| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 09/07/2017 , 06:40 (GMT+7)

06:40 - 09/07/2017

Bất công hành khách lên máy bay chậm thì mất phí, còn hãng hàng không chậm thì...

Khi một hành khách mua vé của một hãng bay, thì giữa hành khách và hãng bay đã thiết lập một hợp đồng dân sự...

Trong tâm trạng rất bức xúc, chị Đỗ Thị Tuyến (số 6, ngõ 96,đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội), đã gửi khiếu nại lên Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, ngày 9/6/2017, vợ chồng chị và hai con nhỏ đặt vé đi chuyến bay ký hiệu VJ 502 của hãng hàng không Vietjet, từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Do quầy làm thủ tục check in và cửa kiểm tra an ninh rất đông, việc làm thủ tục quá chậm. Gia đình chị đã xếp hàng làm các thủ tục.

Tuy nhiên khi đến cửa ra máy bay số 7, thì gia đình chị được nhân viên hướng dẫn quay trở lại quầy dịch vụ của Vietjet để làm thủ tục bay chuyến sau, là chuyến VJ 506, với lý do lên máy bay muộn. Tại quầy dịch vụ của Vietjet Air, nhân viên của hãng đã yêu cầu gia đình chị nộp phí 440.000 đồng/người, là phí lên máy bay muộn. 4 người trong gia đình chị phải nộp tổng cộng 1.740.000 đồng.

Thông tin trên đã khiến rất nhiều người từng là khách hàng của các hãng bay, trong đó có Vietjet Air, bất bình.

Tạm gác lại chuyện gia đình chị Tuyến lên máy bay muộn là do thủ tục check in và kiểm tra an ninh quá chậm hay do gia đình chị chậm chạp. Hãy bàn chuyện bình đẳng trong quan hệ. Khi một hành khách mua vé của một hãng bay, thì giữa hành khách và hãng bay đã thiết lập một hợp đồng dân sự.

Trong hợp đồng này, khách hàng và hãng bay là hai đối tác ngang bằng nhau về nghĩa vụ và trách nhiệm. Hãng bay có trách nhiệm vận chuyển hành khách đến địa điểm ghi trong vé một cách tuyệt đối an toàn. Cất cánh và hạ cánh đúng giờ. Còn khách hàng có nghĩa vụ tuân thủ mọi hướng dẫn của hãng bay, làm các thủ tục và lên máy bay đúng giờ.

Bên nào vi phạm, đương nhiên là phải phạt. Nếu gia đình chị Tuyến lên máy bay chậm, thì hãng Vietjet có quyền phạt (bằng hình thức thu phí) là đúng. Nhưng khi hãng vi phạm bằng cách chậm chuyến, hủy chuyến, thì sao ? Theo công bố của Cục hàng không, thì chỉ trong 7 ngày, từ 31/5 đến 6/6, hãng Vietjet đã có 328 chuyến bay bị chậm, nhưng chẳng bao giờ hãng bồi thường cho hành khách 1 xu. Các hãng hàng không khác cũng thế.

Như vậy, rõ ràng ở đây có sự bất bình đẳng. Các hãng hàng không đã tự cho mình cái quyền “đứng trên đầu” hành khách để phạt những người lên máy bay chậm, trong khi mình thì phớt lờ quyền lợi của khách khi liên tục chậm chuyến, hủy chuyến.

Ai cũng biết trong thời buổi kinh tế thị trường này, thời gian là tiền bạc. Có doanh nhân đã phàn nàn rằng hẹn với đối tác nước ngoài là sẽ ký một hợp đồng lớn, trị giá nhiều triệu USD tại Hà Nội vào lúc 15 giờ. Nếu không chậm chuyến, thì đúng 15 giờ doanh nhân đó có mặt tại Hà Nội. Nhưng vì chậm chuyến, 18 giờ mới ra đến Hà Nội, thì đối tác đã lên đường về nước vì không chờ được (doanh nhân nước ngoài làm việc rất chuyên nghiệp, luôn coi trọng sự đúng giờ). Thế là lỡ một vụ làm ăn, thiệt hại vô cùng lớn.

Bộ Giao thông Vận tải nên xem xét thỏa đáng những khiếu nại như thế này.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm