| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/03/2016 , 01:15 (GMT+7)

01:15 - 16/03/2016

Bật lửa hay súng lục?

Qua một tuần, trong báo cáo của Công an huyện Đức Cơ gửi lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai về vụ thiếu tá công an "đại náo" học đường, thì khẩu súng trong tay ông thiếu tá Trần Vũ Khiêm bỗng biến thành... chiếc bật lửa có hình khẩu súng (?)./ Công an hay côn đồ?

Báo NNVN có bài “Công an hay côn đồ?”, phản ánh việc, do con gái mình là Trần Lê Hạnh Lan (đang học lớp 8B, trường THCS Quang Trung, xã Ia Dok, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) xích mích với lớp trưởng Nguyễn Ngọc Quang, nên thiếu tá Trần Vũ Khiêm (được Công an huyện điều về làm Trưởng công an xã Ia Dok) đã đến trường tìm em Quang để “trả thù”.

Bị bảo vệ của trường là anh Nam can ngăn, ông Khiêm đã rút trong người ra một khẩu súng ngắn, đánh vào đầu anh Nam khiến anh ngất xỉu, sau đó phải vào viện khâu 5 mũi. Tiếp theo, ông thiếu tá còn chửi bới giáo viên của trường, rồi xông vào lớp tóm em Quang lôi ra ngoài, dí súng vào đầu em đe dọa và đấm vào đầu em.

Vụ việc khiến cả xã hội xôn xao vì bức xúc. Những tưởng lãnh đạo Công an huyện Đức Cơ phải xử lý nghiêm minh những hành vi có tính chất côn đồ, có dấu hiệu cấu thành các tội “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng” nói trên của ông thiếu tá. Nhưng không. Qua một tuần, trong báo cáo của Công an huyện Đức Cơ gửi lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai về vụ việc này, thì khẩu súng trong tay ông thiếu tá Trần Vũ Khiêm bỗng biến thành... chiếc bật lửa có hình khẩu súng (?).

Kết luận này, lại khiến dư luận thêm một lần nữa, xôn xao và bức xúc.

Chiếc bật lửa, dù có hình khẩu súng đi chăng nữa, thì cũng chỉ bằng chiều rộng của hai ngón tay, làm bằng nhựa, và chỉ nặng vài gam. Một người lớn cầm thì chiếc bật lửa đó sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay, chẳng ai nhìn thấy. Chẳng ai lại đi sản xuất một chiếc bật lửa to bằng khẩu súng ngắn thật, và nặng đến cả kí lô như khẩu súng thật.

Bởi chỉ có một vật to, nặng cả ký lô nện vào đầu anh bảo vệ, thì mới khiến anh ngất xỉu, và sau đó phải vào viện khâu đến 5 mũi do bị toạc da đầu. Còn dùng chiếc bật lửa nhỏ xíu kia mà đánh vào đầu liệu có phải khâu tới 5 mũi không?

Hơn thế nữa, cho đến nay, Công an huyện Đức Cơ vẫn chưa thu được “chiếc bật lửa có hình khẩu súng” đó. Vì theo tường trình của ông Khiêm, thì chiếc bật lửa đó do vợ ông cầm và... không nhớ đã để ở đâu (!).

Lý do để lãnh đạo Công an huyện Đức Cơ khẳng định cái vật mà ông Khiêm cầm để gây thương tích cho bảo vệ trường Quang Trung, và dí vào đầu em Nguyễn Ngọc Quang là “chiếc bật lửa có hình khẩu súng”, là: Công an huyện không bàn giao súng quân dụng cho Công an xã Ia Dok và cho cá nhân ông Khiêm. Tại thời điểm kiểm tra, những khẩu súng bắn đạn cao su vẫn còn trong kho của công an xã.

Không thể nào nực cười hơn với cái lý do này. Súng quân dụng và súng bắn đạn cao su, thì cũng cùng kích cỡ, trọng lượng như nhau. Chỉ khác nhau về đạn. Tại thời điểm kiểm tra, là thời điểm nào? Trước lúc ông Khiêm xông vào trường gây náo loạn, hành hung bảo vệ? Hay là sau lúc đó? Còn tại thời điểm ông Khiêm xông vào trường, ai biết mà kiểm tra? Công an huyện căn cứ vào đâu để kết luận như vậy? Hay lại căn cứ vào chính lời khai của ông Khiêm?

Đã gây nên khuyết điểm thì thành khẩn mà nhận ngay đi. Bởi người đời vốn bao dung “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”. Còn quanh co, bao che như trên, thì đúng là “nói gian, nó... dàn ra mặt”.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm