| Hotline: 0983.970.780

Bắt thoát nghèo phải thoát nghèo

Thứ Tư 15/12/2010 , 10:31 (GMT+7)

Thang điểm bình bầu căn cứ cái nhà kiên cố, cái xe máy, ti vi… rồi xét thoát nghèo nhưng đâu biết thu nhập của họ lại rất thấp...

Chủ tịch xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), ông Nguyễn Anh Xuân khi thấy tôi đến, tưởng gạ…quảng cáo cứ giật nẩy mình thon thót rồi xua tay lia lịa: “Xã tôi nghèo lắm, không có tiền đâu, các anh cứ đến doanh nghiệp mà làm”.

Sau một thôi một hồi tôi giải thích mục đích mình đến, ông mới cười xí xóa và nhận định: “Cái nghèo cũng do nhiều nguyên nhân như ốm đau, do trí tuệ kém, nhưng tôi thấy phổ biến nhất là do ít vốn. Các chương trình cho vay người nghèo thường chỉ khoảng 5 triệu đồng/hộ. Mua con lợn, con gà là hết lấy đâu tiền để đầu tư sản xuất lâu dài? Hơn thế thời gian vay vốn cũng chỉ cỡ một năm thì ngắn quá... Nói thực với các anh có một số hộ nghèo ở trong xã tôi được cho suất làm nhà nhưng không đủ khả năng, phải trả lại vì trên chỉ hỗ trợ cỡ mười mấy triệu. Muốn làm một căn nhà cấp bốn, tối thiểu họ phải vay gấp đôi, gấp ba số đó. Vay tiền để làm nhà thì đã nghèo lại càng nghèo thôi”.

Bàn về cách bình xét hộ nghèo, ông Chủ tịch xã cũng tỏ rõ sự không đồng tình: “Thang điểm bình bầu căn cứ cái nhà kiên cố, cái xe máy, ti vi… rồi xét thoát nghèo nhưng đâu biết thu nhập của họ lại rất thấp. Ngược lại một số thấy nhà bé liền đưa vào hộ nghèo nhưng thực tình thu nhập còn cao hơn những hộ thoát nghèo nhiều. Biết là bất cập thế nhưng đã là quy định chúng tôi vẫn phải làm”.

Để cho tôi hiểu sâu hơn về sự bất cập, ông Xuân quơ lấy ngay bộ ấm chén uống nước trên bàn đưa lên tay làm ví dụ: “Trong việc xét thoát nghèo, ví như tài sản của một anh A ở thôn này bằng cái chén, tài sản của anh B ở thôn khác cũng bằng thế nhưng do hai thôn bình xét khác nhau nên hộ trong diện nghèo, hộ không. Cũng tài sản bằng cái chén ấy có thể do cục bộ có trưởng thôn, bí thư thôn muốn đưa anh em hộ hàng vào hộ nghèo để hưởng hỗ trợ nên đáng nhẽ chỉ là hộ cận nghèo liền xếp vào nghèo. Do đó, nảy sinh kiến nghị của dân là điều tất yếu vì không thể công bằng 100% được”.

Trong mạch chuyện miên man về cái nghèo cũng như sự bất hợp lý trong mỗi kỳ xét thoát nghèo, trưởng thôn Đông Hạ Nguyễn Văn Chính dẫn tôi đến xóm 17 để thực tế. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi vào là nhà chị Phan Thị Sen. Muốn bước vào tôi phải cúi lom khom vì mái nhà rất thấp. Nhà có hai cái ghế nhựa, chị nhường cho khách hết rồi lẳng lặng ngồi luôn lên cái bao tải thóc dựng sát ở góc nhà mà tỉ tê chuyện gia cảnh. Hai con nhỏ, 2 sào ruộng, không trâu, bò, lợn gà, kinh tế của cả nhà phụ thuộc tất vào người chồng đi phụ vữa một tháng được mươi ngày, mỗi ngày 60.000đ.

Mấy năm trước anh chị làm cái nhà bằng gạch ba banh, kèo cột cũng tận dụng bằng cách đi xin anh em, chú bác, họ hàng những tay đòn cong vênh, đầu thừa đuôi thẹo bé bằng bắp tay về chắp nối. Nhà xong, anh chị thành con nợ với số tiền vay trên 10 triệu đồng bây giờ vẫn còn đeo bám. Mua cái xe máy Tàu cũ trên 3 triệu làm phương tiện kiếm cơm, anh chị lại phải ngửa tay vay tiếp 2 triệu. “Năm 2008, chúng em được xếp vào hộ nghèo, Tết được hỗ trợ vài trăm ngàn đồng nhưng năm 2009 lại bị loại ra chẳng hiểu do đâu".

Cạnh nhà chị Sen là nhà anh Nguyễn Văn Hùng cũng bé tẹo. Ngôi nhà tiền thân vốn là khung…chuồng lợn của ông chú ruột Nguyễn Văn Ngọt cho. Cái bếp thủng chưa được dặm lại còn chuồng bò thì trống trơn chẳng bao giờ có tiếng ậm ò. Tài sản đáng giá nhất của vợ chồng Hùng là con lợn nái da dẻ đỏ au, chứng tỏ gia chủ chăm sóc tốt. Để sinh nhai, hai vợ chồng đành gửi đứa con cho ông bà trông, đi xách vữa tối ngày. Ngay cả mảnh đất vợ chồng Hùng đang ở theo bố mẹ anh cho biết cũng là đất giãn dân của chị gái cho mượn chứ anh chị cũng chẳng vay đâu nổi 40 triệu để mua một suất cắm dùi cho riêng mình.

 Đồng nghiệp xách vữa với Hùng có chồng chị Nguyễn Thị Túc. Chị Túc có hai đứa con. Đứa lớn học hết lớp chín rồi bỏ ngang. Đứa bé mới 8 tháng tuổi nhưng chưa bao giờ biết đến mùi sữa bột mà chỉ được mẹ tống vào bụng toàn bột gạo quấy nên đến giờ mới nặng có 6 kg. Hàng đêm, chị Túc để thằng lớn trông con bé ở nhà rồi lọc cọc đi mót những đống rác cũ ở bãi thải thành phố trên cái xe đạp bà ngoại mới cho. Hễ đứa bé khóc đòi sữa, thằng lớn lại dúi vào miệng em gói bim bim 500 đồng để nó nín, ngủ vùi đi cho đến lúc bình minh mẹ về.

Ở những xã nghèo của huyện Sóc Sơn người nghèo được nhận quà tết, quà 1000 năm Thăng Long, cấp bò giống, lợn giống, cá giống, cám, phân… Nhưng dường như đó chỉ là “ơn mưa móc” không thấm rộng, thấm đều và đặc biệt là không có tạo động lực, chiều hướng thay đổi lớn về sinh kế cho người nông dân.
Anh Nguyễn Văn Chính, Trưởng thôn Đông Hạ, bảo với tôi lý do Ban giảm nghèo của xã loại ra khỏi hộ nghèo của những người như chị Sen, anh Hùng… trong năm 2009 bởi họ lý luận rằng hai vợ chồng khỏe mạnh thế lấy đâu mà nghèo. “Năm nay, 65 hộ của Đông Hạ được thôn đưa vào danh sách nghèo 2010 thì Ban giảm nghèo của xã đưa ra bớt 26 hộ, chỉ còn 39 hộ. Hai hôm sau, Ban lại bảo đem danh sách lên huyện, huyện bảo tỷ lệ nghèo của xã thấp quá. Xã lại cho thôn thêm 30 hộ nữa vào danh sách, thành ra tới 69 hộ. Thực là buồn cười. Rà soát phải thực tế chứ đừng giao chỉ tiêu. Nhiều lần tôi bảo với xã rằng thôn đi điều tra thực tế chứ không phải tự dưng nghĩ ra danh sách này. Vậy mà cứ bảo bớt đi, thêm vào, dân có khiếu kiện, các anh đừng có trách…".

Ông trưởng thôn nói tiếp: "Người dân họ phàn nàn những hộ thế này cho thoát nghèo chỉ để lấy thành tích, chỉ tiêu, thành phố giao cho huyện, huyện giao cho xã, xã giao cho thôn mà thôi. Họ còn kêu rằng, con bò dự án hỗ trợ nghèo tiếng là quyết toán 8 triệu nhưng thực tế đẹp cũng chỉ cỡ trên 5 triệu. Một số hộ nhận bò rồi còn đem trả lại vì nó nó bé quá. Khoản hỗ trợ lợn giống hiện người dân thôn cũng chưa có dù lợn đã xuất chuồng từ lâu”.

Ông Đoàn Khánh Hiền, cán bộ Ban trợ giúp người nghèo xã Nam Sơn, như bắt đúng mạch bức xúc trào tuôn cũng khảng khái: “Chuyện thoát nghèo, huyện bắt giảm, xã phải giảm chứ thực chất chỉ một số người thoát nghèo. Như năm 2009 toàn xã thoát 76 hộ nhưng theo tôi chỉ có cỡ 26 hộ là có khả năng thoát được thực sự còn lại là thoát ép. Đến như tôi, bảy năm làm cán bộ Ban trợ giúp người nghèo, mỗi tháng tôi chỉ nhận được 200.000đ trong khi mỗi lần xét thoát nghèo thậm chí phải đỡ cho cả các ông trưởng thôn trước điều tiếng, xì xào của dân. Đã ba lần tôi viết đơn xin nghỉ việc rồi năm nay mà không chuyển được sang công tác khác là tôi xin nghỉ hẳn”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất