| Hotline: 0983.970.780

Bệnh thối nõn dứa

Thứ Năm 19/03/2015 , 06:14 (GMT+7)

Trong thực tế SX cho thấy, trên cây dứa xuất hiện loại bệnh hại gây khó khăn cho bà con nông dân trong việc phòng trừ, đó là bệnh thối nõn dứa.

Dứa là loại cây trồng cho quả được nhiều người ưa thích vì hương vị thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Cây dễ trồng, không kén đất nhưng thích hợp nhất trên những chân đất thoát nước tốt, đất tơi xốp, thoáng khí, đất đồi dốc, đất đỏ bazan. Dứa thích hợp trên chân đất có độ PH từ 4,5-5,0, là cây chịu hạn và chịu phèn.

Dứa ưa thích thời tiết ấm áp, nhiệt độ thích hợp cho dứa sinh trưởng phát triển là 25 - 30 độ C, lượng mưa phân bố đều các tháng. Sản phẩm thu hoạch là quả dứa được cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến SX nước giải khát… và có tác dụng tăng sức đề kháng cho con người chống chịu bệnh tật như kháng viêm và kháng phù, dưỡng da, giải nhiệt…

Tuy nhiên, trong thực tế SX cho thấy trên cây dứa xuất hiện loại bệnh hại gây khó khăn cho bà con nông dân trong việc phòng trừ, đó là bệnh thối nõn dứa.

Triệu chứng gây hại: Cây bị bệnh nõn dứa thường bị thối, có viền nâu hình gợn sóng, lá thối dễ dàng rút ra được khỏi thân. Nhìn toàn cây thấy các lá bị héo vàng và khô ở đầu lá. Phần gốc lá dứa bị thối có màu trắng úng nước, ranh giới giữa phần lá bị thối và phần lá chưa bị bệnh có những đường viền nâu nhạt đến nâu sẫm, cây bị bệnh nặng có mùi thối rất nồng và làm chết cả cây nhanh chóng.

Điều kiện phát sinh gây hại: Bệnh gây hại trên các vườn dứa trồng bằng chồi cả 2 giống dứa phổ biến là Cayen và Queen, bệnh xuất hiện gây chết ngay từ giai đoạn cây mới trồng và có thể kéo dài đến khi quả chín làm giảm đáng kể đến năng suất dứa.

Bệnh phát sinh gây hại nặng trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, đặc biệt sau các đợt mưa lớn, trên các vùng đất thoát nước kém, những ruộng trồng dứa liên tục trong nhiều năm, ruộng nằm dưới chân đồi, vườn dứa bón phân không cân đối, bón nhiều đạm dễ bị nhiễm bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh: Dựa trên các kết quả phân tích, bệnh thối nõn dứa do nấm Phytophthora gây ra, đây là loại nấm rất nhỏ tồn tại trong đất và trong tàn dư cây bệnh, cây trồng cũ trong nhiều năm. Bệnh lan truyền chủ yếu qua nguồn giống cây, lấy chồi từ ruộng cây dứa bị bệnh sang trồng ruộng chưa bị bệnh hoặc nguồn nước tưới đã nhiễm bệnh.

Biện pháp phòng trừ

- Sau khi thu hoạch, trước khi vào vụ SX mới phải vệ sinh sạch sẽ ruộng như thu gom tàn dư cây bệnh, tàn dư cây dứa cũ, chọn ruộng thoát nước tốt, tạo rãnh thoát nước và lên luống cao đối với những chân đất thoát nước kém...

- Bón phân cân đối, hợp lý, đặc biệt không bón nhiều đạm.

- Sử dụng một số chế phẩm như EM hoặc nấm đối kháng Trichoderma pha với nước tưới lên phân chuồng hoai mục, ủ khoảng 15 - 20 ngày sau đó tiến hành bón lót trước khi trồng dứa.

- Chọn giống và cách xử lý giống dứa:

+ Sử dụng cây giống và lựa chọn chồi dứa từ các cây không bị nhiễm bệnh, nên nhúng chồi dứa vào dung dịch thuốc trước khi trồng bằng các loại thuốc Aliette 80WP, Rhidomil Gold 68WG, 72 WP, Agri-Fos 400.

+ Đối với cây dứa trong vườm ươm, nên phun thuốc khoảng 10 - 15 ngày trước khi chuyển ra ruộng trồng đại trà bằng các loại thuốc trên theo liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì của nhà SX hoặc theo hướng dẫn cơ quan chuyên môn.

- Trên những ruộng dứa trong nhiều năm trồng liên tục thường bị bệnh nặng thì nên tiến hành luân canh với cây trồng khác ít bị bệnh như ngô, mía, đậu tương, lạc trong vòng 1 - 2 năm trước khi trồng dứa.

- Công tác điều tra phát hiện: Thường xuyên điều tra theo định kỳ, xác định chính xác thời điểm phát sinh của bệnh khi mới chớm xuất hiện với tỷ lệ bệnh thấp, mức độ gây hại đang ở diện hẹp để tiến hành chỉ đạo bà con phun trừ kịp thời nhằm hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng bằng các loại thuốc đặc hiệu như Aliette 80WP, Rhidomil Gold 68WG, 72 WP, Agri-Fos 400, chú ý phun sát phần gốc cây.

- Khi cây dứa bị hại nặng không có khả năng phục hồi tiến hành tiêu hủy, nhổ bỏ cây bị bệnh ra khỏi ruộng, bón vôi bột tiêu độc khử trùng ngay vào hố của cây đã nhổ bỏ.

- Không bón đạm hoặc phun chất kích thích khi cây đang bị bệnh, chỉ tiến hành chăm sóc bón phân sau khi đã phun trừ bệnh và bệnh ngừng phát triển.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất