| Hotline: 0983.970.780

Xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

Bầu Kiên dẫn Luật, chối tội

Thứ Năm 22/05/2014 , 09:01 (GMT+7)

Ngày 21/5, sau khi kết thúc thẩm vấn về vụ lừa đảo 264 tỉ đồng qua việc bán cổ phần đang thế chấp, TAND TP. Hà Nội tập trung xét hỏi việc kinh doanh trái phép của Bầu Kiên.

Tình bạn mong manh

Sáng ngày 21/5, Tòa tiếp tục thẩm vấn bị cáo, bị hại và các nhân chứng liên quan đến tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Bầu Kiên. Tại phiên xét xử, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát cho biết, bản thân ông và Bầu Kiên đã có mối quan hệ từ rất lâu, và vì cả hai người đều có cùng chung một niềm đam mê bóng đá nên vẫn thường xuyên gặp nhau.

Nhưng, ông Long khẳng định rằng, khi đàm phán để chuyển nhượng 20 triệu cổ phần thép Hòa Phát, Kiên không hề nói cho ông biết số cổ phần nói trên đã được thế chấp tại Ngân hàng ACB. Bị cáo Kiên cũng khẳng định hai bên là bạn bè rất thân thiết và thường xuyên ăn cơm với nhau trong hàng chục năm qua.

Thậm chí vào thời điểm diễn ra giao dịch chuyển tiền bị cáo Kiên cùng với ông Long đang đi xem bóng đá ở Nga và Ucraina suốt một tháng liền.

Tuy nhiên, bị cáo Kiên lại cho rằng việc Cty ABCI thế chấp 20 triệu cổ phần của thép Hòa Phát tại Ngân hàng ACB là việc đương nhiên ông Long và ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc Cty Thép Hòa Phát phải biết và Kiên không cần phải nói lại với ông Long, vì chính nhờ có văn bản chứng nhận cổ phần của Cty Thép Hòa Phát mà Cty ABCI mới có thể thực hiện việc thế chấp cho Ngân hàng ACB.

Bầu Kiên khai thêm, số cổ phần trên thực chất Kiên không muốn bán nhưng vì ông Long muốn tái cơ cấu lại công ty nên mới có giao dịch chuyển nhượng hoán đổi cổ phần giữa hai bên chứ không phải là một hợp đồng mua bán đơn thuần.

Để xác định Bầu Kiên có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không, điểm mấu chốt là phải làm rõ khi mua lại 20 triệu cổ phần, phía Công ty Thép Hòa Phát có biết số cổ phần nói trên đã được thế chấp hay chưa và văn bản do Cty Thép Hòa Phát chứng thực 20 triệu cổ phần cho Công ty ACBI có phải nhằm mục đích đem thế chấp ngân hàng như Bầu Kiên đã khai tại tòa hay không?

Dẫn luật, chối tội

Buổi chiều, tòa tiếp tục xét đến tội danh kinh doanh trái phép của Bầu Kiên.

Ở nội dung này, HĐXX phải dành rất nhiều thời gian để làm rõ các khái niệm và giải đáp các khía cạnh của pháp luật như: Hoạt động góp vốn của DN không có chức năng kinh doanh tài chính vào DN khác để kinh doanh tài chính có cần phải đăng kí kinh doanh hay không? Hay thế nào là kinh doanh vàng, kinh doanh giá vàng trạng thái?. Bị cáo Kiên cho rằng việc cơ quan điều tra kết luận bị cáo kinh doanh trái phép là không có cơ sở.

“Việc đầu tư cổ phần là hoạt động góp vốn vào DN khác chứ không phải kinh doanh tài chính. Theo điều 13 của Luật Doanh nghiệp thì việc Công ty B&B góp vốn là hợp pháp. Luật không yêu cầu DN góp vốn thì phải đăng kí kinh doanh. Ở Việt Nam có hàng trăm ngàn DN đầu tư gián tiếp dưới hình thức tương tự”, bị cáo giải thích.

Để làm rõ vấn đề, HĐXX đã hỏi đại diện Sở KHĐT TPHN và đại diện Sở KHĐT TP HCM, cả hai cán bộ này đều khẳng định: Luật quy định DN có quyền hoạt động kinh doanh mọi ngành nghề mà luật pháp không cấm. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đăng kí kinh doanh và đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bầu Kiên đề xuất
giải pháp:

Thưa quý tòa, theo tôi các cơ quan mà tòa mời đến sẽ không thể giải đáp vấn đề này. Tôi đề nghị tòa mời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và đại diện phòng Thương mại Công nghiệp VCCI, bởi nội dung này không chỉ liên quan đến riêng một mình Nguyễn Đức Kiên mà còn liên quan đến hàng trăm ngàn DN trên cả nước.

Việc các DN đầu tư cổ phần, cổ phiếu cũng là một quyền được Luật Doanh nghiệp cho phép. Tuy nhiên, khi hỏi vào trường hợp đầu tư cụ thể của các DN do bị cáo Kiên điều hành kinh doanh có hợp pháp hay không cả hai đại diện Sở KHĐT đều không trả lời được và cho rằng phải hỏi ý kiến cấp Bộ.

Tiếp theo, hai đại diện Bộ KH&ĐT cũng không thể trả lời chính xác việc đầu tư của Kiên là đúng hay sai và cho rằng nội dung này phải hỏi ý kiến của Bộ Tài chính.

Tới nội dung đầu tư kinh doanh vàng trái phép của Cty Thiên Nam do bị cáo Kiên làm Chủ tịch HĐQT, tại tòa, bị cáo đọc lại nghị định 174 năm 1999 của Chính phủ làm rõ khái niệm kinh doanh vàng và khẳng định khái niệm kinh doanh vàng trong nghị định của Chính phủ hoàn toàn khác với hoạt động kinh doanh giá vàng trạng thái nên không thể nói bị cáo kinh doanh vàng.

Hơn nữa, Kiên khẳng định hai hợp đồng kinh doanh giá vàng trạng thái với Ngân hàng ACB là hoạt động kinh doanh sản phẩm phái sinh, việc kinh doanh này xảy ra trước năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước chưa quy định kinh doanh vàng trạng thái thì phải xin phép nên vào thời điểm đó hoạt động trên là hợp pháp.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên TGĐ Ngân hàng ACB) cũng khẳng định việc kinh doanh giá vàng là kinh doanh một sản phẩm phái sinh. Việc kinh doanh giá vàng không thực hiện chuyển vàng vật chất, không phải là kinh doanh vàng.

Cũng theo bị cáo Hải thông tư 03 chỉ điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng trạng thái ở nước ngoài và chủ thể bị điều chỉnh trong trường hợp này là Ngân hàng ACB. Khi Ngân hàng ACB chuyển nhượng sản phẩm phái sinh này cho các công ty trong nước thì tức là hoạt động kinh doanh diễn ra trong nước không thuộc điều chỉnh của thông tư 03.

Hỏi: Nhưng trong hợp đồng, Công ty Thiên Nam sẽ phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ của Ngân hàng ACB?

Bị cáo Hải: Nghĩa vụ ở đây là được hiểu là nghĩa vụ tài chính.

Hỏi: Vậy bị cáo cho rằng khi kinh doanh vàng trạng thái thì không cần phải đăng kí kinh doanh?

Bị cáo Hải: Câu hỏi này thuộc về các cơ quan chức năng. Nếu cơ quan chức năng nói là phải đăng kí kinh doanh thì phải đăng kí kinh doanh.

Tòa yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời việc kinh doanh giá vàng trạng thái thông qua một đơn vị khác có cần phải đăng kí kinh doanh hay không nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước vắng mặt.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất