| Hotline: 0983.970.780

Bệnh xuất huyết gây chết hươu

Thứ Tư 13/04/2011 , 10:09 (GMT+7)

Bệnh có tính chất mùa vụ, thường xẩy ra vào cuối hè, đầu xuân, ở thời gian mà muỗi có điều kiện phát triển nhanh về số lượng.

Bệnh xuất huyết (Hemorrhagic Disease –HD) do virus epizootic hemorrhagic disease (EHDV) và virus bluetonge (BLUV) gây ra là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho động vật loài nhai lại.

Trong hai loại virus này, virus EHD thường gặp trên đàn hươu hơn. Virus EHD thuộc chi Orbivirus, họ Reoviridae, bao gồm 8 serotype và có liên hệ gần với virus BLU. Virus đề kháng với các dung môi hòa tan lipid, nhưng bị vô hoạt bởi axít, xút 2%, glutaraldehyde 2% và nhiệt độ trên 50oC. Virus EHD rất nhanh mất khả năng gây bệnh khi ở ngoài vật chủ hoặc ký chủ trung gian. Khi hươu chết virus EHD sẽ nhanh chóng mất hoạt lực trong xác chết phân hủy và vì vậy việc phân lập virus EHD khó thành công nếu mẫu được lấy sau khi hươu chết qua 24 giờ.

Bệnh xuất hiện trên hươu đuôi trắng (Odocoileus virginianus) và đầu tiên được xác định là EHD vào năm 1955 ở hai bang New Jersey và Michigan, sau đó bệnh lây lan ra các bang khác của Mỹ và Canada. Bệnh cũng được ghi nhận ở Australia, châu Á, châu Phi. Ở Việt nam chưa có thông báo xác nhận về bệnh gây ra do virus EHD trên hươu, tuy nhiên với các mẫu bệnh phẩm của hươu chết gần đây tại Nghệ An, sử dụng kỹ thuật RT-PCR, Phòng thí nghiệm của Cty NAVETCO đã phát hiện có sự hiện diện của virus EHD trong các mẫu bệnh phẩm của hươu bệnh. Trong các ổ dịch tỷ lệ chết thường dưới 25%, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể đạt tới 50% hoặc cao hơn. 

Ngoài hươu đuôi trắng bị bệnh, một số động vật ăn cỏ khác có thể bị bệnh EHD như: la, hươu đuôi đen, cừu hoang, linh dương và bò. Bệnh không lây trực tiếp từ con bệnh đến con mẫn cảm. Bệnh được truyền thông qua ký chủ trung gian là muỗi vằn, Culicoides spp và ở Bắc Mỹ đã xác định là C.variipennis. Bệnh có tính chất mùa vụ, thường xẩy ra vào cuối hè, đầu xuân, ở thời gian mà muỗi có điều kiện phát triển nhanh về số lượng.

Tùy độc lực của virus và sức đề kháng của con vật, bệnh có thể xuất hiện ở quá cấp tính, cấp tính và mãn tính. Trong một ổ dịch có thể có hươu không biểu hiện triệu chứng bệnh hoặc chỉ có dấu hiệu nhẹ. Tuy nhiên ở những con có biểu hiện bệnh, triệu chứng phát triển rất nhanh và có thể chết trong vòng 1 – 3 ngày. Những triệu chứng thường thấy là: hươu mệt mỏi, sốt, khó thở, sưng (đầu, cổ, lưỡi hoặc mí mắt). Những hươu bị bệnh kéo dài, thường có biểu hiện què, giảm ăn và giảm hoạt động. Một số nhỏ hươu bệnh có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng với biểu hiện què quặt và gầy còm. Bệnh tích của hươu cũng phụ thuộc vào thể bệnh và có sự khác nhau về mức độ giữa các con bệnh. Ở thể quá cấp tính, bệnh tích chủ yếu là sưng có chứa dịch ở đầu, cổ, lưỡi, mí mắt và phổi. Ở thể cấp tính, ngoài hiện tượng phù tích dịch ở một số vùng như nêu trên, có thể có bệnh tích xuất huyết, xung huyết ở tim và đường tiêu hóa và các nốt loét tìm thấy ở nướu răng, lưỡi, vòm miệng và dạ dày. Hươu bị bệnh mãn tính thường thấy móng bị nứt thậm chí tuột móng, kết hợp với mụn loét, nốt sẹo và bệnh tích ở đường tiêu hóa.

Có thể dựa vào đặc điểm lịch sử, dịch tễ, triệu chứng, bệnh tích để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên để phân biệt với các bệnh khác có triệu chứng, bệnh tích giống bệnh EHD như: bệnh lưỡi xanh, bệnh viêm cata cấp tính,v.v, cần thiết phải lấy mẫu để xét nghiệm. Thực tế xét nghiệm của Trung tâm nghiên cứu thú y, Cty NAVETCO, với các mẫu nhận được từ hươu bệnh, chết ở Nghệ An cho thấy có thể dùng phương pháp phân lập trên tế bào BHK, tiêm truyền vào phôi gà và sử dụng kỹ thuật RT-PCR để xác định tác nhân gây bệnh và bằng phương pháp này có thể phát hiện được virus EHD từ bệnh phẩm hoặc từ môi trường đã cấy truyền.

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hươu bị bệnh nhưng qua khỏi tồn tại kháng thể kéo dài. Vì bệnh không lây trực tiếp, mà truyền lây thông qua ký chủ trung gian là muỗi, do vậy công tác vệ sinh, thông thoáng chuồng nuôi để giảm mật độ muỗi, kết hợp với dùng thuốc diệt muỗi ngoài môi trường và trên cơ thể con vật là biện pháp quan trọng để phòng bệnh. Có thể dùng sản phẩm có chứa Deltamethrin bôi cho động vật, đặc biệt ở những vị trí da mỏng muỗi hay đốt và kết hợp với Invermetin 1%. Ngoài ra cần tăng cường sức đề kháng cho con vật bằng cách bổ sung vitamin A, E và vi khoáng. Trong các ổ dịch, song song áp dụng các biện pháp nêu trên, có thể có hiệu quả tốt khi kết hợp với phòng bệnh bằng interferon.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất