| Hotline: 0983.970.780

Bệnh đạo ôn phát sinh gây hại 200 ha lúa Nghệ An

Thứ Hai 12/03/2018 , 09:06 (GMT+7)

Hiện lúa xuân tại Nghệ An trong giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Thời gian qua diễn biến thời tiết phức tạp, mưa ẩm, trời âm u, sương mù, ẩm độ cao, bệnh đạo ôn đã phát sinh, phát triển và gây hại trên 200ha… Tỷ lệ bệnh nơi cao 10 -15%, cá biệt 50 - 70% lá bị hại.

09-21-52_nh-1
Vết bệnh cấp tính của bệnh đạo ôn tại xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên

Tại Diễn Châu, trên diện tích lúa gieo cấy sớm ở các xã Diễn Nguyên, Diễn Liên, Diễn Thắng, Diễn Lâm, Diễn Cát, Diễn Thái, Diễn Minh…, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại hơn 2,1ha với tỷ lệ bệnh trung bình 2 - 3%, nơi cao 5 - 10% diện tích lá bị hại. Tập trung chủ yếu trên các giống nhiễm như AC5, TBR25, BC15, Thiên Ưu 8, Nhị Ưu 986, ADI 30.

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT Diễn Châu chia sẻ: “Bệnh đạo ôn đang phát sinh, phát triển và lây lan nhanh, nếu không tiến hành kịp thời các biện pháp phòng trừ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa”. Các ban ngành của huyện Diễn Châu cũng đã trực tiếp kiểm tra, thông báo, chỉ đạo đến các xã, để chủ động ứng phó trước các diễn biến của bệnh.

Tại Yên Thành, bệnh đạo ôn cũng đã phát sinh hơn 1,7ha, tập trung các xã Văn Thành, Hợp Thành…, tỷ lệ nhiễm nơi cao 10 -15%, chủ yếu trên các giống NA6, AC5. Ngoài ra một số nơi khác như các xã Hưng Châu, Hưng Nhân, Hưng Phúc của Hưng Nguyên; xã Thạch Sơn của huyện Anh Sơn, cũng ghi nhận sự xuất hiện của bệnh đạo ôn.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, trong thời gian tới diễn biến thời tiết tiếp tục phức tạp, thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển và gây hại và lây lan trên diện rộng. Đặc biệt trên các chân đất cát pha, thịt nhẹ, vùng bán sơn địa, trên các giống hàng năm thường bị bệnh nặng như IR1802, BC15, Thiên ưu 8, Nếp 352, Xi23, B6, BTE1, AC5…, trên các ruộng bón phân không cân đối, thừa đạm.

Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An đã chỉ đạo cán bộ phụ trách vùng bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sự phát sinh gây hại của bệnh đạo ôn trên đồng ruộng. Tham mưu các biện pháp kỹ thuật phòng trừ kịp thời, cụ thể cho UBND các cấp, đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan trên địa bàn cùng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ.

09-21-52_nh-2
Kiểm tra tình hình đạo ôn tại xã Diễn Nguyên

Một số đặc điểm chính của bệnh đạo ôn mà nông dân cần chú ý: Bệnh gây hại nhiều bộ phận trên cây lúa như lá (đạo ôn lá), cổ bông (đạo ôn cổ bông), cổ gié, đốt thân của cây lúa. Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ từ 20 - 28 độ C, thuận lợi nhất từ 24 - 28 độ C, ẩm độ không khí trên 90% (trời có mưa, mưa phùn, sương mù).

Thời gian ủ bệnh khoảng 5 - 6 ngày, tùy theo điều kiện nhiệt độ, cụ thể như sau: 9 - 10 độ C thời gian ủ bệnh 13 - 18 ngày, 17 -18 độ C thời gian ủ bệnh 7 - 9 ngày, 20 - 25 độ C thời gian ủ bệnh 5 - 6 ngày, 26 - 28 độ C thời gian ủ bệnh 4 - 5 ngày. Đây là đặc điểm quan trọng, nên tiến hành phun giai đoạn vết bệnh cấp tính, ngay sau thời kỳ ủ bệnh, vết bệnh cấp tính sẽ biểu hiện ra ngoài, là các đốm nhỏ màu nâu, sũng nước, lúc này nấm bệnh chưa phát sinh bào tử.

Trong trường hợp phát hiện muộn, khi vết bệnh đã mãn tính (hình thoi), thì việc phòng trừ sẽ khó khăn hơn, cần phun kép, nhắc lại sau 5 - 7 ngày, vì lúc này mỗi vết bệnh có thể phóng thích 2.000 -6.000 bào tử.

Một số thuốc hóa học có thể áp dụng để phòng trừ bệnh đạo ôn như: Filia 525 SE, Newtec 300 SC, Beam 75 WP, Katana 20 SC, Bankan 600 WP, Amistar Top 325 SC,… Nồng độ pha theo khuyến cáo trên nhãn mác sản phẩm, phun ướt đều trên lá, lượng nước phun tùy theo tiết diện lá, độ lớn của cây lúa, tối thiểu bằng khuyến cáo của mỗi sản phẩm. Nên tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn hoặc cán bộ kỹ thuật trước khi sử dụng.

09-21-52_nh-3
Nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất