| Hotline: 0983.970.780

'Bắt mạch' cơ sở giết mổ loại C

Thứ Sáu 28/08/2015 , 09:26 (GMT+7)

Quá trình đi kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở giết mổ xếp loại C là điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Mà một khi vẫn còn giết mổ trong khu dân cư thì vẫn mãi mãi chỉ là cơ sở xếp loại C.

Trước thực trạng các cơ sở giết mổ loại C (không đạt) còn tồn tại rất nhiều và chuyển biến chậm, sáng 27/8, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra, tìm hiểu thực trạng cơ sở giết mổ trên một số địa bàn TP Hà Nội nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Vướng mắc chủ yếu ở quy hoạch

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, trước thực trạng các cơ sở loại C sau tái kiểm chuyển biến rất chậm, Bộ NN-PTNT thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra các cơ sở giết mổ tại một số tỉnh, thành, trong đó Hà Nội được chọn làm địa phương điểm triển khai đầu tiên.

Theo đó, thay vì thanh kiểm tra hành chính và lập biên bản như phần lớn các buổi kiểm tra thông thường, kế hoạch thanh tra lần này chủ yếu đến trực tiếp các cơ sở giết mổ và địa phương tìm hiểu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc tại các cơ sở loại C sau tái kiểm, từ đó có những hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để nâng cấp các cơ sở này lên loại B và tiến tới đạt loại A.

Kiểm tra các cơ sở trên địa bàn huyện Chương Mỹ, thực tế cho thấy phần lớn các cơ sở giết mổ bị xếp loại C đều là những lò mổ thủ công, nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư. Công tác từ giết mổ đến xử lí môi trường, kiểm dịch và ATVSTP đều không đạt. Chỉ có một số ít cơ sở giết mổ được sự hỗ trợ của Dự án LIPSAP đảm bảo được cơ bản tiêu chí để đạt loại B, song do không nằm trong vùng quy hoạch giết mổ tập trung nên vẫn bị xếp hạng C.

Chia sẻ với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ cơ sở giết mổ tại thôn Mỹ Hạ, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ cho biết, trước đây gia đình giết mổ theo phương pháp thủ công nên ảnh hưởng về âm thanh và chất thải tới hàng xóm rất lớn. Từ ngày được LIPSAP hỗ trợ xây dựng hầm biogas và hệ thống khay, bàn giết mổ inox, máy chích điện, công tác giết mổ nhàn nhã và đảm bảo vệ sinh hơn.

Nhưng theo chia sẻ của ông Tuấn, bản thân gia đình vẫn rất muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho một quỹ đất để di chuyển lò mổ ra xa khu dân cư. Trước hết là đỡ ảnh hưởng tới gia đình, con cái, sau là không làm phiền tới hàng xóm chứ nói gì thì nói giết mổ giữa khu dân cư không thể đảm bảo ATVSTP như mong muốn được.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Mỹ Hạ, xã Hữu Văn cũng thiết tha mong chính quyền địa phương và TP Hà Nội xây dựng một khu giết mổ quy hoạch tập trung để gia đình chuyển ra ngoài đó kinh doanh.

18-00-12_dsc_0096
Sau đợt thanh kiểm tra, nhiều cơ sở loại C sẽ được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để nâng hạng

Theo tâm sự của chị Hằng, theo nghề giết mổ của gia đình hàng chục năm nay, mỗi ngày giết mổ hàng chục con lợn, nhưng nay khi con cái lớn vợ chồng chị hy vọng địa phương quy hoạch một nơi giết mổ tập trung để gia đình chị cũng như nhiều gia đình khác thay đổi môi trường sống cho con cháu chứ giờ tiền bạc không còn quá quan trọng nữa.

Về xây dựng chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị TP Hà Nội cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn về ATTP của riêng Hà Nội như một đơn vị nhập khẩu để làm căn cứ kiểm soát, tạo môi trường để các tỉnh cạnh tranh bán sản phẩm nông nghiệp vào Hà Nội.

Trong chuyến kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận cơ sở giết mổ tập trung của anh Vũ Văn Khương, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ sau khi có được sự hỗ trợ trên 600 triệu đồng từ Dự án LIPSAP đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một khu giết mổ tập trung xa khu dân cư với công suất giết mổ 150 con lợn/ngày trị giá trên 3 tỷ đồng.

Để thu hút các chủ giết mổ, hiện cơ sở của anh Khương chỉ thu phí giết mổ mỗi con lợn 25.000 đồng nên anh Khương rất mong được TP Hà Nội đưa cơ sở của mình vào quy hoạch giết mổ tập trung để nhận được hỗ trợ, từ đó có điều kiện nâng cấp, mở rộng quy mô lớn hơn nữa.

Chọn điểm làm dứt điểm

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 3 cơ sở giết mổ công nghiệp, 14 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 4 khu giết mổ thủ công tập trung. Lượng giết mổ trên 302.000 tấn/ngày, so với nhu cầu thực phẩm 800 tấn/ngày, hiện đã đáp ứng được khoảng 42,6% giết mổ có kiểm soát, còn lại tới trên 57% vẫn là điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa được kiểm soát và phần lớn cơ sở loại C tập trung ở khu vực này.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội chiều 27/8, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, quá trình đi kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở giết mổ xếp loại C là điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Mà một khi vẫn còn giết mổ trong khu dân cư thì vẫn mãi mãi chỉ là cơ sở xếp loại C. Vì vậy, Bộ NN-PTNT và TP Hà Nội cần chọn lấy một địa phương điểm để xử lí dứt điểm các cơ sở loại C.

18-00-12_dsc_0058
Một khi vẫn còn giết mổ trong khu dân cư thì vẫn mãi mãi chỉ là cơ sở xếp loại C

Theo báo cáo của lãnh đạo xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, hiện trên địa bàn xã có hàng chục lò giết mổ quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư. Do đó, nếu không có quy hoạch xử lí dứt điểm thì mãi mãi vẫn chỉ xếp loại C.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị TP Hà Nội cần thông thoáng, nhanh chóng hơn nữa trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở mạnh dạn đầu tư khu giết mổ tập trung để khuyến khích, nhân rộng mô hình.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, Hà Nội là địa phương có lượng cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm, thủy sản rất lớn. Do đó, vấn đề ATVSTP được TP vô cùng quan tâm nên thời gian qua Hà Nội tập trung rất lớn cho công tác quy hoạch và chính sách cho từng ngành và từng lĩnh vực.

Đặc biệt, chính sách giết mổ được TP Hà Nội ưu tiên, hỗ trợ rất lớn là: 50% năm đầu tiên, 40% năm thứ 2 và 30% năm thứ 3 nên nhìn chung bước đầu đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn, có một số mô hình rất tốt nhưng chưa được nhân rộng. Tồn tại này, theo ông Việt có một phần lỗi là lãnh đạo ngành và địa phương chưa thật sự quyết liệt nên TP Hà Nội cần có những điều chỉnh phù hợp.

Cụ thể, thời gian tới TP Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau. Thứ nhất là rà soát lại quy hoạch cho trúng, đúng, phù hợp và kịp thời. Thứ hai, xem lại tiêu chí để hỗ trợ, bởi có thể thời gian qua tiêu chuẩn, quy mô quá lớn nên ít đơn vị tiếp cận được. Thứ ba là tăng cường công tác kiểm tra, chế tài xử lí.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, vấn đề nổi lên là TP Hà Nội có rất nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng chính quyền địa phương chưa thật sự quyết tâm cao trong việc xử lí các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Do đó, Thứ trưởng đề nghị TP Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt Thông tư 45 để phân loại các cơ sở giết mổ, phân tích, làm rõ hơn các cơ sở loại C. Đặc biệt, trên cơ sở mô hình thành công tại huyện Thanh Trì, tiến hành làm điểm tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ nhằm xử lí dứt điểm các cơ sở loại C.

Một điểm lưu ý khác theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, bên cạnh việc nâng cấp các cơ sở nhỏ và bán công nghiệp, TP Hà Nội nên tập trung tìm hiểu, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ sở giết mổ công nghiệp quy mô lớn, nhưng hiện công suất rất thấp, chỉ đạt 15 - 30%.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.