| Hotline: 0983.970.780

Bắt giam nguyên Giám đốc Cty Tài chính cao su

Thứ Ba 07/08/2012 , 10:51 (GMT+7)

Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phan Minh Anh Ngọc, nguyên Giám đốc Cty TNHH MTV Tài chính cao su tại nhà riêng ông này ở tỉnh Quảng Ngãi...

Hôm qua (6/8), tin từ cơ quan tố tụng Trung ương cho biết, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phan Minh Anh Ngọc, nguyên Giám đốc Cty TNHH MTV Tài chính cao su tại nhà riêng ông này ở tỉnh Quảng Ngãi và ông Vương Đáng, Trưởng phòng Tín dụng về tội “Cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự.


Ảnh có tính minh họa

Liên quan đến vụ án, trước đó, Trần Quốc Hoàng, nguyên nhân viên Phòng Tín dụng của Cty cũng bị cơ quan công an khởi tố về hành vi vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cụ thể là sử dụng sổ đỏ lừa đảo chiếm đoạt 12 tỷ đồng để đánh bạc. Theo đó, lợi dụng nhiệm vụ được giao, từ năm 2009 đến 2010, Hoàng đã sử dụng nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), giả mạo chữ ký của người khác, không có hợp đồng ủy quyền để lập các bộ hồ sơ cho vay không đúng quy định nhằm chiếm đoạt số tiền rất lớn của Cty Tài chính cao su.

Cty Tài chính cao su là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn CNCS VN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, hiện đang thua lỗ và nợ “ngập đầu” do hiệu quả đầu tư kinh doanh, cho vay ngoài ngành quá... kém! Cụ thể, đầu tư tài chính 150 tỷ đồng không hiệu quả. Chỉ riêng lĩnh vực đầu tư chứng khoán, nếu thoái vốn thì năm 2011 Cty Tài chính cao su ước lỗ hơn 44,5 tỷ đồng, năm 2012 ước lỗ khoảng hơn 28 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thời gian qua, các cổ phiếu giảm giá quá sâu và khó thanh toán. Mặt khác, với 150 tỷ đồng đầu tư tài chính, Cty Tài chính cao su đã hạch toán dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư 24 tỷ đồng, nếu bù đắp lỗ khi thoái vốn các quỹ vẫn còn bị “âm” hơn 16 tỷ đồng.

Tổng cộng năm 2011, Cty Tài chính cao su ước bị lỗ từ tín dụng khoảng 70 tỷ đồng, riêng cổ phiếu lỗ 6 tỷ. Sang năm 2012, dự đoán lỗ còn gấp 3 lần năm 2011. Cộng tất cả các khoản lỗ của Cty này trong năm 2011 lên đến 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ tháng 1 đến tháng 9/2009, Cty Tài chính cao su và Chi nhánh Hà Nội của Cty này còn ký hợp đồng tiền gửi và vay có kỳ hạn của một số khách hàng với tổng số tiền 600 tỷ đồng. Sau đó, Cty Tài chính cao su và Chi nhánh Hà Nội đã đem 600 tỷ đồng này gửi tại Cty Cho thuê tài chính II - một tổ chức tín dụng phi ngân hàng do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT sở hữu 100% vốn điều lệ, để hưởng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất nhận tiền gửi.

Mặc dù có quá nhiều vi phạm đã được chỉ ra khá cụ thể trong các báo cáo thanh tra trước đây nhưng cho đến thời điểm này, trách nhiệm của ông Trần Thoại, nguyên Trưởng ban Tài chính Tập đoàn kiêm Chủ tịch HĐQT Cty Tài chính cao su trong thời gian công ty này kinh doanh “be bét” vẫn chưa được làm rõ.

Đây là một trong những hoạt động kinh doanh tiền tệ trên thị trường liên ngân hàng của Cty Tài chính cao su theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, có điều không bình thường là Cty này đã đem một số tiền gửi 600 tỷ đồng (chiếm 60% vốn điều lệ của DN vào thời điểm tháng 10/2010), để gửi vào một đối tượng khách hàng như Cty Cho thuê tài chính II, chỉ có mức vốn điều lệ 350 tỷ đồng.

Hơn nữa, trước khi gửi 600 tỷ đồng, Cty Tài chính cao su cũng chưa thẩm định kỹ và chưa đánh giá hiệu quả hoạt động của Cty Cho thuê tài chính II một cách cẩn trọng, chuẩn xác. Thế nên, hậu quả cực kỳ nghiêm trọng là đến nay Cty Cho thuê tài chính II đã mất khả năng thanh khoản. Vì thế, việc thu hồi tiền gửi (600 tỷ đồng) và lãi tiền gửi (155,69 tỷ đồng) tại Cty Cho thuê tài chính II cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, nếu không muốn nói là có nguy cơ “mất trắng”.

Nên nhớ, trong lúc Tập đoàn CNCS VN đang thiếu vốn đầu tư cho các dự án phát triển cao su để thực hiện kế hoạch phát triển diện tích cây cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì Cty Tài chính lại đầu tư kinh doanh và cho vay ngoài ngành hàng trăm tỷ đồng không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ, có nguy cơ mất vốn của Nhà nước như đã nói trên là điều không thể chấp nhận được.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm