| Hotline: 0983.970.780

Bất lực trước việc các bến thủy hoạt động trái phép!

Thứ Tư 19/10/2016 , 15:45 (GMT+7)

Nhiều năm nay, 11 bến thủy nội địa không phép chuyên bốc dỡ, mua bán, tập kết cát, vật liệu xây dựng (VLXD) tại khu vực đê sông Hồng đoạn chảy qua huyện Phú Xuyên (Hà Nội) không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy, hành lang thoát lũ mà còn khiến đê sông Hồng bị băm nát.

Hàng loạt vi phạm

Từ bến đò Văn Nhân chạy dọc sông Hồng qua địa bàn các xã Văn Nhân, Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng, dễ dàng nhìn thấy hàng loạt bãi cát khổng lồ. Phía dưới những bãi cát này là bến đỗ của hàng trăm chiếc cần cẩu, tàu hút cát và tàu vận tải đang đợi đến lượt vào trả hàng.

16-41-57_nh-1-tung-don-xe-ti-bm-nt-de
Từng đoàn xe quá tải vào bến chở cát băm nát mặt đê
 

Cụ thể tại xã Văn Nhân và xã Hồng Thái có 6 bến bãi; xã Khai Thái có 2 bến bãi; xã Quang Lãng có 1 bến bãi và thị trấn Phú Minh có 4 bến bãi. Nghiêm trọng hơn, tại thị trấn Phú Minh có những chủ bến đã cho doanh nghiệp khác thuê lại đất để xây dựng cả trạm trộn bê tông ngay sát sông Hồng.

Tất cả các bến bãi trên đều "3 không": không phép, không quy hoạch và không hợp đồng thuê đất. Dẫn chúng tôi xuống sát mép nước sông Hồng, ông Nguyễn Đình Lập, một người dân ở thị trấn Phú Minh bức xúc: "Các anh thấy đấy, các bến bãi ở đây hoạt động suốt ngày đêm. Người dân chúng tôi đến khổ vì tiếng ồn của tàu hút cát, máy cẩu, xe tải".

Chưa hết, người dân còn phải hứng bụi mù mịt từ những chiếc xe tải vào đây chở cát từ sáng sớm đến đêm khuya. Bà con kêu cứu nhiều lần nhưng chính quyền chỉ xuống kiểm tra, lập biên bản xử phạt, sau khi đoàn cán bộ về, họ lại hoạt động như thường.

Bà Lê Thị Thủy, một người bán hàng nhiều năm ở tuyến đê cho biết: "Hàng ngày tôi rõ mồn một biển số của từng cái xe tải ra vào đây chở cát nhưng không thể phân biệt được các bến cát này là của chủ nào bởi chúng cứ mờ mờ ảo ảo. Hỏi cán bộ thì họ chỉ bảo, các bến ở đây đều không có giấy phép và cũng không ai ký hợp đồng nhưng tất cả đều có chủ và chủ to đằng khác".
 

Không biết hay bao che?

Trước đây, các bến này có làm thủ tục thuê đất với địa phương mà cụ thể là UBND huyện Phú Xuyên nhưng đều hết hạn từ năm 2014. Sau khi thanh lý hợp đồng, họ vẫn vô tư hoạt động hoặc chuyển nhượng, cho một số chủ mới thuê lại để hưởng lợi.

Trước việc thi nhau xâu xé, chiếm dụng lòng sông Hồng và hành lang thoát lũ, Hạt quản lý đê Phú Xuyên đã có văn bản đề nghị UBND huyện Phú Xuyên xử lý dứt điểm 11 bến thủy tập kết VLXD không phép dọc hữu đê sông Hồng đoạn từ K101+300 đến K107+900.

16-41-57_nh-2-thi-nhu-chiem-dung-long-song
Các tàu xâu xé dòng chảy của sông Hồng
 

Xét thấy việc vi phạm có tính chất nghiêm trọng, UBND huyện Phú Xuyên đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các xã Văn Nhân, Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng và thị trấn Phú Minh yêu cầu có biện pháp kiểm tra, rà soát, ngăn chặn.

Huyện giao ông Trần Hữu Tước, Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo, kiểm tra và xử lý dứt điểm các vi phạm trên, thời gian thực hiện xong trước ngày 15/5/2016. Đến nay đã gần 6 tháng trôi qua, các điểm vi phạm này vẫn ngang nhiên hoạt động như thách thức dư luận.

Ông Phùng Văn Thạch, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Phú Xuyên cho biết: Việc các bến thủy, chủ bãi thường xuyên chứa VLXD trong hành lang bảo vệ đê là nguyên nhân gây hư hỏng mặt đê. Các xe tải vào bãi chở VLXD thường chở gấp 2 - 3 lần trọng tải cho phép, là nguyên nhân khiến nạn cát tặc ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, khu vực giáp ranh giữa huyện Phú Xuyên (nơi có kè Cát Bi) với huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), các tàu ngày đêm thi nhau hút cát bán cho các chủ bãi ở thị trấn Phú Minh và xã Văn Nhân gây bức xúc với người dân và tạo ra nguy cơ rất lớn về việc sạt lở chân mái kè Cát Bi khi có lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy sông Hồng.

Bất lực trước việc các bến thủy hoạt động trái phép, ông Bùi Thế Khiêm, Phó trưởng Đại diện Cảng vụ Hà Nội cho biết, trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện nay chỉ duy nhất có một bến được thành phố cấp phép và do cảng vụ quản lý, số còn lại đều hoạt động theo kiểu "bến dù, bến cóc".

"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị dẹp các bến này để lập lại trật tự, trả lại dòng chảy cho sông Hồng. Thế nhưng, việc này vượt quá thẩm quyền của cơ quan Cảng vụ, trách nhiệm để tồn tại hàng loạt bến thủy không phép là của chính quyền địa phương mà cụ thể là UBND huyện Phú Xuyên.
Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì nhà nước sẽ thất thu thuế, tài nguyên bị xâm hại và dòng chảy, hành lang thoát lũ tuyến đê sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Bùi Thế Khiêm cho biết.

 

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.