| Hotline: 0983.970.780

Bệnh tật bủa vây người dân sống lay lắt bên cạnh 2 nhà máy chế biến gỗ

Thứ Năm 17/08/2017 , 09:58 (GMT+7)

Nhiều năm nay, người dân ở thôn đường 23, xã Thanh Lâm (Mê Linh, Hà Nội) sống trong thấp thỏm, lo âu khi bệnh tật ngày càng nhiều. Hệ lụy sống cạnh 2 nhà máy chế biến gỗ, chình ình giữa khu dân cư.

Bệnh tật bủa vây

Mấy năm nay, ở Thanh Lâm khi nhắc đến thôn đường 23, người dân không khỏi rùng mình, ám ảnh, bởi ngày càng có nhiều người bị bệnh, qua đời. Hai nhà máy gỗ của Cty CP VIETDUTCH quốc tế và Cty TNHH SX và KD quốc tế TMC ngang nhiên gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc vì 2 nhà máy quá gần khu dân cư, cũng như khói, bụi, nước ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe dân trong vùng.

14-30-11_nh_1
Ống khói của Cty VIETDUTCH xả khói mù mịt ra môi trường

Là người sống cách nhà máy gỗ VIETDUTCH chỉ một bức tường rào ngăn cách, ông Vũ Văn Bính ở thôn đường 23 không khỏi thảng thốt: “Ngày nào cũng xả, xả ngày rồi xả đêm. Nhưng xả mạnh nhất là từ 7 - 8h tối, cứ cách vài tiếng lại đốt, khói mù mịt cả một vùng trời. Nhà tôi sát vách, nên 2 ống hút bụi của nhà máy thổi thẳng vào sân. Gia đình dùng nước giếng khoan, khi bơm nước lên có màu đen, nước nổi váng vàng đục, thậm chí hút lên còn có mùn đen. Khói thải nhà máy toàn mùi hóa chất”.

Vợ mất là nỗi đau đớn không thể bù đắp của ông Bính. Nước mắt chảy dài trên gò má ông khi nhắc đến cái chết của vợ: “Đau xót lắm chú à. Vợ tôi mới chết chưa được 50 ngày vì tắc nghẽn phế quản. Không chỉ vậy, các con, cháu trong nhà đều bị viêm phế quản, viêm phổi loạn cả lên. Con cái tôi phải chuyển vào trong xã, không thể sống được ở đây. Gần đây đã có 4 - 5 người chết tương tự như vợ tôi rồi. Thật lo cho thế hệ con cháu".

Cũng sống bên nách nhà máy gỗ như ông Bính, ông Nguyễn Văn Cơ không khỏi bức xúc khi chứng kiến cảnh người thân bị bệnh, suốt ngày phải đóng cửa vì bụi khói, đêm không ngủ được vì tiếng ồn.

Ông Cơ chia sẻ: “Khi nhà máy thải khói ra, nhà tôi bụi bám đen cả nhà, vừa khét, vừa khó thở. Ngày nào nhà cũng đóng cửa, khổ nhất vào mùa hè, không khác gì ở trong lò đốt. Ngày đã khổ, đêm tiếng ồn ầm ầm không thể ngủ được, nhất là trẻ con khóc vì khó thở, mất ngủ. Ngoài các bệnh về hô hấp, thì nhiều người ở đây cũng mắc các bệnh về da, hắc lào, ghẻ lở…”.

14-30-11_nh_2
Công ty VIETDUTCH mặc cho người dân phản đối, ngày đêm vẫn sản xuất

Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân cũng không trồng được, mất mùa do nước thải, bụi, khói… Tuy nhiên, 2 Cty VIETDUTCH và TMC bất chấp người dân phản đối, vẫn ngang nhiên, vô tư ngày xả khói bụi, nước thải, đêm gây ô nhiễm tiếng ồn.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Nấu (thôn đường 23) thì kẹt ngay giữa 2 nhà máy gỗ không lối thoát. Ông Nấu ngao ngán: “Gió đông nam thì ăn khói của TMC, gió tây bắc thì hít bụi của VIETDUTCH. Khổ lắm! Cả nhà đều bị bệnh về đường hô hấp, khi nào nhà máy xả thải chúng tôi đều ngạt không thở nổi, không biết đi đâu, chỉ biết ở trong nhà. Nơi này, cây cối đều bạc phếch, vàng úa. Lúa, hoa màu trồng lên đều mất mùa, nhiều người dân bỏ canh tác”.
 

4 năm vác đơn kêu cứu

Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Văn Toán, Phó bí thư Chi bộ thôn đường 23. Như người dân, ông cùng chung nỗi lo sợ không khí ô nhiễm, sức khỏe dân trong thôn giảm sút.

14-30-11_nh_3
Khói bụi bám đầy nhà dân

Nhiều lần làm người đại diện cho 70 hộ dân đi gõ cửa các cấp chính quyền, ông Toán bức xúc: “4 năm liên tục chúng tôi làm đơn kêu cứu, kiến nghị, tiếp xúc cử tri cũng phản ánh, đề xuất… nhưng không một lời giải thích thấu đáo của các cấp chính quyền. Ở đây, ngày thì khói, bụi thải ra khét lẹt, bao trùm cả xóm. Đêm về thì tiếng ồn ầm ù đến sáng. Về nước, người dân chủ yếu dùng giếng khoan, cũng rất ô nhiễm. Nhiều người mắc bệnh phải đi bệnh viện, có người đang chờ chết”.

Ông Toán không khỏi thắc mắc, nghi vấn, khi 2 Cty chễm chệ nằm ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm trầm trọng mà đến giờ vẫn cứ được phép hoạt động. Ông băn khoăn: “Hai Cty (đặc biệt là VIETDUTCH) tồn tại 4 năm quanh khu dân cư gây ô nhiễm môi trường sao chính quyền không xử lý? Nhà máy hoạt động trong khu dân cư đúng hay sai? Chúng tôi kiến nghị nhiều lần, với tất cả các chữ ký của người dân sống quanh nhà máy, nhưng không cấp nào trả lời, giải quyết cho nhân dân!”.

14-30-11_nh_4
Nhà máy gỗ ngay sát khu dân cư

Còn bà Hoàng Thị Tuyến, Tổ trưởng tổ 4 (thôn đường 23) nhiều lần làm đơn kiến nghị, cũng chưa một lần được các cấp chính quyền giải đáp. Bà Tuyến than thở: “Nhà tôi bị 2 nhà máy thổi vào. Con trai tôi bị bệnh viêm xoang mãn tính. Mỗi lần nhà máy thải khói ra môi trường, nhiều khi quét sân đầy 2 - 3 cái hốt rác. Người dân đa số là cán bộ về hưu, không có bà con ở lân cận để mà đi tránh. Mà tránh một vài lần còn được, làm sao đi tránh cả tháng cả năm, nên chỉ biết đóng cửa ở trong nhà. Chúng tôi đề nghị nhiều, nhưng chỉ thấy hứa hẹn tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Họ chỉ hứa suông thôi”.

Ông Đỗ Văn Ngân, Bí thư Chi bộ thôn đường 23, sống ngay cạnh nhà máy, cũng khẳng định: “Người dân ai cũng mắc các bệnh về hô hấp. Trẻ con phải đi khám liên tục. Các loại phế thải, vỏ ván, mùn cưa… cứ chất đầy trước cổng, xung quanh nhà máy, mùa mưa không có cống thoát, nước đen ngòm, hôi thối, lênh láng đường làng. Xe công-ten-nơ vận chuyển gỗ cả ngày lẫn đêm, bấm còi inh ỏi, làm hỏng cả đường. Chất thải, nước thải đều thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý, không có bể lọc”.

“Chúng tôi đề nghị nhiều lần, vào gặp trực tiếp nhiều lần, họ hứa cải tiến công nghệ, nhưng qua 2 tháng rồi không thấy cải tiến gì. Gọi điện Cty cũng không nghe. Nhân dân chúng tôi đề nghị di dời 2 nhà máy ra khỏi khu dân cư”, ông Đỗ Văn Ngân, Bí thư Chi bộ thôn đường 23, kiến nghị.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất