| Hotline: 0983.970.780

Bắt đầu tiêm 200.000 liều vacxin tai xanh của Trung Quốc

Thứ Tư 08/09/2010 , 09:21 (GMT+7)

Bắt đầu từ hôm nay (8/9), 200.000 liều vacxin nhược độc JXA1-R phòng bệnh lợn tai xanh sẽ bắt đầu được triển khai tiêm phòng cho lợn ở 21 tỉnh thành trên cả nước.

Bắt đầu từ hôm nay (8/9), 200 nghìn liều vacxin nhược độc JXA1-R phòng bệnh lợn tai xanh (PRRS) do Cty Thuốc thú y Đại Hoa Nông (Quảng Đông, Trung Quốc) SX và viện trợ cho Việt Nam sẽ bắt đầu được triển khai tiêm phòng cho lợn ở 21 tỉnh thành trên cả nước.

>> ''Không có loại vacxin tai xanh nào bảo hộ như mong muốn''
>> Có nên dùng vacxin heo tai xanh?
>> Người chăn nuôi “tố” vacxin tai xanh...

Xung quanh một số lo lắng về hiệu lực cũng như chất lượng của loại vacxin này, chúng tôi đã trao đổi với PGS. TS Tô Long Thành – PGĐ phụ trách Trung tâm chẩn đoán Thú y TƯ (Cục Thú y), đơn vị được giao nhiệm vụ khảo nghiệm loại vacxin còn rất mới mẻ ở Trung Quốc, cũng như mới lần đầu được thử nghiệm tiêm phòng ở nước ta. 

Thưa ông, loại vacxin mới này có gì khác với vacxin do Trung Quốc SX mà Việt Nam đã sử dụng từ năm 2008 đến nay?

Loại vacxin do Trung Quốc SX từ năm 2006-2007, sau đó được cho phép NK và sử dụng ở nước ta từ năm 2008 là dạng vacxin vô hoạt. Nghĩa là dạng vacxin mà virus PRRS trong vacxin đã được giết chết. Thời gian qua, loại vacxin này đã được nhập khẩu vào Việt Nam và được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, hiệu quả tiêm phòng loại vacxin này được Trung Quốc đánh giá là không cao, vì thế họ đã tập trung nghiên cứu ra vacxin nhược độc.

Vacxin JXA1-R là dạng vacxin nhược độc, được chế tạo từ chủng virus cường độc JXA1 đã được cấy chuyển 82 đời để trở thành chủng virus không còn độc lực đối với lợn nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên. Hiểu đơn giản, đây là virus “tai xanh” còn sống nhưng đã bị loại bỏ độc lực. Chủng virus “tai xanh” dùng để chế loại vacxin này là chủng cường độc tại Trung Quốc (thuộc dòng Bắc Mỹ). Xét về lí thuyết cũng như thực tế sử dụng các loại vacxin từ trước tới nay thì dạng vacxin nhược độc bao giờ cũng có hiệu lực phòng bệnh cao hơn nhiều so với dạng vacxin vô hoạt. Vì vậy, giá thành của dạng vacxin nhược độc bao giờ cũng cao hơn dạng vô hoạt rất nhiều. 

Trước khi hỗ trợ cho Việt Nam, vacxin JXA1-R đã được Trung Quốc sử dụng nhiều chưa?

Năm 2007, Trung Quốc SX dạng vacxin tai xanh vô hoạt, nhưng đồng thời họ cũng đã bắt tay ngay vào nghiên cứu để SX vacxin nhược độc phòng bệnh “tai xanh”. Sau quá trình khảo nghiệm kỹ lưỡng trong năm 2008, vacxin JXA1-R đã được đưa vào tiêm phòng cho hơn 34 triệu đầu lợn ở 6 tỉnh của Trung Quốc. Trong quý I/2010, chính phủ Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ hoàn toàn kinh phí SX vacxin JXA1-R cho người dân và mở rộng tiêm phòng loại vacxin này ra 26 tỉnh – thành. 

Vậy kết quả tiêm phòng vacxin JXA1-R ở Trung Quốc thời gian qua thế nào thưa ông?

Qua thực tế chuyến công tác của đoàn cán bộ Cục Thú y Việt Nam tại Trung Quốc gần đây cũng như báo cáo của ngành Thú y phía bạn thì hiệu quả phòng bệnh “tai xanh” cho lợn thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt nhờ loại vacxin nhược độc mới này. Hơn nữa, theo báo cáo gần đây của đoàn chuyên gia Trung Quốc tại Cục Thú y, xét trên các tiêu chí sau quá trình khảo nghiệm thì hiệu lực của loại vacxin này hơn hẳn các loại vacxin khác.

Cụ thể, hiệu lực của vacxin JXA1-R được công bố thế nào?

Theo kết quả khảo kiểm nghiệm kỹ lưỡng ở Trung Quốc thì vacxin JXA1-R sau khi tiêm phòng cho lợn 14 ngày, sau đó công cường độc thì tỉ lệ bảo hộ trên lợn được đánh giá là 100%, tức là 100% lợn đã tiêm vacxin không bị chết khi bị virus PRRS thể cường độc tấn công, mặc dù một tỷ lệ nhỏ lợn vẫn có triệu chứng lâm sàng của bệnh. Tuy nhiên, từ 21 ngày sau khi tiêm vacxin trở đi, lợn vẫn được bảo hộ 100% và không có lợn nào có triệu chứng lâm sang của bệnh. Thời gian bảo hộ trong khảo nghiệm cho thấy lợn được bảo hộ 100% trong thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, đó chỉ là hiệu lực công bố trong khảo nghiệm, còn thực tế sử dụng thì có thể chênh lệch ít nhiều. Chính vì thế, nhà SX khuyến cáo khi đưa vào sử dụng đại trà ngoài thực địa thì nên tính thời gian bảo hộ 100% khoảng 4-5 tháng và sau đó nên tiêm nhắc lại (trong trường hợp là lợn nái). Đây là tỉ lệ bảo hộ rất cao.

Ngoài ra, vacxin JXA1-R còn có khả năng bảo hộ chéo, chống lại được cả chủng virus PRRS cổ điển. Các tác dụng phụ như sốc thuốc, sốt...trên lợn sau tiêm phòng hoàn toàn không có, hoặc nếu có thì với tỷ lệ cực kỳ thấp và dễ dàng can thiệp bằng các loại thuốc thông thường. Thêm vào đó, việc tiêm phòng cũng không làm ảnh hưởng đến bào thai, điều mà nhiều loại vacxin nhược độc khác hiện nay chưa khắc phục được.  

Nhiều người lo ngại, tiêm vacxin nhược độc chẳng khác gì đưa virus “tai xanh” cường độc ở Trung Quốc vào cơ thể con lợn nên sẽ rất nguy hiểm? 

Người dân có thể hoàn toàn yên tâm về điều này. Bởi virus trong vacxin nói chung và vacxin JXA1-R nói riêng đều đã bị làm chết hoặc loại bỏ độc tính nên không thể gây nguy hiểm cho lợn được tiêm phòng. Hơn nữa, mặc dù chủng virus “tai xanh” dùng để chế vacxin JXA1-R là chủng cường độc ở Trung Quốc nhưng nó đã được cấy chuyển trên môi trường tế bào tới 82 đời nên không thể còn độc tính. Trong khi đó, thực nghiệm mà phía Trung Quốc trình bày trong hội thảo sau khi cấy chuyển đến đời thứ 20 thì virus đã bị mất độc lực. Các thí nghiệm ở Trung Quốc cũng cho thấy, dù tiêm lượng vacxin JXA1-R nhiều gấp 10 lần liều tiêm vacxin thông thường (2ml/liều) vào lợn nhưng lợn vẫn an toàn, không xuất hiện các tác dụng phụ. 

Một số ý kiến cho rằng, chúng ta mới lần đầu đưa vào sử dụng, chưa khảo nghiệm đánh giá hiệu quả của vacxin JXA1-R nhưng đã cho tiêm phòng đại trà tới 200 nghìn liều là quá vội vàng và mạo hiểm? 

Xét về lí thuyết và thực tế thì Trung Quốc đã làm thay chúng ta những khâu khảo nghiệm về tính an toàn và hiệu quả của vacxin này rồi nên theo tôi là không có gì đáng lo. Hơn nữa, Bộ NN-PTNT chủ trương cho tiêm với số lượng như thế là thực hiện việc tiêm phòng khẩn cấp. Nghĩa là vừa tiêm phòng, vừa khảo nghiệm đánh giá. Cách tiêm này kể cả Trung Quốc, Lào...hay nhiều nước đã làm, thậm chí số lượng tiêm phòng còn lớn hơn chúng ta rất nhiều. Từ tháng 7 năm 2010, Lào cũng đã áp dụng phương pháp tiêm vacxin JXA1-R kiểu này cho 7 huyện ở tỉnh Viên Chăn. Kết quả hiện tại ở Lào cũng rất tốt nên dự kiến sắp tới, Cục Thú y sẽ cử cán bộ sang Lào lấy mẫu để giúp bạn khảo sát đánh giá cụ thể. 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và hướng dẫn tạm thời sử dụng vacxin JAX1-R của Cục Thú y, Cty CP Thuốc thú y TƯ 1 (Vinavetco) chịu trách nhiệm tiếp nhận 200 nghìn liều vacxin do Trung Quốc viện trợ và hiện tại đã giao cho 21 tỉnh – thành tiến hành tiêm phòng từ hôm nay. Trong đó, Bộ NN-PTNT giao TT Chẩn đoán thú y TƯ chủ trì, phối phối hợp với Chi cục Thú y Hà Nội tiêm phòng khảo nghiệm 5 nghìn liều, Cơ quan Thú y vùng VI chủ trì, phối hợp với Chi cục Thú y Bình Dương tiêm phòng khảo nghiệm 10 nghìn liều. Ngoài ra, các tỉnh vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL như Đồng Nai, Bình Phước, Long An, TPHCM, Vĩnh Long, Bến Tre...mỗi tỉnh sẽ tiếp nhận từ 9 đến 10 nghìn liều.

* Cục Thú y cho biết hiện cả nước đã có 29 tỉnh/thành có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn khi trong vòng 2 tuần qua, đã có thêm 4 tỉnh gồm Đăk Nông, Gia Lai, Bình Thuận và Trà Vinh mới phát hiện dịch. Đồng thời, có 13 tỉnh (chủ yếu tập trung ở vùng ĐBSCL) trong 2 tuần qua vẫn tiếp tục phát sinh ổ dịch mới, đồng thời các ổ dịch tiếp tục lan rộng. Cục Thú y nhận định dịch sẽ còn diễn biến xấu hơn trong thời gian tới.

Phương Mai

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất