| Hotline: 0983.970.780

Bất ngờ lúa lai đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba 21/04/2015 , 09:37 (GMT+7)

Có thể và hoàn toàn có thể lúa lai sẽ tạo ra bước đột phá về SX lúa gạo cho ĐBSCL. Tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo, chắc sẽ phải tính tới giải pháp này.

Chúng tôi theo chân đoàn cán bộ khoa học và quản lý thuộc Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT, Học viện Nông nghiệp VN và Ban Thư ký chương trình khoa học KC06 đi kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện của đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa ưu thế lai năng suất, chất lượng cho vùng ĐBSCL” khi bà con đang thu hoạch rộ lúa ĐX.

Chưa khi nào chúng tôi có dịp đi một hành trình dọc từ vùng phù sa ngọt sông Tiền, xuyên qua tứ giác Long Xuyên xuống tận vùng phèn mặn của Hòn Đất - Kiên Giang đúng vào mùa thu hoạch vụ lúa ĐX, vụ lúa đạt năng suất chất lượng nhất trong năm.

Th.S Dương Thành Tài, Phó TGĐ phụ trách Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới của Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) -Chủ nhiệm đề tài KC06 đưa chúng tôi thăm những mô hình trình diễn các giống lúa ưu thế lai, là sản phẩm của đề tài với diện tích mỗi điểm 7 - 10 ha trên các vùng đất điển hình của ĐBSCL.

Đó là những vùng phù sa ngọt tại Vĩnh Long, vùng đất phèn ngọt hóa ở Tân Thạnh - Long An, vùng đất phèn mới khai hoang ở Hòn Đất - Kiên Giang. Ở 2 huyện Tam Bình và Vũng Liêm - Vĩnh Long, gần 15 ha giống lúa lai KC06-3, với 18 hộ tham gia, 01 hộ gieo cấy đối chứng là giống lúa IR 50404.

Chúng tôi viết bài này khi trong tay đã có những “con số biết nói” vì kết quả thu hoạch cuối vụ được các cán bộ chỉ đạo mô hình của Cty "cân đong đo đếm" trực tiếp, và con số cũng thật bất ngờ, không có hộ nào thu hoạch dưới 90 tạ lúa khô/ha.

Hộ chị Huỳnh Thị Điệp với gần 5 công tầm nhỏ thu 115 tạ/ha. Hộ ông Nguyễn Văn Minh với gần 8 công tầm nhỏ thu 112,1 tạ/ha, trong khi hộ gieo cấy IR 50404 chỉ thu được mức gần 60 tạ/ha.

Rất ấn tượng khi mà tại vùng phù sa ngọt này năng suất lúa lai KC06-3 đều vượt giống lúa luôn được xem là dễ tính và năng suất đầu bảng IR 50404 từ trên 50 - 102%.

Trong 4 giống lúa lai đề tài KC06 chọn tạo, có 2 giống lúa lai chất lượng, thơm là KC06-1 và KC06-2 được SSC kỳ vọng nhất và mô hình trình diễn cũng đã được làm trên diện tích gần 5 ha với sự tham gia của 4 hộ nông dân, giống đối chứng được so sánh là OM 4900.

Cả 4 hộ đều đạt năng suất vượt trội 97,9 - 107,6 tạ/ha, so với OM 4900 là 80,7 tạ/ha.

Về chất lượng KC06-2 có hàm lượng Amyloze tương đương OM 4900, nhưng hơn hẳn về độ thơm. Tương tự như vậy với KC06-1, gần 20 ha trình diễn, 20 hộ tham gia, giống so sánh cũng là OM 4900 và IR 50404, tất cả đều cho mức năng suất từ 80 - 120 tạ/ha, trong khi IR 50404 chỉ trên dưới 60 tạ/ha.

Điểm đặc biệt là lúa lai KC06-1 và KC06-2 là các giống lúa lai chất lượng, gạo thơm, năng suất vượt trội rất có ý nghĩa diện rộng hàng vài chục ha, trên cả vùng đất phèn của khu vực Hòn Đất - Kiên Giang.

Các nhà khoa học như PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, GS.TS Trần Duy Quý và một số cán bộ quản lý của ngành mặc dù thận trọng nhưng cũng thống nhất đánh giá rằng, lúa lai mà đề tài trình diễn trên các vùng đất thực sự gây “bất ngờ” với cả đoàn.

Chúng tôi tách ra và gặp mấy bác “Hai lúa” ở Vũng Liêm - Vĩnh Long để hỏi thêm cho rõ về đánh giá của họ.

Bà Huỳnh Thị Điệp hồ hởi khoe rằng: “Quá đã đi chú ơi, nhà tui hổng ngờ khi thu trước 1 công cái giống này lại ra lắm thóc đến vậy, sung sướng nhất là không mất công xịt thuốc sâu bệnh, không có bệnh cháy lá, thối cổ gié và rầy cũng hổng nốt, cánh đồng đằng kia, chú có nhìn thấy IR 50404 cháy loang mấy ổ không? Tạ ơn mấy cô chú của SSC”.

Ông Lê Văn Chẩn ở Thanh Bình - Đồng Tháp cấy 1,4 ha giống KC06-1, năng suất khô quy đổi về ẩm độ 14% đạt gần 12 tấn/ha, lô ruộng này nhà ông thu hơn 16 tấn lúa.

Ông Chẩn nói rằng trong cuộc đời cấy lúa đã gần tuổi xế chiều và đây là lần đầu tiên ông trúng đậm mùa lúa ĐX như vậy. Cả vụ ông chỉ phải xịt có 3 lần thuốc, thuốc cỏ và ốc bươu vàng sau sạ, xịt ngừa cháy lá lần nữa là xong.

Ông để 1 khoảnh ruộng bên cạnh trong lô 1,4 ha của nhà theo lời cán bộ Cty, không xịt thuốc để đánh giá tính kháng và theo ông giống này kháng tốt với cháy lá, khoang cổ vì ruộng này nhà ông cũng không bị bệnh.

Các nông dân làm mô hình trình diễn chỉ lo ngại, giống mới, thương lái chưa quen, sợ không bán ngay được. Những người có kinh nghiệm, nhìn mã lúa, độ dài hạt và nhấm, ngửi lại có mùi thơm nhẹ họ tin chắc sẽ bán được giá không kém giống Hương lài.

SSC cũng đã thu mua thóc thương phẩm, xay chà và gửi chào hàng tới một số nhà xuất khẩu lúa gạo. Ông Dương Thành Tài cho biết, DN XK gạo đã phản hồi rất tích cực và đánh giá cao chất lượng của KC06-1 và KC06-2.

Tôi đem thắc mắc của mình hỏi Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định đi cùng đoàn: "Vì sao lúa lai tốt, năng suất cao, chống chịu rất khá với sâu bệnh hại và cả phèn mặn nữa như các mô hình đã chứng minh mà vẫn không ra rộng được ở vựa lúa XK này?".

Ông Định nói rằng, lúa lai chưa ra rộng được chứ không phải là “không”. Lúa lai là cả một câu chuyện dài, dài ở cách nghĩ và cách tiếp cận, khoa học bây giờ khác xưa, và có những cái, những thứ chúng ta tưởng là không thể, thì nó lại rất có thể.

Vị Phó Cục trưởng tiếp tục chia sẻ rằng: "Nếu nói phát triển lúa lai ở ĐBSCL giai đoạn vừa rồi thì đa phần khẳng định là khó và không thể, thậm chí là ảo tưởng… Tôi cũng từng nghĩ như vậy, nhưng bây giờ thì khác".

Cái khó của lúa lai trước kia và là nguyên do lúa lai chưa ra rộng được ở ĐBSCL là:

1. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, vật liệu thiếu;

2. Chúng ta không có được những tổ hợp lai có ưu thế tốt, vượt trội cả năng suất chống chịu lẫn chất lượng;

3. SX hạt lai F1, công nghệ cách tổ chức của ta kém, chất lượng và số lượng vật liệu cho SX hạt lai là dòng A,B,R của ta nghèo nàn, do vậy năng suất phần lớn các giống lúa ưu thế lai của chúng ta thấp, khó SX, độ lệch pha cao, vì vậy rủi ro cao và giá thành cao (trừ các giống TH3-3, Việt lai 20, TH3-4), các giống nhập nội có giá bán khá cao, bị động khi cung ứng ra SX;

4. Rào cản lớn nhất là tập quán sử dụng giống “vô cấp” của nông dân vùng ĐBSCL (tỷ lệ sử dụng giống xác nhận mới đạt xung quanh 30%), khối lượng hạt giống sử dụng rất lớn, 140 - 150 kg/ha, thậm chí 200 kg/ha;

5. Vì tư duy như vậy nên chúng ta cũng không chú trọng lắm với việc tổ chức nghiên cứu, chọn tạo lúa lai năng suất, chống chịu và cả chất lượng cho vùng lúa XK này, tất cả dồn vào lúa thuần (Inbred), ngay những mô hình trình diễn của khuyến nông có lẽ cũng rất ít và mờ nhạt, hiểu biết về lúa lai ở khu vực này còn rất lơ mơ cho nên mới có vụ “lúa lạ” ở Long An làm ầm ĩ dư luận đầu năm 2013.

Ông Trần Xuân Định cũng nói rằng, mấy vụ rồi ông được đi thăm và đánh giá những mô hình lúa lai thương phẩm sử dụng hạt F1 của một số DN, đợt này cùng chúng tôi đi xuyên từ Long An, qua Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang và xuống tận vùng đất của chị Sứ, phèn đỏ lòm ở Kiên Giang và ông rất ngạc nhiên, nhiều mô hình cho thu 9 - 10 tấn/ha lúa quy khô đã sử dụng lúa lai gieo sạ, giống chỉ hết có 40 - 45 kg/ha do SSC thực hiện.

Có thể và hoàn toàn có thể lúa lai sẽ tạo ra bước đột phá về SX lúa gạo cho ĐBSCL. Tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo, chắc sẽ phải tính tới giải pháp này.

Những phân tích của ông nghe rất có lý. Thứ nhất, lúa ưu thế lai hơn hẳn lúa thuần về chống chịu với ngoại cảnh do nó thừa hưởng được các ưu thế của dòng bố và mẹ.

 Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng lúa lai chống chịu rất tốt với phèn mặn, thực tế đã có tới 400 - 500 tấn giống lúa lai B-TE1 do Bayer Crop Science đưa vào thành công ở các vùng lúa - tôm khu vực bán đảo Cà Mau hàng năm (số liệu hạt giống qua điều tra và báo cáo từ Bayer. Co).

Vụ ĐX vừa rồi, Cty CP Đại Thành (Bắc Ninh) cũng đã xây dựng mô hình khá thành công với hàng trăm ha giống lúa lai GS9 (một giống lúa lai của Agritex) năng suất 7 - 8 tấn/ha. Điều chung là các mô hình này lượng hạt giống gieo sạ chỉ có 35 - 45 kg/ha. Như vậy nếu lúa lai vào, các Cty sẽ phải tập huấn, hướng dẫn và thậm chí cử cán bộ “ba cùng” với nông dân.

Với vốn thông minh và nhất là lợi ích, lợi nhuận mà nó mang lại, tập quán của nông dân Nam bộ sẽ thay đổi về cả chất và lượng. Nông dân sẽ nhận ra rằng để có năng suất, chất lượng sẽ phải sử dụng giống cấp, giống đắt nên phải sạ ít, để sạ ít mà vẫn đảm bảo số dảnh, chính nó sẽ tạo động lực để các chủ ruộng phải san phẳng hơn khoảnh ruộng của mình.

Công nghệ SX cũng đã tiến bộ rất nhanh, nguồn vật liệu cho SX hạt lai sau gần 20 năm được đầu tư, nghiên cứu và các hợp tác song phương, đa phương hiện có khá nhiều dòng A,B,R rất triển vọng, những cái dở, cái hạn chế của dòng mẹ, dòng bố sẽ được công nghệ sinh học cải thiện và khắc phục.

Sản phẩm của SSC hoàn toàn đáp ứng được sự mong đợi với một giống lúa lai vừa năng suất, vừa chống chịu, vừa chất lượng, lại thơm nhẹ, giá bán chỉ cần gần được như Jasmin nữa là quá tuyệt vời.

Một số kiến nghị:

Ngân sách nhà nước, nhất là chương trình KC06-Bộ KH-CN cần tiếp tục hỗ trợ DN nghiên cứu để hoàn thiện quy trình SX hạt lai với các tổ hợp lai mà SSC xin công nhận SX thử và tiến tới công nhận chính thức, mục tiêu là chủ động SX được bố, mẹ tốt, SX hạt lai năng suất cao hơn để hạ giá thành hạt lai.

SSC nên hợp tác sâu rộng hơn với các viện chuyên ngành, các DN XK lúa gạo để đánh giá khả năng “ăn hàng” với các giống này, tổ chức các chuỗi SX từ giống, chỉ đạo quy trình, thu mua, chế biến và bán sản phẩm.

Bộ NN-PTNT nên chú trọng đầu tư mạnh hơn các mô hình trình diễn giống lúa lai ở ĐBSCL, xây dựng gói kỹ thuật tổng hợp, giảm hạt giống, xử lý hạt giống để hạn chế gây hại của ốc bươu vàng sau sạ, huấn luyện, đào tạo kỹ thuật canh tác cho nông dân…

Chúng tôi tin rằng nhiều cái “không thể” lại sẽ trở thành hoàn toàn “có thể” nếu tiếp cận đúng, quyết tâm và làm bài bản như một loạt mô hình, cách làm mà chúng tôi cùng đoàn đã chứng kiến.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.