trương cấp quyền sử dụng đất". Tuy nhiên, có một thực tế là, không phải xã nào cũng có đất nằm trong quy hoạch để bán, thậm chí có bán cũng chẳng biết có ai mua hay không.

18-43-35_4
Nhà văn hóa thôn 7, Nga An đang nợ nhà thầu hơn 50 triệu đồng

“Chúng tôi đang phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm 10% chi thường xuyên, đồng thời xin chủ trương trích 100% tiền cấp quyền sử dụng đất đến hết năm 2016 để trả nợ. Nếu cấp trên phê duyệt cho bán 60 lô chúng tôi đã đề xuất và bán được hết thì năm nay trả được khoảng 5 tỷ đồng”, ông Thịnh cho hay.

Chúng tôi hỏi tiếp: Cứ cho là thuận lợi, năm nay xã trả được 5 tỷ đồng, còn khoảng 10 tỷ nữa thì sao?, ông Thịnh bảo: “Chỉ còn cách xin tỉnh chính sách trích 100% tiền cấp quyền sử dụng đất đến năm 2018 hoặc 2020, nếu không thì không có lời giải”.

Theo ông Thịnh nhẩm tính, nếu được trích 100% tiền cấp quyền sử dụng đất thì xã phải bán được ít nhất 180 lô đất (mỗi lô 50-60 triệu đồng), nhưng hết năm nay, theo quy định, các xã chỉ được trích 30% thì số đất phải bán để trả 10 tỷ tiền nợ NTM là trên 600 lô.

“Thực tế nói là trích 30% nhưng chúng tôi phải khấu trừ tiền đền bù, GPMB, xây dựng hạ tầng nữa nên số tiền còn lại cũng chỉ được trên dưới 20%. Rồi quỹ đất cũng không đào đâu ra trên 600 lô như trên. Chắc phải dăm năm nữa mới trả hết nợ NTM”.

“Việc xã không huy động được đối ứng, để nợ đọng lớn như hiện nay trách nhiệm này không chỉ thuộc về xã mà còn có huyện, bởi trước khi trình tỉnh phê duyệt chủ trương xây dựng NTM, cả xã và huyện phải cam kết nguồn vốn đối ứng, khả năng trả nợ rồi”, một lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh Thanh Hóa cho hay.

Với xã Nga An, ông Yên cho rằng “số nợ của xã không còn mấy nữa!”, nên phấn đấu năm nay và năm sau trả hết nợ. “Bây giờ xã đang chạy đua để bán cho được 2 đợt đất trong năm nay thì mới trả hết nợ. Tuy nhiên, hiện nay đang vướng một chút đất ở trong dân cư”, ông Yên nói.

Đối với những công trình đang làm dang dở như nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm…, ông Yên cho biết nhiều khả năng phải dừng lại vì nặng quá.

Nếu nói như ông Yên, dừng thi công nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm thì hơn tỷ đồng đã đổ vào công trình sẽ không phát huy được tác dụng, không những thế bộ mặt của xã trở nên mất mỹ quan đồng bộ.

Trao đổi với NNVN, một lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, ái ngại: “Nợ ở các xã đạt chuẩn NTM như hiện nay đang để lại hệ lụy, phức tạp cho chính địa phương”.

Tuy nhiên, ông cũng đặt nghi vấn: “Liệu các xã có “đếm cua trong lỗ”, báo cáo đất này đất nọ để xin chủ trương xây dựng NTM, tranh thủ huy động vốn Nhà nước?”.

Vị lãnh đạo này phân tích thêm, hầu hết các xã báo cáo nợ đọng công trình xây dựng cơ bản, nhưng chính ông rất băn khoăn “không biết nợ ở đâu mà lắm thế?, bởi 3 hạng mục lớn là trung tâm văn hóa xã, trụ sở xã và trạm y tế đều có chính sách hỗ trợ một phần, còn đường giao thông có làm thì xã cũng kích cầu một phần còn lại đã có sức dân đóng góp.

Vẫn biết rằng xây dựng NTM ở địa phương nào cũng có nợ, nhưng việc một số xã đầu tư xây dựng công trình rầm rộ rồi để lại những khoản nợ lớn như hiện nay là một thực trạng đáng báo động. Thiết nghĩ tỉnh Thanh Hóa cần có giải pháp rà soát, chấn chỉnh tình trạng trên, để Chương trình xây dựng NTM bền vững theo đúng nghĩa của nó.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm