| Hotline: 0983.970.780

Bệnh lồng ruột gia tăng

Thứ Năm 10/06/2010 , 11:04 (GMT+7)

Gần đây, số trẻ mắc bệnh lồng ruột đến điều trị tại các bệnh viện nhi đồng tăng đáng kể. Mỗi ngày tại Bệnh viện nhi đồng 2 TP.HCM có đến 6 ca lồng ruột ở trẻ nhỏ nhập viện...

Một bệnh nhi vừa trải qua mổ lồng ruột
Chị Thanh cảm thấy mình may mắn vì có hai thằng con trai khá yêu thương nhau, chúng có thể tự chơi đùa trong sự trông chừng của bà nội. Đang đùa vui, bỗng cu Thành dừng giỡn, khóc và kêu đau bụng. Sau một hồi xoa dầu, nằm nghỉ bé có vẻ đỡ chút ít nhưng một lúc sau lại òa khóc vì đau và bắt đầu nôn ói khiến bà nội phải gọi Thanh về đưa cháu đi bệnh viện. Đến khám bệnh mới hay bé bị lồng ruột.

Gần đây, số trẻ mắc bệnh lồng ruột đến điều trị tại các bệnh viện nhi đồng tăng đáng kể. Mỗi ngày tại Bệnh viện nhi đồng 2 TP.HCM có đến 6 ca lồng ruột ở trẻ nhỏ nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 số ca có ngày lên đến cả chục.

GS.TS, BS Hoàng Trọng Kim, Khoa Nhi, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết đây là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm cần được phát hiện và xử trí sớm. Lồng ruột là một cấp cứu ngoại nhi thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ nhỏ. Với các bác sĩ nhiều kinh nghiệm thì chỉ cần sờ nắn bụng có thể phát hiện nhưng siêu âm là phương tiện tốt để chẩn đoán xác định lồng ruột.

Lồng ruột ở trẻ bú mẹ hầu hết là cấp tính, diễn biến hoại tử ruột nhanh, còn lồng ruột ở trẻ lớn phần nhiều ở thể bán cấp và mạn tính. Đây là trạng thái bệnh lý trong đó 2 khúc ruột trên và dưới chui lồng vào nhau gây nên hội chứng tắc ruột cơ học, tạo nên khối lồng bít lòng ruột. Khi ruột mới bị lồng thì chỉ cần bơm hơi vào đại trực tràng là xử trí được nhưng nếu để lâu đoạn lồng ngày một chui sâu vào nhau, làm cho đoạn ruột bị lồng sưng nề, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẽn, lúc này phải tiến hành biện pháp phẫu thuật để kéo ruột ra, nếu ruột đã hoại tử phải cắt bỏ đoạn ruột này.

Lồng ruột cấp hay gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi (hiếm gặp ở tuổi sơ sinh) với biểu hiện đột ngột bị đau bụng dữ dội, trẻ ưỡn người khóc thét từng cơn, mỗi cơn kéo dài từ 3 - 10 phút. Kèm theo đau dữ dội là trẻ bị nôn vọt, chất nôn ra là sữa và thức ăn vừa ăn vào. Nếu thời gian bị lồng ruột đã kéo dài, trẻ có thể nôn ra dịch mật. Bên cạnh các dấu hiệu đau bụng và nôn thì trẻ còn đi cầu phân có lẫn máu hoặc chất nhày lẫn máu, sau 9 - 10 giờ tính từ triệu chứng đau bụng đầu tiên. Ở trẻ càng nhỏ, dấu hiệu đại tiện ra máu càng sớm.

Nếu trẻ đi cầu ra máu sớm và nhiều thì khối lồng ruột thường chặt và khó tháo. Những trường hợp này khi vào bệnh viện thăm khám thấy khối lồng dài như quả chuối, chạy dọc theo khung đại tràng ở dưới bờ sườn phải hoặc sang tới dưới bờ sườn trái, hố chậu trái, ấn vào khối lồng sẽ làm trẻ đau. Nếu trẻ đến viện sớm thì bụng thường mềm, còn nếu bụng cứng, nắn bụng đau thì lồng ruột đã muộn và có thể có biến chứng.

Lồng ruột bán cấp và mạn tính lại gặp nhiều ở trẻ 3 - 4 tuổi. Tất cả các trẻ này đều đau bụng kéo dài từng đợt, các cơn đau thưa, vài cơn đau trong ngày, mỗi đợt đau độ 2 - 6 ngày rồi hết đau, sau đó tái diễn lại. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng. Ở thể lồng ruột bán cấp tỷ lệ trẻ nôn là 50 - 70%, còn ở thể mạn tính trẻ nôn ít hoặc chỉ có cảm giác buồn nôn. Khối lồng hầu hết là nắn thấy nhưng lại xuất hiện từng đợt, trong cơn đau khối lồng sờ thấy rõ nhưng ngoài cơn đau khối lồng có thể mất. Người ta từng gọi khối lồng trong lồng ruột bán cấp và mạn tính là khối “u ma”. Tuy nhiên lồng ruột cấp vẫn có thể xảy ra ở lứa tuổi này và rất nhanh dẫn đến hoại tử khối lồng.

Quan trọng nhất là khi thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh như trên các bậc cha mẹ cần nghĩ đến tình trạng lồng ruột, cần đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa Nhi để được thăm khám và xử trí kịp thời. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi nhỏ, trẻ bị đau nhưng chưa biết nói được là đau ở đâu và đau như thế nào, do vậy nhận biết bệnh của cha mẹ rất quan trọng.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.