| Hotline: 0983.970.780

Bệnh hại dưa hấu ở Nghệ An

Thứ Năm 17/04/2014 , 10:25 (GMT+7)

Tại vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) bệnh hại cây dưa hấu đang bùng phát và gây hại nặng trên các trà từ giai đoạn 4 lá đến ra hoa.

Tại vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) bệnh hại cây dưa hấu đang bùng phát và gây hại nặng trên các trà từ giai đoạn 4 lá đến ra hoa, còn trà dưa trong giai đoạn tuyển quả, tỷ lệ nhiễm bệnh nhẹ hơn.

Tính đến thời điểm này các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Hồng, Nghĩa Minh, Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm, Nghĩa Chính của huyện Nghĩa Đàn, phường Quang Phong của TX Thái Hòa, xã Tân Phú của huyện Tân Kỳ... nhiễm nặng đồng loạt các bệnh xì mủ đỏ (Didymella bryoniae), nứt thân (Mycosphaerella melonis), héo xanh vi khuẩn (Pseudomonas solanacearum), sương mai (Phytophthora infestans) và bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani).Trong đó bệnh xì mủ đỏ là đối tượng gây hại nặng nhất và nan giải nhất hiện nay, do công tác phòng trừ bệnh này rất khó khăn. Bệnh thường khó phát hiện khi mới xâm nhiễm vào cây dưa hấu, khi phát hiện thấy vết bệnh thì lúc đó cây dưa hấu đã bị héo và chết.

Người trồng dưa chán nản, nhiều người bỏ mặc đồng ruộng, không còn quan tâm chăm sóc, vì họ đã phải phun thuốc quá nhiều lần nhưng cây vẫn chết. Tỷ lệ nhiễm bệnh xì mủ đỏ hiện nay trên 90% diện tích và tỷ lệ bệnh từ 10 - 50%, có nơi chết cả ruộng như ở xã Nghĩa Chính.

Anh Đoàn Anh Dương ở xóm Hồng Đức, xã Nghĩa Hồng chia sẻ: “Tôi trồng dưa hấu 5 năm rồi, nhưng năm nay là năm khó làm nhất, do xuống giống gặp phải 2 đợt rét nên thời gian sinh trưởng kéo dài, đáng lẽ ra giờ đã chuẩn bị thu hoạch thì giờ dưa mới ra hoa. Năm nay bệnh nhiều quá, đặc biệt bệnh xì mủ đỏ không có cách nào phòng trừ hiệu quả, tôi trồng 1 ha nhưng chết gần một nửa, nên năm nay chỉ mong sao đủ vốn bỏ ra, không mong có lợi nhuận”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Nhàn, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV Nghĩa Đàn cho biết: "Bệnh xì mù đỏ xuất hiện trên vùng trồng dưa ở Nghĩa Đàn tương đối nặng trong 3 năm trở lại đây, việc phòng trừ tương đối hiệu quả trong vụ thứ nhất, thứ 2, nhưng từ vụ thứ 3 trở đi do nguồn bệnh được tích lũy trong đất ngày càng nhiều hơn nên năm nay bệnh gây hại sớm hơn và người dân không kịp phòng trừ.

Thông thường những năm trước bệnh gây hại từ giai đoạn tuyển quả trở đi, song năm nay từ giai đoạn cây dưa bắt đầu có 3 lá thật đã bị nhiễm bệnh. Đối với bệnh này khi đã phát hiện dây dưa có vết xì mủ đỏ thì không có thuốc nào phòng trừ được.

Bởi vì lúc đó phần mô cây xung quanh vết bệnh đã bị thối, bó mạch dẫn phía trong đã chuyển sang màu nâu đỏ, mất khả năng vận chuyển nước và dinh dưỡng nên cây dưa chết trong trạng thái héo xanh, để lại triệu chứng nhìn bên ngoài giống hệt bệnh héo xanh vi khuẩn.

Thời gian qua trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa cũng đã kịp thời có các thông báo chỉ đạo, hướng dẫn cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu bệnh trên các cây trồng vụ xuân. Nhưng do điều kiện thời tiết thời gian qua rất bất lợi, nguồn bệnh tích lũy trong đất từ các vụ trước nhiều, nên rất khó phòng trừ.

Không những người nông dân trồng dưa cũng như người buôn dưa thua lỗ, do ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mà trên đồng ruộng, người nông dân đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và nguy cơ mất mùa.

Việc bố trí thời vụ tránh chồng chéo giữa các vùng trồng dưa hấu, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng đầu ra là các vẫn đề mà ngành nông nghiệp cần phải quan tâm, để có thể phát triển ổn định loại cây có giá trị kinh tế cao này.

Để kiểm soát được bệnh xì mủ đỏ, ông Nhàn cũng chia sẻ thêm, bệnh này gần như không thể trị, song có thể phòng một cách hiệu quả nếu người dân thực hiện tốt các công tác sau:

- Không nên trồng dưa hấu liên tiếp 3 vụ trên 1 ruộng, nên luân canh với các cây trồng khác để giảm sự tích lũy nguồn bệnh. Trước lúc gieo trồng 7 - 10 ngày nên xử lý vôi bột trên mặt luống, để nâng độ pH đất, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh cũng như vi khuẩn.

- Nên làm bầu gieo hạt, hoặc nếu gieo trực tiếp, nên chuẩn bị đất bầu đã ủ sẵn bỏ vào hốc gieo trước khi gieo hạt. Đất bầu là đất sạch, lấy từ những vùng chưa từng trồng dưa hoặc cây họ bầu bí, kết hợp với vôi bột, phân chuồng, ủ khoảng 14 ngày, sau đó bổ sung thêm phân 1 kg NPK, 100 gr Ridomil Gold68WG cho 50 kg đất bầu, ủ tiếp 1 - 2 tuần rồi dùng đất đó đóng bầu để gieo hạt.

- Ghim ngọn, định hướng dây phát triển thẳng, tránh chồng chéo lên nhau, nên để 1 dây chính và 2 dây phụ hoặc 1 dây phụ ở phía gần gốc nhất, điều chỉnh các dây mọc song song nhau, cắt bỏ các nhánh phụ khác, để tạo sự thông thoáng cho ruộng dưa, tăng cường ánh sáng và giảm ẩm độ trên thân và lá.

- Nghĩa Đàn là vùng đất dốc, nên phải áp dụng phương pháp tưới rãnh, do đó cần phải nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh, cắt bỏ các lá bệnh ở gốc ngay trước mỗi lần tưới nước, để giảm sự lây lan của nguồn bệnh qua nước tưới.

- Trong điều kiện thời tiết bất lợi như mưa, ẩm độ cao, đêm có sương mù, hoặc phát hiện trên ruộng có cây bị bệnh thì tiến hành phun phòng trừ như sau: Sử dụng luân phiên các loại thuốc như Ridomil Gold 68WG, Score 250EC, Revus opti 440SC, Amistar Top 325SC,… Dùng 50 gr Ridomil Gold 68WG + 5 ml Score 250EC, hoặc 50 ml Revus opti 44SC, hoặc 10 ml Amistar Top 325SC pha với 16 - 18 lít nước, phun ướt đều trên lá từ gốc đến cách ngọn 20 cm.

Không nên phối trộn thuốc BVTV với bất kỳ loại phân bón lá, chất kích thích nào và không nên phối trộn quá 2 loại thuốc trên 1 bình phun, vì cây dưa hấu là cây rất mẫn cảm với thuốc BVTV. Cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 4 đúng trong BVTV.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.