| Hotline: 0983.970.780

Bệ rạc giống lợn, gà

Thứ Năm 02/02/2012 , 12:31 (GMT+7)

Đến Cty Giống lợn Tam Đảo (trước hay quen gọi là Trại lợn Tam Đảo) những ngày rét căm căm này, gió bấc từ dãy Tam Đảo hun hút thổi.

Một góc bệ rạc ở Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì
Đến Cty Giống lợn Tam Đảo (trước hay quen gọi là Trại lợn Tam Đảo) những ngày rét căm căm này, gió bấc từ dãy Tam Đảo hun hút thổi.

>> Giống vật nuôi: Vật vờ bóng xế

1. Cả khu chuồng… khói nghi ngút, khói ngùn ngụt. Những súc gỗ, những đống rấm la liệt trên các lối đi, trong các ô chuồng có từ lợn con đến lợn mẹ, từ cụ kị đến ông bà. Công ty có hẳn mấy chục ha đất chuyên trồng gỗ bạch đàn để phục vụ chủ yếu nhu cầu sưởi ấm cho lợn vào những ngày đông tháng rét như thế này. Công nghệ chuồng hở rất lạc hậu mà thế giới gần như chỉ còn tìm thấy ở trong… sách vở chính là nguyên nhân của kiểu phòng rét rất ư “truyền thống” kể trên.

Ông Nguyễn Văn Bung - Phó Giám đốc Cty ngượng nghịu thú thực: “Chất lượng giống lợn của mình đang đi xuống so với khu vực bởi đầu tư thấp, bởi đào tạo kém. Càng đầu tư nhà lạnh, chuồng kín càng lỗ. Mặt bằng chung so với thế giới công nghệ chăn nuôi của chúng tôi đi sau cỡ 20 năm, chất lượng lợn thịt chỉ bằng 70-80%”.

Con giống bố mẹ của nước ngoài có 3 máu, con thương phẩm 4-5 máu, ưu thế thịt rõ rệt còn con giống của ta, bố mẹ chỉ 2 máu, thương phẩm chỉ 3 máu nên lợi thế thịt kém. Ở các trại nước ngoài sản xuất tự động từ thức ăn tới máng còn ở ta là thủ công, chủ yếu vận hành máy móc bằng… sức người.

Trại lợn Tam Đảo từng là tấm huy chương danh giá, sáng chói gắn trên ngực ngành chăn nuôi Việt Nam. Trại từng thu hút hàng trăm cán bộ khoa học đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước khắp mọi miền về quy tụ. Giờ lực lượng tâm huyết ấy đã nghỉ hưu hết, kẻ hồi hương, người bám trụ dưỡng già.

Ông Nguyễn Văn Bung - Phó Giám đốc Cty cho biết đơn vị đang giữ giống gốc 100 con lợn cụ kị, 500 con ông bà, 2.800 con nái, 100 con đực kiểm tra năng suất, mỗi năm cung cấp 45.000 con giống thương phẩm, trên 3.000 con hậu bị. Năm 2011 được nhà nước trợ giá 1,4 tỉ đồng - một số tiền quá khiêm tốn nên hầu như toàn bộ Cty hoạt động bằng cơ chế vay vốn ngân hàng, tự sản xuất, tự kinh doanh để đảm bảo đời sống cho 200 lao động.

 Cũng năm 2011 ghi dấu một kỷ lục của đơn vị tổng doanh thu 148 tỉ trong đó lãi 4 tỉ bởi giá lợn lên cao, nước nổi thì bèo nổi còn mấy năm trước Cty cũng hoạt động rất trầy trật, đủ tiền duy trì lương cho công nhân là còn may. Ở Tam Đảo có một nghịch lý là cấp giống ông bà - đối tượng giống rất quan trọng nhưng ít người quan tâm nên mới có hiện tượng đơn vị thừa ông bà (đực) 4.500 con phải… thiến làm lợn thịt.

Thị trường hiện chỉ thích mua ông bà thuần chứ không thích loại 2 máu. Con ông bà 2 máu nếu không bán được giống thì không khác một cô tiểu thư đài các đã ngoại tứ tuần. Nhà giàu cố nhiên không hỏi, nhà nghèo lại chẳng thiết tha vì đã dài lưng tốn vải lại chẳng biết cầm cái mạ cắm xuống ruộng cho nên hồn. Nuôi thứ lợn ấy làm lợn thịt tỷ lệ thu hồi ít, bao giờ giá bán cũng thấp hơn lợn thị thường (3-4 máu) vài giá. Con 3 máu mông to, vai nở nhiều nạc, con ông bà chỉ toàn thấy bụng, người cứ song song như con ngựa, mông chẳng có, vai chẳng có lại chậm lớn.

Ông Bung tiếc rẻ: “Nếu điều tiết loại giống ông bà ấy cho các trung tâm giống vật nuôi các tỉnh, nhất là ở miền núi thì đây là một nguồn tài nguyên rất đáng quý. Hiện trong sản xuất giống, mối liên kết giữa các trung tâm của Bộ với các trung tâm của tỉnh không còn. Lợn giống dù có chuẩn nhưng vẫn ế vì các trung tâm đã bỏ nhiệm vụ giống mà chỉ làm thương mại nên thích mua bên ngoài cho rẻ chỉ bằng 60-70% giá của Cty. Sản phẩm của chúng tôi hiện gần như chủ yếu bán cho trại tư nhân còn các trung tâm ít khi mua. Lợn đực ông bà hai máu nếu bán được làm giống phải 5 triệu nhưng bán thịt dù 70-80 kg cũng chỉ được 3 triệu”.

Làm giống có cái khó, dịch bệnh không xảy ra ở trại nhưng hễ nơi khác bị là bí đầu ra. Năm 2009 ở Tam Đảo cả ngàn con lợn hậu bị ế phải chuyển sang làm lợn thịt nuôi thuồi luồi ngoài hiên, thả rông lốc nhốc trên các bãi đất trống, bán trầy, bán trật mãi mới xong. Ông Bung trải lòng: “Chúng tôi lo lợn chất lượng bán ra không hơn giá lợn thông thường nên càng đầu tư càng lỗ. Đợt sốt giá nhất năm 2011 được 87.000đ/kg lợn giống (loại 45 kg), khi đó Bộ yêu cầu bình ổn giá nhưng chúng tôi không làm vì đã kinh doanh phải sòng phẳng, phải để tự thị trường điều tiết”.

2. Một dãy nhà cấp bốn trụ sở sát nách với nơi ấp trứng cũng tạm bợ như thế. Một cái cổng trại cũ rỉn, mục nát lấp ló đằng sau vài dãy chuồng cũng chẳng lấy gì làm tốt cho lắm. Quang cảnh đó đập vào mắt tôi khi đến Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì.

Tiền thân là Xí nghiệp Gà giống trứng dòng thuần Ba Vì, năm 2006 Cty cổ phần hóa, nhà nước chỉ còn chiếm 22% vốn, phần quyết định thuộc về ông chủ mới làm nghề kinh doanh chẳng dính dáng tí gì đến chăn nuôi. Chị Đinh Thị Xuân - Giám đốc bảo việc sản xuất giống gia cầm giờ cũng khác xưa nhiều. Ví thử như làm nhà họ để chọn những cặp, những dòng họ có sản phẩm tốt nhất cho nghiên cứu, phối giống đơn vị cũng đã bỏ hàng chục năm nay vì tốn kém.

Công ty hiện đang giữ giống 2.000 con gà Lơ go - món quà tặng của các nước bạn xã hội chủ nghĩa từ những năm 1970. Ngoài nhiệm vụ giữ giống Lơ go, thường xuyên đơn vị có khoảng 10.000 gà giống bố mẹ, đẻ ấp ra khoảng 1 triệu con thương phẩm/năm. Tiếng là một đơn vị giống nhưng gà bố mẹ hàng năm vẫn phải đi mua từ nước ngoài với giá cắt cổ cỡ 100.000 đồng/con loại một ngày tuổi.

Chị Xuân thống kê: “Năm 2008 lỗ 1 tỉ, 2009 lãi vài chục triệu, 2010 lãi 300 triệu, 2011 lãi 3 tỉ. Chỉ năm 2007 và 2011 là có cổ tức”. Những con số thật đáng buồn. Nếu nói về nhiệm vụ giống đơn vị chỉ là một giọt nước trong ly. Nếu nói về làm kinh tế thì với 40 cán bộ công nhân viên quản lý trên diện tích 100 ha ở vùng đất vàng về du lịch như Tản Lĩnh, Ba Vì dù có bỏ hoang để lấy cỏ nuôi bò lợi nhuận vẫn còn hơn thế nhiều lần.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.