| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 20/07/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 20/07/2017

Bệnh công thần, bệnh cậy chức quyền của 'quan'

Tướng về hưu lăng mạ cảnh sát giao thông khi bị xử lý tốc độ. Phó chủ tịch quận thì nói việc dư luận phản ứng bà khi cãi nhau với dân, là nói xấu chính quyền.

Đó là bệnh công thần, bệnh cậy quyền cậy chức.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ngày 11/2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nhóm bệnh ở các cơ quan lãnh đạo các cấp, trong đó có bệnh công thần: “Còn bệnh công thần thì tỏ như thế này: Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm. Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng. Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ. Những đồng chí mắc bệnh ấy không hiểu rằng: mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “…Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”.

Trong bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, viết năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện của thái độ kiêu ngạo như sau: “Kiêu ngạo là: khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên”.

Vị trung tướng quân đội đã nghỉ hưu dùng lời lẽ khiếm nhã, thách thức khi bị lực lượng CSGT Cần Thơ xử lý việc chạy xe quá tốc độ, rõ ràng là người có tư tưởng, mắc bệnh công thần. Vị nữ Phó chủ tịch quận ở Hà Nội, trong quá khứ chắc có thành tích nên được cử vào chức danh này, đã cãi nhau với người dân về chuyện đỗ xe sai quy định, sau đó lại cho rằng những thông tin được lan truyền, dư luận phản ứng mạnh về chuyện này là có ý đồ bêu xấu bà vì mục đích cá nhân, là nói xấu chính quyền.

Đó là biểu hiện rõ ràng của người có chức mắc bệnh cậy chức, kiêu ngạo, biết mình có khuyết điểm, nhưng không chịu cố gắng sửa đổi, thuộc nhóm bệnh do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra.

Ngày 18/6/2016, trung úy cảnh sát giao thông Sun Nem ở tỉnh Koh Kong – Campuchia, đã viết giấy phạt Thủ tướng Hun Sen về lỗi không đội mũ bảo hiểm. Thủ tướng Hun Sen đã chấp nhận và sau đấy đóng tiền phạt. Ông khen ngợi viên trung úy cảnh sát vì đã thực thi pháp luật mà không phân biệt cũng như e ngại những người có quyền lực, kể cả Thủ tướng.

Ba câu chuyện vi phạm luật giao thông ở trong nước và ngoài nước: đi xe sai tốc độ, đỗ xe sai quy định, không đội mũ bảo hiểm khi dùng xe máy tham gia giao thông, của những quan chức và cựu quan chức. Nhưng họ lại có những phản ứng khác nhau. Duy nhất đúng thì chỉ có một - là thái độ thành khẩn cùng với hành xử tôn trọng pháp luật của Thủ tướng Hun Sen bên Campuchia, chứ không phải những phản ứng của bệnh công thần, bệnh cậy quyền cậy chức.