| Hotline: 0983.970.780

Bé lớp 3 gãy xương vai vì đeo cặp nặng

Thứ Ba 28/09/2010 , 08:57 (GMT+7)

Bé Xuân mới 9 tuổi, nặng 25 kg nhưng liên tục phải mang theo chiếc cặp nặng tới gần 5kg, đó là nguyên nhân khiến bé bị gãy xương đòn.

Đi bộ từ trường về nhà, bé Xuân 9 tuổi than đau ở vai, đến sáng hôm sau thì chỗ đó sưng vù. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định xương đòn bên trái của em bị gãy, nguyên nhân liên quan đến chiếc cặp quá nặng.

Bác sĩ Huỳnh Bá Lĩnh - trưởng đơn vị phẫu thuật xương khớp Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM), cho biết, bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện cuối tuần qua trong tình trạng đau nhiều ở vai, nhưng vai lại không bị thâm tím hay trầy xước như các trường hợp bị ngã hay va đập.

Xương đòn vai bên trái của học sinh bị gãy. Ảnh: Bác sĩ Huỳnh Bá Lĩnh

“Nghi ngờ gãy xương đòn, chúng tôi tiến hành chụp X-quang thì phát hiện xương đòn bên trái gãy thật. Ngoài ra, cột sống của bé cũng bị vẹo và lưng bị gù nhẹ”, bác sĩ Lĩnh nói.

Căn cứ vào tổn thương cùng tình trạng cột sống bị vẹo và gù lưng, ông Lĩnh cho rằng việc bé phải vác cặp nặng đi bộ mỗi ngày và kéo dài trong nhiều năm chính là nguyên nhân gãy xương vai.

Bệnh nhi đã được băng ép xương gãy và dùng đai cố định vai. Vết thương dự kiến sẽ bình phục trong 3 tuần.

Chưa phát hiện trường hợp gãy xương tương tự do mang cặp, tuy nhiên theo các cử nhân chuyên khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, không ít bé đã được xác định vẹo cột sống hoặc bị gù lưng do vác cặp nặng kéo dài.

"Trọng lượng khuân vác cho phép ở trẻ chỉ bằng 1/10 cân nặng cơ thể. Trong khi đó, 'kho chứa' trên vai học sinh tiểu học thường nặng hơn rất nhiều. Cụ thể chiếc cặp của bé Xuân nặng đến 4,5 kg trong khi cân nặng của em chỉ ngoài 25 ký. Đã thế mỗi ngày Xuân phải đi bộ đến trường tổng cộng đến 2km”, một bác sĩ nói.

Tại Mỹ, các cuộc khảo sát cho thấy có hơn 10% trẻ em trong độ tuổi đến trường phải nhập viện vì các vấn đề liên quan đến chấn thương vùng lưng. Nguyên nhân chủ yếu do mang vác cặp quá nặng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, việc đeo cặp sách quá nặng, đeo sai cách có thể dẫn tới nguy cơ lệch xương, vẹo xương sống ở trẻ nhỏ. 

Tại Việt Nam, theo một số giáo viên, nếu mang sách vở đúng thời khóa biểu chính thức thì học sinh tiểu học không vác cặp quá nặng, tuy nhiên chiếc cặp sẽ nặng hơn đối với những em học bán trú.

Kiểm tra cặp của con, nhiều phụ huynh cũng thừa nhận không ít trẻ mang theo rất nhiều thứ “ngoài luồng” như truyện tranh, nước uống, thức ăn, đồ chơi.

Để khắc phục tình trạng trẻ bị tổn thương do phải đi bộ đến trường, lại khuân vác quá nặng, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên tìm cách giúp bé bằng cách chọn loại cặp nhẹ, phù hợp hình thể và cân nặng.

"Nếu có điều kiện, bố mẹ nên chọn loại cặp có bánh xe để khi mỏi bé có thể kéo. Phụ huynh cũng cần nhắc nhở, kiểm tra việc các bé cho những vật dụng không cần thiết vào cặp. Mặt khác, nên dặn các em những lúc quá mỏi thì nên cho cặp ra khỏi vai để nghỉ ngơi", một bác sĩ khuyên.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất