| Hotline: 0983.970.780

Bắt giữ 149 con heo tộc, heo rừng: Khuất tất chi cục Thú y Phú Yên

Thứ Hai 06/02/2012 , 09:24 (GMT+7)

Kiểm tra giấy tờ của lô heo đang chạy từ Phú Yên vào phía Nam, lực lượng liên ngành thú y TPHCM đã phát hiện hàng loạt sai phạm.

Niêm chì theo kiểu đối phó vì dễ dàng mở lồng lấy heo bất cứ lúc nào

Sáng ngày 4/2, khi kiểm tra giấy tờ của lô heo tộc, heo rừng lên đến 149 con đang chạy từ Phú Yên vào phía Nam, lực lượng liên ngành thú y TPHCM đã phát hiện hàng loạt sai phạm. Đặc biệt, các giấy tờ liên quan đến lô hàng có dấu hiệu tiếp tay của Chi cục Thú y Phú Yên…

KIỂM DỊCH, CHỮ KÝ, NIÊM CHÌ ĐỀU SAI!

Vào 7h15’ sáng ngày 4/2, đoàn công tác liên ngành thú y TPHCM đang tuần tra trên tuyến quốc lộ 1A (thuộc địa bàn quận Thủ Đức) phát hiện chiếc xe khách biển kiểm soát 77K-8760 (của HTX vận tải cơ giới 30/3 Phù Mỹ, Bình Định) đang chạy với tốc độ cao và có dấu hiệu khả nghi. Lập tức chiếc xe được chặn dừng lại và bất ngờ đoàn phát hiện dưới gầm xe đang chở 9 lồng sắt loại lớn, bên trong chứa 149 con heo tộc, heo rừng.

Tại Trạm KDĐV Thủ Đức, tài xế tên Lê Hồng Phương (sinh 1972, ngụ Phù Mỹ, Bình Định) khai báo nhận vận chuyển lô heo này tại khu vực đèo Cả (giáp ranh tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), do một chiếc xe tải bị hỏng máy giữa đường chuyển qua. Tài xế Phương cho rằng không thể nhớ nổi số xe tải đã thuê vận chuyển (?!).

 Sau đó, chủ lô hàng tên Nguyễn Văn Nhẫn (sinh 1975, xã Giao Long, Châu Thành, Bến Tre) có mặt tại Trạm để làm bản tường trình giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, khi kiểm tra các giấy tờ liên quan, Trạm phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến Chi cục Thú y Phú Yên.

Cụ thể, Giấy kiểm dịch vận chuyển động vật ra khỏi tỉnh cho lô hàng heo rừng và heo tộc này gồm 150 con (thực tế chỉ có 149 con) ghi ngày 3/2/2011, tức có hiệu lực cách đây 1 năm, nhưng vẫn được Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên Đỗ Thị Đậu ký tên và đóng dấu đàng hoàng! Trên Giấy kiểm dịch ghi nơi đến cuối cùng là lò mổ của ông Nguyễn Văn Nhẫn tại Tân Thắng, Tân Bình, Nghĩa An, Bình Dương cũng sai nghiêm trọng. Bởi lẽ tỉnh Bình Dương chỉ có thị xã Dĩ An chứ không có địa bàn tên “Nghĩa An”.

 Đặc biệt, ông Nhẫn không hề có lò giết mổ nhưng kiểm dịch viên tên Cao Minh Thơ của Chi cục Thú y Phú Yên vẫn vô tư cấp phép đến lò mổ “ma” này. Chưa hết, Biên bản niêm phong chì số 14682/KD cũng do kiểm dịch viên Cao Minh Thơ ký nhưng không đóng dấu theo quy định, điều đó đồng nghĩa với việc biên bản này không hề có hiệu lực pháp lý.

Đặc biệt nghiêm trọng, theo đối chiếu so sánh của PV tại Biên bản niêm phong và Biên lai thu tiền phí kiểm dịch cho lô hàng 149 con heo tộc, heo rừng đã phát hiện 2 chữ ký hoàn toàn khác nhau, nhưng phía dưới đều ghi tên kiểm dịch viên Cao Minh Thơ. Ngoài ra, trực tiếp PV NNVN cùng Trạm KDĐV Thủ Đức kiểm tra niêm chì tại 9 lồng chứa heo thì nhận thấy cách thức niêm chì rất sơ sài, hoàn toàn theo kiểu đối phó. Để minh chứng, một cán bộ thú y đã thò tay bắt ra vài con heo dễ như “mở tủ lấy đồ” mà niêm chì vẫn còn nguyên vẹn.

PHỚT LỜ QUY ĐỊNH CỦA BỘ

Theo điều tra của NNVN, ông Nhẫn đã tổ chức mua gom heo rừng, heo tộc sống suốt 2 năm nay và hợp thức hóa vận chuyển vào Bình Dương, TPHCM bằng giấy kiểm dịch với mục đích “giết mổ”. Thực chất, toàn bộ các lô heo sau khi “chạy” vào Nam trót lọt đã được ông Nhẫn bán sống cho các nhà hàng, quán ăn tại TPHCM, Bình Dương với giá rất cao và trở thành món heo rừng, heo tộc sống đặc sản với giá bán cho khách từ 2 – 3 triệu đồng/con nặng 4 – 5 kg.

Dư luận đang bức xúc yêu cầu làm rõ: Không biết suốt 2 năm qua, đã có bao nhiêu lô hàng ông Nhẫn tổ chức thu mua và xuất phát từ huyện Sông Hinh - tỉnh Phú Yên, sau đó được Trạm Thú y Sông Hinh cấp sai cho ông Nhẫn (thực chất ông này không hề có lò mổ) để “chạy” vào phía Nam. Cũng theo tìm hiểu của PV, một trong những đầu mối lớn chuyên tổ chức mua gom và cung cấp cho ông Nhẫn là bà Nguyễn Thị Bích Biếc, ngụ KP4, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Theo thông tin của NNVN, từ trước đến nay Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên chưa hề đăng ký mẫu chữ ký kiểm dịch viên vận chuyển động vật ra khỏi tỉnh cho thú y TPHCM. Việc làm khó hiểu này đã khiến Trạm KDĐV Thủ Đức TPHCM không biết chữ ký của ông Cao Minh Thơ và các kiểm dịch viên khác của Phú Yên “mặt mũi” thế nào để đối chiếu, so sánh trên giấy tờ kiểm dịch, niêm phong là chữ ký thật hay giả.

Đây là sai phạm nghiêm trọng của Chi cục Thú y Phú Yên vì theo quy định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại Quyết định số 126/2008/QĐ-BNN (ngày 30/12/2008), thì Chi cục trưởng các tỉnh phải ra “Quyết định ủy quyền thực hiện KDĐV” cho các lãnh đạo đơn vị và cá nhân là kiểm dịch viên động vật thuộc chi cục của mình. Sau đó phải gửi danh sách và mẫu chữ ký của kiểm dịch viên đến các địa phương khác, nhất là các tỉnh có mức tiêu thụ gia súc, gia cầm lớn như TPHCM để họ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và đối chiếu chữ ký khi cần thiết.

Đây cũng là biện pháp quan trọng mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu thực hiện nghiêm túc để nâng cao ý thức trách nhiệm và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về công tác KDĐV, sản phẩm động vật.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất