| Hotline: 0983.970.780

BC15 - Vì sao Thái Bình lại được mùa?

Thứ Hai 20/05/2013 , 09:15 (GMT+7)

Vậy tại sao trồng BC15 ở Thái Bình, nông dân vẫn trúng mùa? Tôi xin được chia sẻ dưới góc nhìn một cán bộ kỹ thuật và chỉ đạo như sau:

Báo NNVN thông tin về hàng ngàn ha lúa BC15 ở Nghệ An, Thanh Hóa và một số địa phương khác bị tình trạng mất mùa, lép lửng đến 60 - 70% do trổ bông vào cuối tháng tư; chính xác thì trà lúa này trổ vào xung quanh 24 - 25/4. Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân, triển khai vụ hè và hè thu tại huyện Kiến Thụy - Hải Phòng do Bộ NN-PTNT, UBND TP Hải Phòng đồng tổ chức, vấn đề trên cũng được đưa ra thảo luận.

>> Lúa BC15 bị lép hạt, vì sao?
>> Báo cáo của Cục Trồng trọt về giống lúa BC15

Sau cuộc họp, một đoàn cán bộ kỹ thuật và quản lý của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Vụ Khoa học Công nghệ, phòng Cây lương thực - Cục Trồng trọt và tôi có chuyến “xuyên đồng” để đánh giá một số giống của Viện đang trình diễn tại Tiên Lãng - Hải Phòng và Thái Thụy - Thái Bình. Chúng tôi đi qua những cánh đồng có tới vài chục phần trăm diện tích gieo cấy bằng giống lúa BC15 ở Thái Bình như các xã Hồng Quỳnh, Thụy Quỳnh, Thụy Dũng, Thụy Hồng, Thụy Bình…, nhiều người phải thừa nhận rằng: Cứ xem mã lúa này thì BC15 không kém gì lúa ưu thế lai, dàn lúa phẳng, bông to, trĩu hạt và bộ lá công năng xanh mướt, khỏe khoắn. Tôi chỉ một ruộng BC15 bông to trĩu hạt đã quay xuống, hỏi một số cán bộ xã của Thụy Hồng - Thái Thụy đi cùng, anh ta không do dự trả lời: Mức lúa này của chúng em phải 280 - 300 kg/sào (360 m2), tương đương 78 tạ/ha. Xã An Mỹ - Quỳnh Phụ gieo cấy trên 90% lúa BC15 vụ này cũng ước đạt trên 75 tạ/ha.

Toàn tỉnh Thái Bình, BC15 gieo cấy gần 21 ngàn ha (theo số liệu công bố của Cục Thống kê), chiếm gần 26%.


Giống lúa BC15

Vậy tại sao trồng BC15 ở Thái Bình, nông dân vẫn trúng mùa? Tôi xin được chia sẻ dưới góc nhìn một cán bộ kỹ thuật và chỉ đạo như sau:

BC15 là một giống với hai tính đặc biệt: Đặc biệt khó tính và đặc biệt cho năng suất cao trong các giống lúa thuần nếu thỏa mãn được yêu cầu. Từ vụ xuân 2009, khi BC15 được đưa ra diện rộng ở nhiều tỉnh, khi đó còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nhiều tỉnh dứt khoát không đưa nó vào cơ cấu ở vụ xuân vì nó quá nhiễm và nhạy cảm với bệnh đạo ôn - một trong các loại bệnh nguy hiểm trên lúa ở vụ này, vả lại nó cũng rất mẫn cảm với thời tiết. Anh Vũ Hữu Sự, PV Báo NNVN có viết bài “BC15 kẻ yêu, người ghét” sau khi đi thực tế mấy địa phương gieo cấy nhiều BC15. Rồi sau đó có bài “Vì sao BC15 kẻ yêu, người ghét” của tôi trên Báo NNVN, là người hiểu tường tận được quá trình chọn tạo BC15 và khi đưa nó ra diện hẹp, rồi giống được bán bản quyền cho Cty CP Giống cây trồng Thái Bình (TSC); bài đó tôi đã viết khá đầy đủ những đặc tính của BC15 và cảnh báo khi gieo cấy giống này cần chú ý những gì.

Cái yêu của BC15, cái ghét của BC15, cũng được Báo NNVN và các diễn đàn khác nói nhiều. Xin nêu ra ở đây một số kinh nghiệm chỉ đạo của Thái Bình:

- BC15 tham gia cơ cấu vụ xuân với tỷ lệ vừa phải, không vượt quá 25 - 30%, vụ mùa thì BC15 là chủ lực, có năm tỷ lệ này chiếm trên 40% diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh (nguồn Cục Thống kê Thái Bình). Thời vụ với BC15 luôn là vấn đề được nhắc nhở đầu tiên, ở vùng ĐBSH các nghiên cứu và tổng kết nhiều vụ, nhiều năm đã cho thấy thời điểm lúa trổ an toàn nhất là nửa đầu tháng 5 dương lịch; trổ cho năng suất cao là 5 - 15/5 dương lịch. Vì vậy cơ cấu và thời vụ luôn được Thái Bình chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt, trong đề án của tỉnh luôn có phần chữ in đậm những lưu ý cho BC15. Nhiều năm nay, thời vụ ở Thái Bình với trà xuân muộn được bố trí vào 25/1 đến 10/2; nhưng những giống có thời gian sinh trưởng 130 - 135 ngày vụ xuân thì lịch gieo cấy là quay quanh trục 5/2 (tiết lập xuân). BC15 được chỉ đạo thống nhất gieo đầu lịch trà này (25/1 - 5/2), phương thức chủ yếu mạ nền cứng có che phủ ni lông. Vụ này, nhiều tỉnh trong khu vực lúa trổ vào cuối tháng 4, các giống ít mẫn cảm trổ dịp này cũng bị mất vài chục hạt trên bông do thoái hóa đầu bông, đầu gié, giống mẫn cảm như BC15 khi phân hóa đòng bước 5 - 6 hạt phấn gần như bị triệt hạ khi trổ ra chẳng nhìn thấy mấy hạt phấn được tung, lép và đứng chào cờ 60 - 70% cũng không lạ.

Lúa ở Thái Bình trổ bông phần lớn vào đầu tháng 5, phân hóa bước 5 - 6 vào 15 - 20/4, lệch hẳn thời điểm có 5 ngày nhiệt độ thấp dưới 20oC. Số lượng, chất lượng hạt phấn ngon lành và tuyệt nhiên mỗi bông cũng tăng được 10 - 15 hạt, một yếu tố chủ yếu trong các yếu tố cấu thành năng suất, BC15 vẫn cứ lừng lẫy như thường.

Ở vụ mùa BC15 có tỷ lệ gieo cấy khá cao, chúng tôi cũng lưu ý và chỉ đạo chặt chẽ khâu thời vụ. BC15 thường khá chắc ăn ở vụ mùa là trổ bông trước 15/9, và gieo trước 10 - 15/6, cấy trước 5/7. Không ít hộ thu hoạch 250 - 260 kg/sào với BC15 ở vụ mùa nếu thâm canh cân đối và phòng trừ sâu bệnh tốt.

- Về chân đất: Khuyến cáo nông dân không gieo cấy BC15 ở chân đất phèn, phèn mặn, chân đất trũng hẩu, những khu vực ruộng hay thường trực đạo ôn ở vụ xuân. BC15 được khuyến cáo cho năng suất và hiệu quả cao ở chân đất tốt, vàn, vàn thấp có khả năng thâm canh.

- Do BC15 cực mẫn cảm với đạo ôn, Sở NN-PTNT luôn nhắc nhở, cảnh báo và giao Chi cục BVTV bám sát BC15 để theo dõi diễn biến nguồn bệnh ngay từ đầu vụ, ngay trên mạ và quan điểm là phát hiện nhanh, kịp thời, diệt trừ ổ bệnh không để tạo nguồn lây lan; khi có bệnh xuất hiện trên BC15 phải được phun trừ ngay và phun bằng thuốc đặc hiệu có hiệu quả diệt trừ ngăn chặn cao.

- BC15 đẻ rất khỏe, phục hồi nhanh sau bị ảnh hưởng của bệnh hoặc các yếu tố bên ngoài, vì vậy mật độ, số dảnh gieo cấy của BC15 cũng được khuyến cáo riêng. Phân bón cho BC15 ở vụ xuân và cả vụ mùa luôn được lưu ý là bón cân đối, tăng kali, lót sâu, thúc sớm, tránh không để sinh trưởng thân lá quá mạnh, quá xanh non. Việc khuyến cáo không chỉ dừng ở các tài liệu hướng dẫn của Công ty trên bao bì, các chương trình tập huấn, khoa giáo, chỉ đạo chung trên các phương tiện cũng được ngành chuyển tải cho nông dân một cách kỹ lưỡng.

Ở Thái Bình, không phải không có diện tích BC15 bị thiệt hại, nhưng con số này là rất nhỏ so với cái được vì chỉ là những hộ cá biệt, và những hộ này không tuân thủ khuyến cáo, gieo BC15 như Xi23 và cũng trỗ cuối tháng 4. Lật lại lịch sử vụ xuân 2006 thì BC15 khi gieo cấy nhân ở diện hẹp, với mục tiêu thu sớm để có giống chuyển cho vụ mùa (trại giống Đông Cường), BC15 phân hóa đòng cuối tháng 3 đầu tháng 4 (gặp nhiều ngày nhiệt độ dưới 20oC), trổ cuối tháng 4 cũng lép và nhiều bông đứng chào cờ, năm đó diện tích trổ sau khoảng 1 tuần thì lại cho năng suất rất cao. Trong chuỗi năng suất tụt hẫng của Thái Bình, đó là vụ xuân năm 1991, Thái Bình cấy chủ yếu bằng giống VN10, vụ đó là vụ xuân rất ấm, ấm giai đoạn mạ nên khi cấy mạ dược đã trên 7 lá, cấy xuống trời vẫn ấm, lúa cứ bừng bừng sinh trưởng, rồi phân hóa giữa tháng 3 và trổ bông giữa tháng 4; trổ đúng kỳ rét “Nàng Bân”, 4 ngày nền nhiệt dưới 20oC, lúa trổ nhưng không thể thụ phấn, thụ tinh, năng suất lúa bình quân cả tỉnh chỉ đạt trên 19 tạ/ha, thấp nhất trong dãy số liệu năng suất lúa xuân của Thái Bình trong suốt 15 năm trước đó.

Xin được chia sẻ với bà con nông dân gieo cấy BC15 ở Bắc Trung bộ và các vùng khác bị thiệt hại ở vụ xuân này; âu cũng là những thiệt hại do biến đổi khí hậu, do bất thường của thời tiết gây ra, đó cũng là bài học kinh nghiệm cho tất cả chúng ta trong việc cần phải nghiên cứu, xem xét bố trí cơ cấu, thời vụ cho hợp lý, những giống như BC15 rất nhạy cảm với nhiệt độ khi phân hóa và trổ bông thì thời vụ luôn luôn quan trọng bậc nhất với đúng nghĩa “nhất thì, nhì thục”.

(*): Tác giả hiện là PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm