| Hotline: 0983.970.780

Bất thường trong mối quan hệ nhà chồng

Thứ Năm 28/03/2013 , 10:05 (GMT+7)

Khi tôi gặp anh thì anh đã làm lành với mẹ nhưng rất ít nhắc nhở và lui tới. Khi chúng tôi có con thì tôi và các cháu tự về nhiều hơn là đi cùng anh.

Chị Dạ Hương kính mến!

Thực ra đây không phải là câu chuyện gì ghê gớm nhưng nếu tôi để trong lòng thì nó lại quá nặng nề. Thôi thì cứ tìm đến nhà tư vấn xem sao.

Mẹ chồng tôi có cả thảy 3 người con, chồng tôi là trai cả. Chúng tôi quen nhau đến 5 năm rồi mới thành hôn, thời ấy tôi thấy ai cũng kỹ càng, thận trọng như vậy. Quả đúng như tôi hình dung, anh ấy là người chồng tuyệt vời, một sĩ quan, nhiều tài lẻ, làm gì cũng chắc chắn, giỏi giang. Anh ấy phục viên sớm, chúng tôi cùng xoay sở làm ăn và nuôi con, giờ kinh tế gia đình không có gì phải lo lắng.

Một điều lạ là anh luôn để mẹ ở riêng. Hồi bà còn trẻ, nhà cửa dưới quê rộng rãi, chính bà cũng viện dẫn điền viên để bám lại. Chúng tôi và vợ chồng 2 em gái của anh đều ở HN, thỉnh thoảng về với bà ngày giỗ ngày tết. Nhưng rồi bà cũng già và đau ốm. Khi tôi bàn chuyện đưa bà lên ở cùng thì chồng tôi và cả mấy cô em đều khư khư mua một chỗ gần chúng tôi và thuê người chăm sóc. Phải có điều gì đó bất thường mới khiến một người đàn ông như chồng tôi do dự và có quyết định làm cho tôi bứt rứt như vậy.

Tôi tra mãi nhưng anh ấy không bao giờ nói. Chỉ  biết là tình mẹ con của mẹ chồng tôi và anh ấy rất nhạt. Rồi cô em gái kề anh cũng tiết lộ những chi tiết động trời. Bố anh là con nhà giàu ở SG, bỗng dưng về quê gốc ở TB rồi thoát ly, đi kháng chiến. Hồi mẹ anh góa anh mới có 8 tuổi (em gái út của anh mới 2 tuổi). Vì bố anh là con trai cả nên bà nội càng thương anh khi anh mồ côi, đang làm ăn ở trong Nam bà đã bỏ việc cho chú của anh để ra Bắc chăm anh. Nhưng làn sóng di cư đã buộc bà phải giao anh lại cho mẹ, để về với con trai và các cháu nội trong đó.

Tuổi thơ của anh mất hẳn chỗ dựa vì mẹ anh mù chữ, giỏi đồng ruộng nhưng mọi thứ khác không thể sánh với bà nội. Nhất là mẹ anh không có tình mẫu tử bình thường. Quen được bà chu cấp đầy đủ, khi không còn bà, anh đã mấy lần trộm tiền của mẹ để bao bè bạn ăn quà. Mẹ đưa anh đi báo công an nhưng thời đó chưa có trại giáo dưỡng. Họ chỉ trách bà không biết giáo dục con. Lần khác bà mách hiệu trưởng và ông ta đuổi học anh.

Anh ra đường, cũng từ đó anh không muốn gặp mẹ  nữa. Khi ấy anh mới 13. Đi làm thuê thì người ta không nhận vì còn ít tuổi, công an sẽ xét hộ khẩu và phê bình người thuê. Anh đi miền núi, anh đi theo bè trên sông để người ta không xét hỏi, mấy lần tưởng chết vì lật bè. Có người thương cưu mang thì trường đâu cũng không nhận vì anh đã quá tuổi. Đói, bệnh tật, có lúc dân chợ đã đắp chiếu lên người nhưng anh hồi tỉnh, người ta cho ăn thì sống tiếp. Nhiều lần đã tính đi xin ăn nhưng chưa làm thì đã có người tốt lén nuôi, cho ăn, cho làm. Rồi anh đăng lính và nên người.

Khi tôi gặp anh thì anh đã làm lành với mẹ nhưng rất ít nhắc nhở và lui tới. Khi chúng tôi có con thì tôi và các cháu tự về nhiều hơn là đi cùng anh. May là mẹ anh không có bệnh mãn tính, chỉ lão suy. Một tháng cuối cùng bà nằm viện, chính anh vào chăm bà thay cho người giúp việc trực vào ban đêm. Anh không để cho các em gái và tôi động tay vào. Anh chỉ khóc một lần duy nhất khi khâm liệm mẹ. Đúng, đám tang bà ít nước mắt lắm vì con gái con rể và con dâu đều đến khổ bởi tính khí của bà.

Sau này từ tâm sự của cô em, tôi mới được nghe chính anh thú nhận, anh khóc vì một câu anh định hỏi bà rất nhiều lần mà chưa khi nào mở miệng được, đó là câu “Vì sao mẹ thương các con theo kiểu đó?”. Anh hận bà đã giao anh cho công an khi anh mới 12 tuổi và sau đó, không hề tìm kiếm xem anh đã đi đâu, chết hay sống.

Nhưng phải công nhận rằng bà có thương cháu. Vì vậy mà các cháu thấy bà bình thường. Qua lá thư, tôi cũng muốn hỏi chị một câu, trên đời có nhiều người mẹ như vậy không và anh ấy có là người cố chấp với mẹ mình không? Giờ chúng tôi thờ cả bố lẫn mẹ, anh không phân biệt giỗ ai to giỗ ai nhỏ nhưng năm nào cũng vào với chú ở SG để giỗ bà nội. Anh bảo trong tim anh, đó mới chính là mẹ của anh.

Chị giữ kín email hộ tôi

Chị thân mến!

Lá thư dài cho thấy cả một phận người và cả bóng dáng lịch sử trong đó. Một người bố của một gia đình có tiền có của, một sớm lên đường vào chiến khu và không trở về nữa. Một người bà thương cháu, khăn gói ra Bắc để ôm lấy nó nhưng chiến tranh đã chia cắt hai người mấy chục năm trời. Một người mẹ thất học, góa sớm, một nách ba con trên vùng đất bắt đầu bị cuốn theo đủ thứ huy động, phong trào, đói và kém. Trong câu chuyện có hậu này nếu nói may mắn cho mọi người chỗ nào thì là chồng chị không chết trôi chết nổi thời niên thiếu, bà mẹ cũng không khổ hơn những người vợ liệt sĩ khác và cuối cùng, mẹ con vẫn bên nhau như thường.

Hẳn phải có những bà mẹ như mẹ chồng của chị. Có người còn bán con, còn đẩy con vào đường gái gú thì sao? Có người còn quẳng con xuống sông, có người còn đốt con, thì sao? Mẹ nào chẳng thương con nhưng một cơn giận có thể làm cho một người mẹ bộc lộ hết tính khí và bản chất của mình. Di truyền ư, có thể, tàn độc ư, do nhiều thứ, trong đó chắc phải có sự thất học cộng với quẫn bách tâm trạng nữa.

Và một đứa con dễ ra đường nhất là lúc nó vị thành niên. Cộng với việc đuổi học của nhà trường nữa thì hết cứu. Giao nó cho công an khi nó mới lấy tiền nhà mà không xin phép, đó là sự cay nghiệt không lý giải nổi. Đuổi học một đứa trẻ vì nó chỉ lấy tiền của mẹ nó, cũng không thể tha thứ được, cái ông hiệu trưởng ấy. Sao có cái thời người ta thích giao nộp và cải tạo vậy không biết.

Chị ơi, bà mẹ đã trả cái giá của mình vì đứa con trai một không thể thương mình một cách bình thường. Tôi nghĩ, anh ấy cũng là  người “ghê gớm” theo cách của mẹ mình. Nhưng sâu xa, anh có cốt cách của nhà nội và  sự phù hộ của người bố liệt sĩ nên cuối cùng anh đã đặt chân lên đúng con đường và anh đã thành người có giá trị bởi tuổi thơ quá cay cực. Trong rủi có may là vậy đó. Mong chị hương khói bố mẹ trọn vẹn, và trên hết, lấy bài học ấy mà rèn con và chăm cháu để chúng được sống trong êm ấm, bình thường.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất