| Hotline: 0983.970.780

Bắt đầu từ cái dân quan tâm nhất

Thứ Tư 21/12/2011 , 10:16 (GMT+7)

Người dân đã "gật đầu" khi những thắc mắc của họ được giải đáp thỏa đáng

Người dân và chính quyền Sóc Sơn (Hà Nội) cũng cần tiền ngân sách Nhà nước lắm, nhưng trong lúc ngân sách còn chưa bố trí được họ chọn tiêu chí "xương" nhất, nhạy cảm nhất là quy hoạch lại đồng ruộng thành những cánh đồng mẫu lớn và tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng suất và thu nhập.

>> Hãy để nông dân là chủ thể thực sự

Đấu tranh gay gắt

Trả lời câu hỏi tại sao Sóc Sơn lại chọn cái tiêu chí "xương" như vậy, trong khi thành phố Hà Nội đâu phải thiếu tiền, ít ra thì mỗi năm cũng rót được vài trăm tỉ để xây dựng NTM ở vài xã? Một vị Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn giãi bày: "Nghèo “đội sổ” nên Sóc Sơn luôn được thành phố quan tâm, nay trợ cấp cái này, mai hỗ trợ cái kia, nhưng đời sống vẫn không nhúc nhích lên được. Ví như lúc đói thì thành phố cấp gạo cho dân qua cơn đói; rót tiền về xây trường, trạm, trụ sở nhà văn hóa cho khang trang; hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao, nông nghiệp hàng hóa… Nhưng dân hết đói bữa nay, ngày mai giáp hạt lại đói. Trụ sở, nhà văn hóa, trường, trạm khang trang, họ chỉ vui khi đưa con đến trường, còn họ nói thật rằng đó không phải là cơm áo gạo tiền của họ, không thể tựa lưng vào đó mà sống được. Sản xuất được hỗ trợ thì còn sống, hết hỗ trợ là chết quay đơ.

Cái vấn đề đất đai là gốc rễ của mọi vấn đề, là cơm áo gạo tiền của dân thì bao nhiêu lần Thường vụ huyện đặt ra đều không làm được. Cũng phải nói rằng, có người không dám làm vì sợ “mất ghế”, cho rằng nó nhạy cảm quá; lại có người “chê” làm cái đó thì được gì mà không khéo mang vạ vào thân, vì động đến quyền lợi của đông đảo người dân là dễ… “chết” lắm. Thế là để đến tận bây giờ".

Rồi, vị Thường vụ Huyện ủy này kết luận: Điều ấy chứng minh một điều rằng, nếu triển khai xây dựng NTM bằng việc chỉ đổ hàng trăm tỉ đồng vào xây dựng trường, trạm, đường sá… thì có tận dụng được hết nội lực của dân không, có phát huy được vai trò chủ thể tối đa của dân không, có thành phong trào xây dựng NTM không? Khi triển khai rầm rộ các dự án, các xã, các thôn sẽ thành các đại công trường. Thử hỏi, có bao nhiêu người dân quan tâm?

 Có lẽ cái họ quan tâm nhất là rút những thúng thóc còn lại đi bán để đóng góp cho cái đại công trường ấy. Họ cần cơ sở hạ tầng, nhưng cái họ quan tâm nhất, cần hơn cả là quy hoạch lại đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm để họ có thể tăng thu nhập. Điều thiết thực này cũng phù hợp với các địa phương sản xuất nông nghiệp còn nghèo, khi triển khai chắc chắn sẽ được dân ủng hộ cao. Chúng tôi nhận ra điều đó, quyết tâm bảo vệ quan điểm đó. Nhưng cũng phải rất cứng rắn, rất quyết tâm cách làm ấy mới “trôi” được. Đến khi triển khai, thành ngày hội xây dựng NTM của quần chúng rồi thì người nào muốn cản cũng không cản được nữa.

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, người đã từng có nhiều năm làm PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội phụ trách phát triển nông thôn cho rằng, Chính phủ xác định xây dựng NTM là “phải bắt đầu từ quy hoạch”, “phải để người dân nông thôn làm chủ thể”, điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng chủ thể như thế nào thì không rõ. Mấy tháng gần đây báo NNVN và các phương tiện thông tin đại chúng cho hay nhiều tiêu chí về hạ tầng được xây dựng bằng việc phải chi cả một núi tiền, thôn xã nào không được “rót” tiền là dậm chân tại chỗ mà không nói nhiều đến phong trào của quần chúng, chủ thể là người dân trong xây dựng NMT. Thế chả nhẽ, không được rót một núi tiền là không thể xây dựng NTM sao?

"Nếu cứ tuyên truyền cái việc “rót tiền” không thôi thì sẽ khó động viên, lôi cuốn được đông đảo người dân nông thôn tham gia vào xây dựng NTM. Khi đã không lôi cuốn được đông đảo họ thì làm sao thành phong trào xây dựng NTM rộng khắp và nông dân làm chủ thể được. Kéo đông đảo người dân vào xây dựng NTM cùng với chính quyền bằng cách quy hoạch lại đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất phải được coi là đột phá, là chìa khóa để xây dựng NTM. Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân phải hiểu được như thế", ông Ngô Đại Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn.

Nếu cứ phân tích như lãnh đạo huyện Sóc Sơn, thì cũng là chủ trương ấy, nhưng cách hiểu và làm ở mỗi địa phương lại khác nhau. Điều mà ông Ngô Đại Ngọc gọi là “chìa khóa” có lẽ phải chờ kết quả cụ thể. Nhưng cái được đầu tiên không thể phủ nhận được là người dân nông thôn đang là chủ thể xây dựng NTM thực sự, nó đã trở thành phong trào của quần chúng nông thôn thực sự. Và điều thấy ngay nữa là nó đã đập tan được tư duy ỉ lại, kém cỏi của một bộ phận cán bộ hiện nay.

Hàng trăm cuộc họp và một cái gật đầu

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết: Chúng tôi bắt đầu xây dựng NTM bằng việc động đến đất canh tác - vấn đề gắn đến quyền lợi máu thịt của tất cả người dân nông thôn. Cũng vì lẽ đó, mà để chủ trương ra được thành nghị quyết của Huyện ủy và để mỗi đảng viên trong toàn Đảng bộ hiểu được, để tất cả các tổ chức chính trị - xã hội đều tích cực tham gia là cả một quá trình gian nan. Thông trên huyện khó khăn một phần, thông ở xã, ở thôn - nơi bàn trực tiếp với dân còn gian nan hơn gấp nhiều lần.

"Ở Sóc Sơn thời điểm này, các cấp hội như CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, UBMTTQ… đang là nòng cốt của phong trào. Thực ra thì cách làm này không có gì là quá khó hiểu, quá mơ hồ, nó gắn quá chặt với quyền lợi của tất cả các hội viên và người nông dân, vì vậy mà từ mấy chục năm nay chưa có một phong trào nào ở đây có sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội đến như thế", bà Vi Thị Bình Anh, Chủ tịch UBMTTQ huyện Sóc Sơn.

“Đất đai quá đỗi quan trọng với người dân nên khi được thông báo họp bàn, tất cả các hộ dân trong thôn đều có đại diện đến họp, có người làm xa ở tận Phú Thọ cũng về họp. Và trong suốt mấy chục cuộc họp không thiếu một hộ nào. Cán bộ giải đáp tất cả các thắc mắc của dân, xã không giải thích được thì mời huyện về giải thích cho đến khi dân hiểu ra thì thôi.

Về chủ trương, dân hoàn toàn ủng hộ, vì họ quá bức xúc với đất đai manh mún rồi, chỉ còn bàn về thực hiện thế nào là dai dẳng thôi. Cụ thể có mấy vấn đề lớn bàn nhiều là: Quỹ đất dôi dư sau chia lại xử lý thế nào, dành cho các cơ sở hạ tầng bao nhiêu, giãn dân bao nhiêu, tiền thu được từ giãn dân đấu giá đầu tư cái gì? Dân phải đóng góp bao nhiêu ngày công? Các hộ muốn tích tụ thêm ruộng đất thì làm thế nào? Di chuyển mồ mả và cây cối được hỗ trợ bao nhiêu? Sau khi có những mảnh ruộng mẫu lớn Nhà nước hộ trợ những gì? Ai vào nhóm hộ chuyên chăn nuôi, ai vào nhóm hộ chuyên trồng lúa?.. Chúng tôi phải mất mấy chục cuộc họp mới nhận được cái gật đầu của 100% người dân", Bí thư Chi bộ thôn An Lạc Đỗ Văn Đậu cho biết.

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Thu khẳng định: “Huyện chỉ đạo là phải họp cho đến người dân cuối cùng gật đầu thì mới bắt đầu triển khai làm, vì vậy, nếu tính tất cả các cuộc họp thì chỗ tôi lên đến cả trăm lần, riêng ở thôn cũng lên đến vài chục lần. Số lần cán bộ họp với dân, hay nói đúng hơn là trả lời dân chất vấn bằng cả một nhiệm kỳ 5 năm. Qua đây mới thấy khả năng của cán bộ thế nào. Anh nào kém thì không thể trả lời được chất vấn của dân và kết cục là làm không tốt. Còn nếu trả lời được tất cả chất vấn của dân, thì dân đồng tình lắm. Thực tế ở xã tôi cho thấy, làm cái gì dù khó đến mấy mà dân đồng tình ủng hộ, tích cự tham gia vào thì cũng trở nên nhẹ nhàng như không".

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất