| Hotline: 0983.970.780

Báu vật của nông dân

Thứ Tư 18/02/2015 , 06:14 (GMT+7)

Sự thay đổi của những xóm ấp có đến 90% đồng bào dân tộc Khmer bắt nguồn từ báu vật: cây dừa sáp.

Cây dừa số 1

Vườn ông Thạch Chanh, 59 tuổi, ở ấp Chong Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) có cây dừa không to cao, mới trồng năm 2006 nhưng giá trị mang lại cho gia chủ mỗi năm lên đến 6 triệu đồng.

 Ông Thạch Chanh cho biết, dừa mỗi năm có 12 buồng, mỗi buồng bình quân có 10 trái mà 100% đều có sáp, trái đặc bán được 100.000 đ, trái lỏng bán 40.000 đ, đổ đồng 60.000 đ/trái, như vậy chỉ mỗi cây dừa này, ông Thạch Chanh đã có 6 triệu/năm. Đấy là do giá năm nay xuống thấp, còn như giá từ năm 2013 về trước, bình quân 100.000 đ/trái thì giá trị cây dừa mang lại không chỉ 6 triệu mà là 10 triệu đồng.

Ông Thạch Phu Mi, chủ nhiệm HTX dừa sáp Hòa Tân xác nhận, ở Hòa Tân hiện chưa có cây nào mà có tới 100% sáp như cây dừa của nhà Thạch Chanh, nhất xã cũng có nghĩa là nhất huyện Cầu Kè vì dừa sáp chỉ tập trung ở Hòa Tân, nhất huyện cũng có nghĩa là nhất tỉnh, nhất nước.

Cây dừa đặc biệt trên nằm trong số 30 cây dừa thuộc dự án “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2009 – 2011” do Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu hỗ trợ cộng với 10 cây dừa sáp có từ trước, đã tạo nên nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Vợ Thạch Chanh cho biết, tiền thu được từ vườn dừa đủ cung cấp cho 4 đứa con gái học ở TP.HCM, ngoài ra bà còn bỏ heo bằng cách cứ bán 1 trái dừa thì trích ra 10.000 đ để đóng tiền bảo hiểm. Số tiền trích đó đủ đóng cho 4 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho Bảo Việt với mức 40 triệu/năm.

17-03-47_dsc06476
Từ trái qua phải: Ông Thạch Chanh, ông Thạch Phu Mi, chủ nhiệm HTX Dừa sáp Hòa Tân, ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch huyện Cầu Kè chụp ảnh dưới cây dừa sáp có năng suất cao nhất Viêt Nam hiện nay

Báu vật quốc tế

Dừa sáp Cầu Kè Trà Vinh là một trong một trăm báu vật đã được ghi trong kỷ lục guinness Việt Nam.

Chuyện kể vào năm 1924, sư cả trụ trì chùa ở ngay thị trấn Cầu Kè đã lấy giống từ Campuchia trồng trong khuôn viên chùa. Năm 2007, cây dừa tổ này nghiêng tựa vào mái nhà chùa buộc phải cưa bỏ sau khi kịp để lại hơn 7.000 cây hậu duệ cho vùng đất này mà tập trung ở 2 ấp Chông Nô 1 và Chông Nô 2 thuộc xã Hòa Tân.

Nhìn hình thái bên ngoài khó mà phân biệt được cây vào là dừa thường, cây nào là dừa sáp. Cũng có người nói lá dừa sáp thì hình như mềm hơn nên tán lá của chúng có xu hướng rũ xuống.

Tuy nhiên với những người có nhiều kinh nghiệm trồng dừa sáp như Thạch Chanh, Thạch Sol đều phải dùng đến biện pháp thủ công và hiệu quả nhất là gõ và lắc, trái dừa sáp khi gõ thì âm thanh đục, không vang, còn khi lắc đương nhiên là không có nước óc ách.

Ngay cả Thạch Phu Mi, chủ nhiệm HTX dừa sáp Hòa Tân, người không những có nhiều dừa sáp, có nhiều thành tích trong việc mở rộng diện tích dừa sáp cho bà con xã Hòa Tân nhưng khi tìm một trái cho tôi ăn thử cũng phải lắc trong khoảng 20 trái mới tìm được trái ưng ý. 

17-03-47_dsc06406
Cùi dừa biến thành sáp

Bổ đôi quả dừa, vợ Phu Mi múc sáp ra ly, thêm vào một ít sữa và đường, rắc thêm mấy hạt đậu phụng rang thì đã có ngay một ly kem dừa sáp thơm lừng béo ngậy. Xúc một muỗng, ngậm miệng lại không cần nhai, sáp từ từ tan ra, chất béo của axít béo không no, chất ngọt của loại đường hiếm lan tỏa vào họng, vào xoang, lên mũi.

Và chỉ đến lúc ấy thì mới hiểu được vì sao một trái dừa sáp có giá bằng một chục dừa thường.

Dừa sáp không phải là đặc hữu của Việt Nam mà có đến 8 nước khác có dừa ở xung quanh ta như Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Papua New Ghine, Sri Lanka cũng có. Hiện có 2 nước phát triển và sử dụng dừa sáp thành công nhất là Philippines và Thái Lan.

Ngoài nhu cầu làm kem, từ năm 2002, Philippines đã tách chiết được Galactomanan, một loại đường rất giàu trong sáp dừa sử dụng trong công nghệ dược phẩm và mỹ phẩm, đến năm 2011, tổng giá trị dừa sáp của Philippines đưa vào sản xuất công nghiệp lên tới 35.448.707 USD.

Thái Lan thành công trong việc lai tạo nên giống mới, lai giữa dừa sáp với dừa dứa phục vụ khách du lịch.

Đề tài khoa học cấp huyện

Ở Việt Nam, giá trị của dừa sáp mới được biết đến vào năm 1984, khi Viện Nghiên cứu Dầu Thực vật và hương liệu mỹ phẩm (gọi tắt và Viện Dầu) tiến hành sưu tập bảo tồn giống dừa. Liên tiếp các năm sau đấy, Viện Dầu tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu, tuyển chọn được các cây đầu dòng, xây dựng được quy trình nhân giống để người nông dân tự làm được.

Góp phần làm nên đặc sản dừa sáp Cầu Kè, ngoài công lao của các nhà khoa học thuộc Viện Dầu, còn phải kể dến tầm nhìn của Phó Chủ tịch UBND huyện, KS Ngô Thanh Xuân. Khi còn là Phó phòng NN - PTNT, qua tham khảo tài liệu và thực tế, ông Xuân đã nhìn nhận Cầu Kè có thể phát triển được vùng dừa sáp chuyên canh mà vùng khác không dễ có được.

17-03-47_dsc06396
ThS Ngô Kiều Dương, CB nghiên cứu của Viện Dầu đang kiểm tra cây dừa cấy phôi trong phòng thí nghiệm

Ông đã đề xuất Phòng NN- PTNT huyện chủ trì đề tài nghiên cứu “Xây dựng và nhân rộng mô hình chuyên canh dừa sáp tại huyện Cầu Kè” với nguồn kinh phí chỉ 367.330.000 đ tiến hành trong 3 năm từ năm 2006-2008.

Kết quả ông đã bình tuyển được các cây mẹ, xây dựng được vườn ươm giống và trồng được 8.000 cây dừa sáp (50 ha) cho 95 hộ nông dân, xây dựng được HTX dừa sáp Hòa Tân chuyên cung ứng giống và mua bán dừa sáp, chuyển giao kỹ thuật, quảng bá sản phẩm.

Đến hiện tại đã có 1.500 cây dừa sáp được sản xuất theo phương pháp cấy phôi trong ống nghiệm. Năng lực 200 cây/tháng của phòng thí nghiệm Viện Dầu không đủ cung ứng cho nhu cầu mặc dù giá cây giống lên đến 700.000 đ/cây.
Các cây cấy phôi đầu tiên đã được đưa về lại quê hương Cầu Kè (Trà Vinh), Bến Tre, Tây Ninh và đã cho những vụ trái đầu tiên. Thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Dầu đã giúp cho báu vật dừa sáp Cầu Kè cất cánh.

Vườn dừa sáp chuyên canh do đề tài xây dựng đều có tỉ lệ sáp cao hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách làm theo thói quen của bà con nông dân. Trước khi có đề tài, toàn huyện chỉ có 8.032 cây dừa sáp tập trung chủ yếu ở xã Hòa Tân đến nay đã có trên 30.000 cây mở rộng thêm ra các huyện thị khác xung quanh.

Cất cánh

Tại sao dừa sáp lại hiếm? Từ trước tới nay, bình thường mỗi buồng dừa (giống dừa sáp) chỉ có 1-2 trái có sáp, chiếm tỷ lệ 20-25%, còn lại đều là trái không sáp như dừa bình thường.

Hiện tượng trên được Torres, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về dừa Philippines giải thích đặc tính sáp do một cặp gen đơn lặn quy định, mà cây dừa thì buộc phải thụ phấn chéo, phấn cây này thụ cho cây kia nên đúng theo định luật di truyền của Menden, tỷ lệ trái có sáp chỉ thấp như trên.

 Điều đấy cũng giải thích rằng, với những trái có sáp thì không thể dùng làm giống vì phôi của chúng không thể nảy mầm trong điều kiện bình thường, và vì vậy người dân phải sử dụng các trái không sáp trên cây dừa sáp làm giống nên tỷ lệ có sáp vẫn chỉ ở mức 20-25%

Việc tạo nên quần thể dừa sáp chuyên canh, không lẫn tạp với dừa thường là điều kiện cần thiết để nâng cao tiềm năng tỷ lệ cây giống có sáp cũng như tỷ lệ trái sáp/buồng.

Các nhà khoa học của Philippines đã thành công trong việc nhân giống dừa sáp bằng biện pháp cấy phôi của trái dừa có sáp.

Theo hướng này, từ năm 2000, Viện Dầu đã tiến hành các nghiên cứu và đã có những thành công nhất định, cái phôi nhỏ xíu chỉ có kích thước 2x3mm được tách ra sống trong môi trường đặc biệt trong ống nghiệm 5 tháng qua 3 giai đoạn: giai đoạn ủ phôi, giai đoạn nảy mầm và giai đoạn cây trưởng thành.

17-03-47_dsc06409
Phôi dừa được tách ra nuôi trong môi trường ống nghiệm

Sau đó cây được trồng ngoài vườn ươm thêm 1 năm nữa mới có 5-6 lá xanh để trồng ngoài đồng ruộng. Năm 2001, đã có 17% số phôi được cấy ươm thành cây trưởng thành, năm 2009 tỷ lệ trên đã được nâng lên 37% và đến năm 2014 đã đạt tỷ lệ 50%, ngang bằng với tỷ lệ của Philippines và những nước khác.

Điều đặc biệt thành công của cây giống cấy phôi này còn ở chỗ tạo nên năng suất vượt trội, trong khi sản xuất theo phương pháp truyền thống thì chỉ có 75-80% cây có sáp còn cây cấy phôi đảm bảo tỷ lệ 100%; truyền thống chỉ có 20-25% trái có sáp/buồng còn cây cấy phôi lên đến 80%, gấp 4 lần so với truyền thống.

Xem thêm
Người dân phát hiện, giao nộp 3 cá thể khỉ đuôi lợn

Ngay khi phát hiện 3 cá thể khỉ đuôi lợn, người dân đã giao nộp về cho Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) để chăm sóc và bảo tồn gen quý hiếm.

Khí thế trồng rừng đầu năm ở ‘thủ đô gió ngàn’

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.400ha rừng tập trung và 1,19 triệu cây xanh phân tán, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46%.

Du khách người Pháp chụp được hình mang Trường Sơn trên đỉnh Bạch Mã

THỪA THIÊN - HUẾ Những du khách người nước ngoài trong khi tham quan Vườn quốc gia Bạch Mã đã tình cờ gặp 2 cá thể mang Trường Sơn quý hiếm và đã ghi hình lại.