| Hotline: 0983.970.780

Bệ phóng Phù Cát

Thứ Hai 05/01/2015 , 09:37 (GMT+7)

Bắt đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phù Cát phát triển SX theo chuỗi, thực sự gắn kết “4 nhà” và hiệu quả càng tăng cao.

Là một huyện làm nông nghiệp toàn diện, muốn nông dân có cuộc sống khấm khá, không gì khác hơn là bằng mọi cách phải tăng hiệu quả kinh tế trong SX. Cách đây hơn 10 năm, huyện Phù Cát (Bình Định) đã tiên phong trong chuyển đổi cây trồng bằng nhiều công thức, với những loại cây đặc thù mamg lại hiệu quả cao.

Bây giờ, bắt đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phù Cát phát triển SX theo chuỗi, thực sự gắn kết “4 nhà” và hiệu quả càng tăng cao.

Đi tắt, đón đầu

Nhìn lại quá trình chuyển đổi cây trồng trên địa bàn, ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát thở phào nhẹ nhõm: “Từ sự bức xúc về thu nhập trong SXNN, đồng thời để đối phó với hạn hán, cách đây 10 năm huyện đã đề ra nhiều chương trình chuyển đổi cây trồng với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chuyển đất lúa kém hiệu quả sang làm cây trồng cạn và chuyển SX từ 3 sang còn 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa 1 vụ màu/năm.

Đối với ngành trồng trọt, khi thực hiện, chúng tôi chọn những loại cây trồng đặc thù của từng địa phương để đưa vào SX với nhiều công thức khác nhau. Bây giờ Chính phủ có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước chuyển đổi trong 10 năm qua đã trở thành nền móng vững chắc để Phù Cát thuận lợi hơn trong việc thực hiện chủ trương mới”.

Ông Hùng không khỏi tự hào khi đưa ra thông tin về những thành tựu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm qua. Trước khi thực hiện chuyển đổi, Phù Cát đã từng bước hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng về thủy lợi, điện nên diện tích đất SX chủ động nước được tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào SX. Nhờ đó năng suất lúa không ngừng được nâng cao, tăng bình quân 15 tạ/ha so với năm 2005, nhiều xã đạt năng suất bình quân từ 60 - 70 tạ/ha.

Tuy nhiên, SX cây lúa nông dân thu lợi nhuận chẳng được là bao. Do đó, Phù Cát đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, mà được cả hệ thống chính trị tham gia nên việc chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

Trong 10 năm qua, Phù Cát đã chuyển được 3.500 ha đất lúa sang làm các loại cây trồng cạn, diện tích đất SX lúa giảm từ 19.619 ha xuống còn 16.119 ha. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở huyện Phù Cát đã tạo ra vùng SX có sản phẩm tập trung, quy mô lớn.

Ví như cách đây 5 năm diện tích đậu phụng ở Phù Cát chỉ có 2.088 ha, năng suất 22,5 tạ/ha thì hiện nay đã tăng lên 3.868 ha, năng suất tăng đến 34,6 tạ/ha, sản lượng đạt 13.363 tấn/vụ.

Công tác chuyển đổi ở Phù Cát được thực hiện nhiều công thức: luân canh, xen canh cả 3 vụ/năm với các loại cây trồng đặc thù của từng địa phương như xã Cát Hiệp, Cát Trinh làm cây đậu phụng (lạc); xã Cát Hải làm cây hành và đậu phụng.

Phong trào chuyển đổi hầu như diễn ra khắp địa bàn các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tài, Cát Hải, Cát Khánh, Cát Trinh, Cát Tường. Chỉ những xã đồng bằng trọng điểm SX lúa như Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Chánh, Cát Tiến là vẫn giữ SX 2 vụ lúa/năm.

“Cách chuyển đổi ở Phù Cát không giống như các địa phương khác, là không độc canh cây lúa nhưng không làm mất đất SX lúa bằng biện pháp luân canh: 2 lúa 1 màu, 2 màu 1 lúa, 1 lúa 1 màu... Đó là giải pháp “độc” trong trồng trọt vì SX luân canh sẽ cải tạo được đất, nâng cao độ phì của đất”, ông Hùng giải thích.

Nhờ chuyển đổi, đời sống nông dân tại nhiều địa phương ở Phù Cát đã được nâng cao rõ rệt. Có nhiều địa phương trước đây được “xếp hạng” nghèo nhất huyện thì nay có mức thu nhập cao nhất.

Ví như tại xã Cát Hải, nơi có đến 80% diện tích đất lúa được chuyển sang làm hành và đậu phụng với quy mô 400 ha, thu nhập bình quân 250 triệu đồng/ha đất canh tác.

Tương tự, nông dân các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh, Cát Hanh, Cát Tài... cũng đang sống tốt dựa vào nông nghiệp nhờ các cây đậu phụng, mì, dưa ớt... với thu nhập từ 100 - 150 triệu đ/ha/năm.

Lấy thành tựu làm bệ phóng

Sau 10 năm thực hiện chuyển đổi, Phù Cát không chỉ đã nâng cao được đời sống cho dân thuần nông mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm, và kinh nghiệm này càng trở nên quý báu hơn khi thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian đến.

14-59-59_1
Nông dân xã Cát Hải (Phù Cát) thu hoạch hành chờ xuất bán

“Các vùng chuyển đổi đã được quy hoạch, đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống kênh mương phục vụ tưới, tiêu nên rất thuận lợi cho SX. Đặc biệt, Phù Cát đang canh tác các loại cây trồng vừa phù hợp với thổ nhưỡng, vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, có giá trị kinh tế cao. Nhất là các vùng SX đang được bố trí tập trung theo hướng hàng hóa nên sẽ rất thuận lợi trong thực hiện tái cơ cấu ngành”, ông Phan Sĩ Hùng chia sẻ.

Nhưng có lẽ cái được lớn nhất trong quá trình chuyển đổi ở Phù Cát là sự đồng lòng của nông dân. Để có được điều này, suốt một thời gian dài, cả hệ thống chính trị ở Phù Cát đã phải nhập cuộc vận động, tuyên truyền. Trách nhiệm của ngành nông nghiệp còn nặng nề hơn. Ngoài việc thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân đối với từng loại cây trồng, còn phải bám đồng hướng dẫn nông dân theo cách cầm tay chỉ việc để các mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả cao nhất.

“Trước khi xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi đã tổ chức hội thảo diện rộng gồm các nhà khoa khọc, cán bộ lão thành trong ngành, lão nông tri điền, nhà quản lý, các cơ quan ban ngành, đoàn thể... để ghi nhận ý kiến đóng góp nhằm đưa ra lựa chọn xác đáng nhất để mong thực hiện thành công”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Bây giờ, hiệu quả đã trông thấy, đã tạo được lòng tin trong nông dân, việc hướng dẫn nông dân thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp không còn là việc khó.

Theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh này là triển khai mạnh việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 với định hướng xác định sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để đầu tư tập trung, phát triển bền vững.

“Trước đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương chưa được định hướng làm theo chuỗi SX. Việc chuyển đổi còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xác định cây trồng đặc thù phù hợp với thị trường nên vấn đề tiêu thụ gặp khó khăn. Khi thu hoạch rộ, nông dân hoàn toàn lệ thuộc vào tư thương nên sản phẩm bị mua ép giá.

Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tới đây, nông dân sẽ được hướng dẫn áp dụng công nghệ cao vào SX; sẽ được sử dụng các loại giống mới, chất lượng cao, phù hợp với thị trường, có thể XK; quy mô được bố trí thành những cánh đồng mẫu lớn và trước khi SX, mỗi loại cây trồng sẽ được gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ với cam kết bài bản để nông dân không còn lo về đầu ra”, ông Hổ cho hay.

Ví như vào vụ thu năm nay, huyện Phù Cát đã phối hợp với xã Cát Hải xây dựng CĐML SX đậu phụng với gần 40 ha tại thôn Vĩnh Hội, 280 hộ nông dân tham gia. Trước khi bước vào SX, cánh đồng này đã được Cty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng (Đăk Nông) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Vụ ĐX 2014-2015 sắp tới, đối với những CĐML SX cây đậu phụng, bắp ở Bình Định cũng sẽ được kết nối trước với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

“Đối với những sản phẩm lệ thuộc thị trường tự do, chúng tôi sẽ bố trí trồng rải vụ để không thu hoạch dồn ứ tránh tình trạng bị tư thương mua ép giá”, ông Hổ nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm