| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 01/03/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 01/03/2017

Bắt quả tang một vụ 'bôi trơn', còn khó hơn lên trời!

Chuyện doanh nghiệp và người dân, nhất là doanh nghiệp, phải “lót tay”, tức phải chi tiền cho các cơ quan công quyền, cơ quan chức năng (mà dư luận gọi là “tiền bôi trơn”)...

“Mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo, tốn cả mấy chục ngàn đô la, thậm chí để xin được một giấy phép xuất khẩu gạo, phải mất 20.000 đô la”, lời khẳng định chắc nịch đó của Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn ADC Ngô Văn Nam, tại buổi tọa đàm về định hướng sửa đổi Nghị định 109/2010 của Chính phủ (về kinh doanh xuất khẩu gạo) do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/2, đã lập tức khiến dư luận nổi sóng.

Ngay sau khi nhận được thông tin do báo chí phản ánh, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra, do một thứ trưởng làm trưởng đoàn, để xác minh. Cả xã hội nín thở chờ đợi.

Chuyện doanh nghiệp và người dân, nhất là doanh nghiệp, phải “lót tay”, tức phải chi tiền cho các cơ quan công quyền, cơ quan chức năng (mà dư luận gọi là “tiền bôi trơn”) để được giải quyết công việc, là câu chuyện mà bất cứ ai cũng đều khẳng định là có. Không những vậy, nó còn trở thành một thứ “lệ” còn cao hơn cả luật, tuy không thành văn.

Không “bôi trơn”, công việc không bao giờ được giải quyết. Có doanh nghiệp đã phàn nàn rằng gửi một công văn liên quan đến một vụ làm ăn đến cơ quan chức năng, nhưng không có “bôi trơn”, nên đúng 3 tháng sau mới được hồi âm, mà hồi âm đó chỉ yêu cầu doanh nghiệp sửa đúng... 3 chữ.

Sửa xong, gửi đi tiếp, lại mất thêm 2 tháng nữa mới được giải quyết. Thế nhưng trong 5 tháng đó, thời cơ đã vuột mất rồi. Không chờ đợi được, đối tác đã quay lưng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có lần khẳng định trong một hội nghị lớn rằng để làm ra được 1 đồng, doanh nghiệp phải chi mất 1,2 đồng “bôi trơn”.

Thế nhưng để bắt được quả tang một vụ “bôi trơn”, còn khó hơn lên trời. Bởi “bôi trơn” là một công việc được tiến hành hoàn toàn trong bóng đêm, lại không có bằng chứng, chứng từ ghi lại, chỉ có “tứ tri”, nghĩa là trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Trời đất vốn đã câm nín rồi, chỉ còn ông và tôi.

Nếu tố cáo, thì bằng chứng đâu? Không chừng người tố cáo còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống. Nếu ai đó khi đưa tiền “bôi trơn” mà dùng thiết bị ghi âm hay quay phim lại làm bằng chứng, thì “trạng chết, chúa cũng băng hà”. Người nhận hối lộ và người đưa hối lộ đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự như nhau.

Thế nên lần này, dư luận tin chắc rằng để khẳng định được như vậy trước một hội nghị lớn, vị Tổng giám đốc trên phải có bằng chứng rõ ràng. Kẻ buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ có chạy đằng trời cũng không thoát. Việc đưa những kẻ đó ra ánh sáng, trừng trị chúng theo pháp luật, chắc chắn sẽ dẹp được nạn “bôi trơn” vẫn tồn tại lâu nay, mà chẳng ai làm gì được.

Thế nhưng, xã hội lại một phen thất vọng não nề, làm việc với đoàn thanh tra của Bộ Công thương vào ngày 25/2, ông Ngô Văn Nam thanh minh “Tôi đưa thông tin ra trước hội nghị chỉ để nói có trường hợp như vậy ngoài thị trường, chứ không hề nói là tiền mà ADC đã phải chi”. Nghĩa là ông chỉ nghe nói vậy thôi, còn cụ thể là ai đã phải chi, có bằng chứng hay không, thì ông... không biết.

Đoàn thanh tra đã vồ hụt. Và bất cứ ai, muốn được việc, vẫn phải “bôi trơn”!