| Hotline: 0983.970.780

Bắt cóc bỏ dĩa?

Thứ Hai 24/11/2014 , 08:57 (GMT+7)

Sự du nhập của hiện vật ngoại lai trong không gian văn hóa thuần Việt đang là vấn đề đáng quan ngại và gây bức xúc trong dư luận./ Phát hiện nhiều linh vật lạ trong di tích

Hội thảo "Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam" vừa tổ chức tại Hà Nội có rất nhiều ý kiến gay gắt về thực trạng này.

80% di tích quốc gia xuất hiện vật lạ

Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, kiểm tra sơ bộ cho thấy có đến 80% di tích quốc gia hiện nay có xuất hiện hiện vật lạ. Không chỉ xuất hiện dưới dạng các linh vật mà có thể là dạng các lọ lộc bình, tượng mới… Điều này đang phá vỡ yếu tố văn hóa gốc của các di tích.

Ông Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng, việc sử dụng các linh vật ngoại lai phần nhiều do khoảng trống nhận thức về những linh vật thuần Việt của người dân.

“Công chúng đang quá thiếu cơ hội được tiếp cận, khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, nên đã sử dụng những sản phẩm như sư tử ngoại lai làm vật trang trí. Điều này đang uy hiếp rất lớn đến giá trị của những linh vật thuần Việt”, ông Tiến nói.

Còn một số ý khác thì đây là hệ lụy tất yếu của thời kỳ hội nhập và không phải bây giờ các hiện vật ngoại lai mới xuất hiện, mà nó đã âm ỉ và bùng nổ từ nhiều năm trước.

“Cách đây khoảng hơn 10 năm, đã có một phong trào cúng tiến ồ ạt các vật thể lạ vào các chùa chiền, đền miếu... Tuy vậy, những người quản lý ở các đền, miếu lại thiếu kiến thức để phân biệt được đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt.

Điều này đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc xâm lăng, lai căng văn hóa. Và giờ, những lo ngại đó đã trở thành sự thật. Với thời kì hội nhập này, chúng ta không những bị nhập siêu về kinh tế mà còn bị nhập siêu về văn hóa”, PSG -TS. Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho biết.

Ông Bảo cũng cho rằng sự xuất hiện của những linh vật ngoại lai đã làm “ô nhiễm” không gian văn hóa Việt, còn những người quản lý di tích đã “làm hỏng nền văn hóa” khi để hiện vật “lạ” án ngữ khắp các di tích văn hóa.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, lo ngại rằng sẽ khó loại bỏ linh vật ngoại lai khỏi các di tích nếu chính sách không triệt để.
“Trên thực tế, nhiều trường hợp khi đoàn kiểm tra đi khỏi thì người dân lại chuyển linh vật ngoại lai về chỗ cũ. Bị nhắc nhở không được để ở chùa thì họ lại mang ra đình, rốt cuộc là chuyện “bắt cóc bỏ dĩa”. Chính vì thế, cần có những chế tài xử phạt thật cụ thể”, ông Huy cho biết.

Điều này sẽ làm “chết yểu”, điêu đứng các làng nghề chế tác linh vật thuần Việt trên khắp cả nước vì không cạnh tranh nổi về giá cả lẫn mẫu mã với những linh vật ngoại lai. Nó không còn là sự ảnh hưởng về “tinh thần” nữa, mà cao hơn đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đầu tư văn hóa.

PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nói: “Ai cũng nói giao lưu văn hóa là cần thiết. Nhưng vấn đề là giao lưu như thế nào? Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có giao lưu nhưng từ các giao lưu đó đều biến thành biểu tượng của nước mình mà Nhật Bản, Hàn Quốc là tiêu biểu nhất”.

Sẽ phạt tiền

Có khá nhiều ý kiến cho rằng những nhà quản lý và truyền thông cần hiểu rõ hơn từ “linh vật”. Cụ thể, “linh vật” mang tính chất những vật thiêng liêng, nội hàm từ ngữ bao gồm rất nhiều những hiện vật trong các di tích chứ không chỉ là những linh thú như dư luận vẫn hiểu.

Vì vậy, để giải quyết rốt ráo vấn đề, giữ gìn bản sắc di sản Việt, những người quản lý cũng như dư luận cần phân biệt rõ điều này và mở rộng phạm vi loại trừ những hiện vật ngoại lai khỏi di tích.

Hiện ngành văn hóa đang tích cực chỉ đạo các tỉnh di dời các hiện vật lạ, ngoại lai và theo kế hoạch đề ra là hoàn thành dứt điểm trước ngày 30/11.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều địa phương phản ánh là khó hoàn thành ngay trong một sớm một chiều. Đó là chưa kể, linh vật ngoại lai bị phát hiện và buộc phải di dời khỏi di tích lịch sử - văn hóa nhưng không biết gom lại rồi để ở đâu cho hết?

“Sẽ phạt tiền những di tích sử dụng hiện vật ngoại lai trái phép”, ông Phạm Xuân Phúc khẳng định. Cụ thể, việc phạt tiền sẽ được thực hiện sau thời gian vận động các địa phương loại bỏ hiện vật ngoại lai không hiệu quả, mức phạt theo luật là từ 40 - 50 triệu đồng.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất