| Hotline: 0983.970.780

Bi hài chăm người nhà ốm

Thứ Tư 08/08/2012 , 11:04 (GMT+7)

Dẫu bệnh tình của ông Cảnh đã được người nhà xác định là luôn phải “sống chung với lũ”, mỗi năm hai bận ông vào viện là chuyện thường. Tuy vậy, mỗi bận ông nằm viện không dưới hai tuần, cũng khiến cho các con mệt nhoài vì chạy ngược, chạy xuôi.

Ông Cảnh, bà Mai chỉ có hai con, một trai, một gái. Từ ngày con cái quyết định lập nghiệp tại thủ đô, hai ông bà cũng bàn nhau bán nhà lên ở thành phố. “Già rồi, gần con cái để chúng tiện qua lại mỗi khi bố mẹ trái gió, trở trời”, đó là tâm niệm của ông bà, cũng là mong muốn của các con.

Tuổi cao, lại bị bệnh tim nên ông Cảnh phải rất chú ý giữ gìn sức khỏe. Tuy vậy, mỗi khi thời tiết thay đổi, huyết áp lên xuống bất thường, ông lại lên cơn đau. Nếu như trước kia ở quê, một mình bà Mai phải lo cho ông đi viện, hai thân già tựa vào nhau nhiều khi nhìn muốn khóc. Bây giờ lên Hà Nội, nhà ông bà và con trai chỉ cách nhau một tòa nhà chung cư, hễ ông có “dấu hiệu”, bà có thể gọi ngay cho con trai là anh có thể thu xếp về đưa ông tới viện luôn hoặc gọi cấp cứu kịp thời.

Dẫu bệnh tình của ông Cảnh đã được người nhà xác định là luôn phải “sống chung với lũ”, mỗi năm hai bận ông vào viện là chuyện thường. Tuy vậy, mỗi bận ông nằm viện không dưới hai tuần, cũng khiến cho các con mệt nhoài vì chạy ngược, chạy xuôi.

 Chị Thủy, con gái ông Cảnh tâm sự: Bố ốm, cả nhà cũng “quay” theo. Nhà neo người, ban ngày con cái phải đi làm, chỉ có bà chăm ông, đêm đến chồng tôi và em trai phải thay ca nhau trông chừng ông. Thức đêm một, hai hôm thì được, chứ thức nhiều quá cũng ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc của các con. Dù rất thương bố, lại rất có trách nhiệm, nhưng công việc của mọi người trong nhà đều bị ảnh hưởng…

Công việc bận rộn là thế, vẻ mệt mỏi thấy rõ trên từng khuôn mặt người thân, nhưng mỗi người trong gia đình chị Thủy đều xác định, phải cố lên một chút. Bởi cha mẹ già như chuối chín cây, biết cụ sống vui vầy với con cái được bao lâu nữa. Bên cạnh đó, đến gần 40 tuổi, chị em chị mới có cơ hội để chăm nom, báo hiếu cha mẹ.

Trong nhịp sống gấp gáp của xã hội, không phải gia đình nào cũng may mắn có được con cái hiếu thuận như nhà ông Cảnh, bà Mai. Có vào viện, mới thấy được không ít bi hài từ chuyện “phân công” nhau chăm sóc người bệnh. Ông cụ hơn tám mươi tuổi đột quỵ, cụ có 5 người con ở phố cổ Hà Nội, các con làm nghề buôn bán cứ rành mạch chia nhau mỗi người vài tiếng trong ngày phải chăm sóc bố. Anh nào đến lượt mình cũng thở ngắn than dài, sao thằng kia, con kia đến giờ “thay ca” mà nó chưa đến.

Có anh ngoài 50 tuổi, cứ nằm nhắn tin cho bạn rồi chửi bố già lem lẻm, vì cứ anh này đến thì ông cụ bĩnh ra quần thối inh. Có lần, anh con trưởng quý hóa không dọn rửa mà cứ đắp nylon lên mông bố, ủ phân và nước tiểu ở bụng dưới bố mà... chờ em gái sắp đến phiên. Cô em gái tức lắm, bèn chửi anh và chửi bố. Kết cục là họ đánh nhau tại Bệnh viện Bạch Mai, anh trưởng đấm chảy máu mắt cô út, cô út chửi váng cả mấy dãy nhà. Cán bộ, y tá can ngăn không được, phải nhấc máy gọi Cảnh sát 113.

Có gia đình không chỉ gặp rắc rối trong việc phân chia thời gian chăm sóc người bệnh, mà còn khúc mắc nhau về chuyện tài chính. Người này đóng góp nhiều, người kia góp ít hay có người hoàn cảnh khó khăn không đóng góp được cũng khiến anh chị em mếch lòng nhau.

Bà cụ Tứ (Nam Định) có ba con dâu, bình thường, cô nào cũng gần gũi, nịnh nọt mẹ chồng ra mặt. Nhưng từ khi bà bị tai biến, các cô ngấm ngầm bàn với chồng cho cụ ở luân phiên, mỗi nhà một tháng. Có cô dâu thứ hai, hễ sắp tới phiên của mình lại kiếm cớ lên thành phố chơi với con trai, bế cháu… Khi thì nhờ dâu cả chăm thêm dăm bữa, lúc lại phiền dâu út nửa tháng.

 Nếu như tình huống bất đắc dĩ, sẽ chẳng ai nói gì, nhưng chuyện này xảy ra không dưới ba lần khiến chị em dâu mất lòng tin ở nhau. Bà hai vẫn lên thành phố mỗi khi sắp tới phiên mình, nhưng hai chị em kia nhất định không giúp đỡ, chỉ tội anh con trai, ngày đi làm hai buổi, trưa – tối về chăm mẹ, chẳng nề hà thay bỉm, rửa chân. Tuy vậy, tình nghĩa vợ chồng giữa anh và vợ chẳng thể như xưa.

Nhiều nhân viên văn phòng, người buôn bán đã lâm vào tình trạng rối loạn, căng thẳng khi trong nhà có người bị bệnh phải nằm viện dài ngày, hoặc cha mẹ lớn tuổi. Cùng với nhịp điệu tất bật của công việc, cuộc sống, tại các thành phố lớn, nhu cầu thuê người nuôi bệnh, chăm sóc người già ngày càng tăng. Có người cần thuê ngắn hạn để nuôi bệnh trong vài giờ mỗi ngày để tranh thủ ghé cơ quan họp hoặc giải quyết công việc cho nhanh, có người cần thuê nuôi bệnh ban đêm để bản thân họ dưỡng sức cho hôm sau đi làm.

Dù không muốn, nhưng chuyện ốm đau có thể đến với bất kỳ ai, bất cứ lúc nào, gây xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu trong nhà có người bị bệnh, những người thân không khéo sắp xếp cả về vật chất, phân chia việc trông nom hay động viên tinh thần kịp thời sẽ khiến mọi chuyện “rối như canh hẹ”…

Rõ ràng, đây là một dịch vụ cần thiết, nhưng nhiều người đã “lợi dụng” nó, dùng đồng tiền để trút hoàn toàn vai trò, trách nhiệm của người làm con cho người lạ. Có những người do con cái đi làm xa, đưa bố mẹ vào bệnh viện, thuê người chăm sóc, trông nom, rồi nhiều khi cả năm mới có dịp ghé thăm một lần. Có người con cháu đông đúc, thành đạt, nhưng vì bận rộn với công việc, thi thoảng con cháu mới ghé vào bệnh viện thăm... khiến người bệnh không khỏi chạnh lòng.

Gia đình chị Thủy cuối cùng cũng phải lựa chọn giải pháp thuê người chăm ông về đêm. Bởi bà sức yếu, chỉ ở với ông được vào ban ngày, còn các con thì vừa phải lo công việc, con cái, vừa phải thức đêm bải hoải. Quả thực, lúc đầu các con đều cảm thấy áy náy, họ cũng phải chuẩn bị tinh thần cho ông bằng cách: Lúc đầu chỉ để người ta chăm ông từ buổi chiều đến 9h tối, để ông không bị “sốc”. Dần dà, khi ông đã quen với việc có người lạ giúp, họ mới để cho người ta trông qua đêm.

Tuy vậy, ngày nào con cái cũng ghé qua thăm bố, khiến ông rất thoải mái, “nếu con cái trông, nhiều khi mình muốn việc gì thường không dám gọi, để nó chợp mắt một chút. Từ khi có người trông nom chuyên nghiệp, tôi thấy “tự tin” hẳn, cũng đỡ phiền các con”, ông Cảnh tâm sự.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.