| Hotline: 0983.970.780

Bệnh dịch tả heo và vacxin phòng bệnh

Thứ Tư 15/06/2011 , 09:56 (GMT+7)

Dịch tả heo (DTH) là bệnh truyền nhiễm do virut DTH gây ra. Bệnh lây lan rất mạnh, có thể gây chết 100% số heo mắc bệnh ở thể cấp tính và gây rối loạn sinh sản ở heo nái. Ở Việt Nam, DTH được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1924 và được coi là bệnh gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam.

Thể cấp tính

Heo con dưới 12 tuần tuổi thường biểu hiện thể cấp tính trầm trọng với tỷ lệ chết cao. Heo thường sốt cao hơn 40oC và kéo dài từ 4 – 5 ngày, nhưng trên heo trưởng thành thì nhiệt độ có thể không vượt quá 39,5oC. Heo có biểu hiện biếng ăn, phản ứng chậm chạp, nằm chồng chất lên nhau, viêm kết mạc mắt, chảy nước mũi, táo bón và sau đó ỉa chảy; và có dấu hiệu thần kinh như yếu hai chân sau, rối loạn vận động và co giật.

Heo bị xuất huyết ở tai, đuôi, bụng và phần hông suốt tuần thứ 2 và thứ 3 sau khi nhiễm virut và cho tới lúc chết. Heo bệnh thải mầm bệnh vào trong chất tiết mắt, mũi, miệng và phân. Virut DTH làm giảm bạch cầu trầm trọng và gây ức chế miễn dịch dẫn đến nhiễm trùng kế phát ở đường tiêu hóa và hô hấp. Các dấu hiệu của nhiễm trùng kế phát có thể làm nhầm lẫn hoặc che phủ các triệu chứng điển hình nhất của DTH và gây khó khăn trong chẩn đoán DTH lâm sàng.

Heo trưởng thành khi bị nhiễm virut DTH thường có các dấu hiệu lâm sàng ít đặc trưng và hồi phục với sự sản xuất kháng thể khoảng 2 đến 3 tuần sau khi nhiễm virut. Heo phát bệnh mà không chết trong vòng 4 tuần thì có thể phục hồi hoặc chuyển thành thể mãn tính.

Thể mãn tính

Dấu hiệu lâm sàng có thể thấy thể mãn tính diễn ra ba giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài từ 10 - 15 ngày, toàn bộ đàn heo phát bệnh với các dấu hiệu giống như thể cấp tính nhưng mức độ nhẹ. Giai đoạn hai thuyên giảm: sau một vài tuần, heo có biểu hiện trở lại bình thường (thèm ăn trong một thời gian dài, thân nhiệt bình thường hoặc cao hơn một chút). Một số heo có hiệu giá kháng thể trung hòa thấp trong vài ngày hoặc khoảng một tháng sau khi nhiễm nhưng không có khả năng loại bỏ virut. Giai đoạn ba với các mầm bệnh bội nhiễm và sự phát bệnh toàn thân kèm các dấu hiệu về hô hấp hoặc tiêu hóa hoặc kết hợp cả hai. Heo gầy còm dần, sau đó chết trong thời gian từ 1 đến 3 tháng.

Thể phát bệnh muộn

Heo nái nhiễm virut DTH thường không có biểu hiện lâm sàng, nhưng virut DTH có thể truyền qua nhau, do đó gây nhiễm cho phôi thai. Hậu quả của nhiễm virut DTH qua nhau thai chủ yếu phụ thuộc vào tuổi của thai và độc lực của virut. Nhiễm virut vào giai đoạn đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai, sinh thai chết, thai khô, dị dạng; làm giảm khả năng sinh sản của nái. Nhiễm virut vào giai đoạn 50 - 70 ngày của thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng sinh ra heo con bị nhiễm virut dai dẳng. Những con heo này thường không có biểu hiện bất thường ngay sau khi sinh và sống được nhiều tháng; tuy nhiên, heo thường chậm lớn, còi cọc và thỉnh thoảng bị run bẩm sinh.

Heo mang virut DTH suốt đời sống và luôn bài thải một số lượng lớn virut ra môi trường sống. Những heo này chính là nguồn chứa virut, lây lan và duy trì sự nhiễm bệnh trong đàn heo. Tiến trình bệnh trong trường hợp này được xem như DTH thể phát bệnh muộn và cuối cùng heo sẽ chết trong vòng 11 tháng.

Vacxin phòng bệnh DTH

Vacxin DTH nhược độc là vacxin chủ yếu đang được sử dụng rộng rãi trong phòng chống DTH và được sản xuất chủ yếu từ 3 chủng virut DTH là chủng C, chủng Thiverval và chủng GPE-. Ở nước ta, ngoài vacxin DTH nhược độc được sản xuất trong nước còn có vacxin nhập ngoại; còn vacxin DTH đánh dấu vẫn chưa được sử dụng phổ biến.

Các vacxin DTH nhược độc có thể tạo ra sự bảo hộ hoàn toàn cho heo con, tuy nhiên có nhiều yếu tố như kháng thể mẹ truyền, lứa tuổi tiêm vacxin lần đầu, quy trình tiêm và hậu quả do những tác nhân gây bệnh khác như bệnh tai xanh có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tiêm phòng vacxin.

Khi xây dựng lịch tiêm phòng vacxin DTH cho heo con từ heo mẹ có tiêm vacxin DTH, nên tiêm vacxin DTH lần đầu vào thời điểm (lứa tuổi) mà heo con có kháng thể mẹ truyền qua sữa đầu không ảnh hưởng đến hiệu lực vacxin DTH và tiêm nhắc lại sau đó một tháng.

Trên cơ sở kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu thú y (thuộc NAVETCO) thực hiện, chúng tôi đề nghị có thể tiêm vacxin DTH lần đầu cho heo con từ 3 tuần tuổi. Đối với heo chăn nuôi với quy mô lớn, cần phải khảo sát có tính hệ thống mức độ kháng thể mẹ truyền ở từng trại để đưa ra lịch tiêm vacxin thích hợp. Đồng thời phải kết hợp với loại vacxin DTH có quy trình tiêm phòng phù hợp với tình hình miễn dịch của đàn heo con.

 Trong thực tế, để nâng cao hiệu quả miễn dịch của các quy trình tiêm vacxin DTH, điều quan trọng hơn hết là nên xây dựng lịch tiêm vacxin DTH cho heo nái như thế nào để heo con nhận được lượng kháng thể mẹ truyền với hiệu giá cao, dẫn đến độ dài miễn dịch của kháng thể thụ động này sẽ kéo dài hơn trên heo con được bú mẹ.

Việc phòng bằng vacxin sống nhược độc cần được tiêm 2 lần/năm và có tiêm bổ sung. Kết hợp với các biện pháp tiêu độc sát trùng, an toàn sinh học đối với đàn gia súc, kiểm soát việc vận chuyển heo và nâng cao khả năng hiểu biết về bệnh DTH cho người chăn nuôi heo sẽ tạo thành giải pháp tích cực, toàn diện trong chiến lược khống chế, kiểm soát và dần dần tiêu diệt bệnh DTH ở Việt Nam.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm