| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch của những nông dân Vĩnh Thịnh mất đất bởi các dự án của FLC

Thứ Ba 30/05/2017 , 09:32 (GMT+7)

Trong khi xuất hiện những diễn biến khó hiểu về giai đoạn 2 của dự án Quần thể du lịch sinh thái cao cấp FLC Vĩnh Thịnh - An Tường sau lễ khởi công hoành tráng vào đêm 6/3/2016 thì những nhức nhối, hệ lụy, bi kịch của giai đoạn 1 dự án này vẫn đang phơi bày.

Nông dân mất đất tiếp tục tố cáo bố đẻ ông Trịnh Văn Quyết

Trước khi trở lại Vĩnh Tường chúng tôi có buổi làm việc với ông Lỗ Văn Tước - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT Vĩnh Phúc). Điều lấy làm lạ là ngay cả người đứng đầu cơ quan quản lý đất đai của tỉnh này cũng tỏ ra khá mơ hồ về dự án của FLC, hoặc ông chỉ nắm thông tin chung chung đã được tô vẽ? Ông Tước khẳng định: Giai đoạn 1 của dự án FLC thu hồi 7,08ha đã hoàn chỉnh hết rồi. Còn giai đoạn 2 có hơn 241ha hình như đã được Thủ tướng giao cho 2 Bộ kiểm tra cụ thể. Tôi cũng chỉ biết đến thế thôi.

15-14-45_nh-flc1
Dự án FLC Vĩnh Thịnh giai đoạn 1

Có lẽ ông Tước sẽ không dám khẳng định thế nếu gặp những người nông dân mất đất đang ngày ngày đội đơn gõ cửa khắp các cơ quan trung ương, thậm chí là ra tòa để tố cáo ông Trịnh Hồng Quý - bố đẻ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Gương mặt khắc khổ, vì mất đất, vì thất nghiệp và vì đấu tranh với FLC để đòi quyền lợi, bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh hỏi tôi: Ai sẽ cứu nông dân mất đất khi họ tìm đủ mọi cách để lấy đi nguồn sống từ bao đời nay của bà con?

Năm 2008, bà Huệ và nhiều người dân trong xã Vĩnh Thịnh là những chủ ruộng đã cho ông Trịnh Hồng Quý thuê gom đất ruộng để thực hiện dự án trồng trọt và chăn nuôi có thời hạn.

Cụ thể, bố ông Trịnh Văn Quyết là Giám đốc Cty CP Trang trại Nông sản Quý Giáp đã xin đầu tư dự án chăn nuôi lợn tại xã Vĩnh Thịnh với diện tích 4,2ha và thuê của người dân khoảng 3,1ha với thỏa thuận đến hết tháng 12/2013 sẽ trả lại. Đến năm 2009, ông Quý đã chuyển nhượng số diện tích trên cho Cty CP FLC Travel do ông Trịnh Văn Quyết làm giám đốc và ông Quyết đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích trên thành “Dự án Khu tổng hợp nghỉ dưỡng và thể thao giải trí công cộng đa chức năng FLC Vĩnh Thịnh Resort” với tổng mức đầu tư là 192 tỷ đồng.

Ruộng của dân biến thành trại lợn rồi lại biến thành khu phức hợp như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, bể bơi, sân thể thao…khi mà những người nông dân chân lấm tay bùn như bà Huệ không hề hay biết.

Nhà bà cho ông Quý thuê 402m2 ruộng ở xứ đồng Rệch Cầu, thôn An Lão, vốn là sinh kế của 4 con người trong gia đình. Trong đơn kiện, bà viết đại ý: Đầu năm 2014 bà đến nhà ông Quý đòi lại thửa ruộng cho thuê thì ông Quý nói đến Cty FLC Travel mà đòi, nhưng khi bà đến đây thì Cty này không trả. Bà kiện ra tòa. Quá trình tòa đang giải quyết thì UBND huyện Vĩnh Tường ra thông báo thu hồi đất kèm theo kiểm đếm bắt buộc. Lúc ấy, ruộng nhà bà đã là nhà 2 tầng, trồng cây xanh, dựng cột đèn điện…

Vụ việc sau đó đã được đưa ra tòa. Có điều, tại các phiên xử, người được ông Trịnh Hồng Quý (bị đơn) ủy quyền đã trình bày: Sau khi hết hạn thuê ông Quý phải có trách nhiệm trả lại ruộng cho bà Huệ hay không ông Quý không nhớ nữa.

Vài ba phiên xử đều chung kết quả như thế, bà Huệ đội đơn cầu cứu khắp nơi để đòi đất. Chính quyền, đoàn thể từng tổ đến nhà vận động bà dừng lại nhưng bà không chịu. Một lẽ, ruộng là sinh kế đã đành, nhưng đau đớn hơn nữa là cảm giác bị người ta lừa gạt. Kể cả việc ông chồng Đỗ Gia Khanh lái xe cho một đơn vị trên địa bàn huyện Vĩnh Tường bị đe “về dạy bảo vợ đi không thì mất việc” cũng không thể khiến bà bỏ cuộc. Nhưng đắng cay ở chỗ, khi những sai phạm của FLC giai đoạn 1 liên tục được phơi bày thì đấu tranh của nông dân mất đất vẫn cứ vô vọng. Ngay thời điểm đất đai vẫn còn mập mờ, năm 2013 FLC đã tự ý san nền và lấp 4 cống mương tưới tiêu của xã, dẫn đến hàng chục ha đất lúa của bà con không có đường tiêu thoát. Vụ việc khiến UBND huyện Vĩnh Tường phải có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh như sau: “Quá trình Cty cổ phần FLC Travel (Tập đoàn FLC) triển khai thực hiện dự án từ năm 2009 đến nay đã vi phạm các thủ tục gồm: Trình tự, thủ tục đầu tư dự án; chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; chuyển mục đích sử dụng đất; cho thuê đất; giao đất…”.

15-14-45_nh-flc3
Nông dân mất đất tố cáo ông Trịnh Hồng Quý

Với những sai phạm rõ ràng như thế, đã có lúc người dân kỳ vọng, theo quy định, các sở, ngành phải báo cáo đề xuất với UBND tỉnh quyết định rút giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt thực hiện dự án của FLC. Nhưng không! Ngày 20/1/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định 164/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án này. Câu trả lời cho nông dân mất đất quả rất đanh thép.
 

Chủ tịch xã Vĩnh Thịnh: Phản đối của người dân là có cơ sở

Khác với cách trả lời chung chung về các dự án của FLC của ông Lỗ Văn Tước, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh thẳng thắn: Giai đoạn 1 của dự án vẫn còn những người dân mất đất chưa nhận tiền bồi thường. Còn giai đoạn 2, mặc dù FLC đã rút ra nhưng chả biết nói thế nào vì dân không tin nữa.

Sở dĩ chúng tôi có buổi làm việc với UBND xã Vĩnh Thịnh là bởi đây chính là xã đầu tiên thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án Giai đoạn 1 dự án Quần thể du lịch sinh thái cao cấp Vĩnh Thịnh - An Tường.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh - ông Đặng Văn Thành

Hợp phần đầu tiên được xây dựng là Trung tâm văn hóa hội nghị quốc tế với diện tích 9,93ha từng được Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc đề xuất cấp quyết định chủ trương đầu tư cho FLC nhưng bị phản đối.

Văn bản ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: UBND huyện Vĩnh Tường có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tiếp tục khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo hoàn thiện ngay các trình tự thủ tục và tổ chức bồi thường, GPMB khu Trung tâm văn hóa hội nghị Quốc tế Vĩnh Thịnh - An Tường theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo hoàn thành trước ngày 15/1/2017 để bàn giao cho Ban GPMB và Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, tổ chức đấu giá OSD thuê đất theo quy định.

Đã quá gần 5 tháng so với thời hạn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng huyện Vĩnh Tường, xã Vĩnh Thịnh vẫn đang bế tắc.

Trách nhiệm của huyện và xã là thu hồi 9,93ha. Trong đó phần đất 5% của xã khoảng hơn 2ha thì dễ. 30 hộ đảng viên chấp hành nữa được tổng hơn 4ha. Còn lại là đất của dân tại 7 thôn. Theo kế hoạch GPMB, huyện và xã tổ chức tuyên truyền đến từng chi bộ, họp từng đoàn thể rồi mới tổ chức họp dân, tuy nhiên mới chỉ đến khâu họp đoàn thể dân đã không đồng thuận. Mới đây thử họp dân An Lão Xuôi mà biên bản kết luận dân họ đề nghị chuyển dự án đi nơi khác.

“Dân không đồng tình vì họ so sánh mức bồi thường không thể bằng dân sản xuất nông nghiệp. Thực tế cán bộ ủy ban xã đang bị làm khó. Mình là cán bộ thì phải chấp hành, ủng hộ dự án, tuyên truyền dự án nên anh em trong xã có đất phải nhận đền bù hết rồi, chỉ có dân phản đối”. Họ phản đối có cơ sở không? Tôi hỏi và ông Chủ tịch xã Vĩnh Thịnh khẳng định ngay: Có!

“Giải quyết an sinh xã hội là vấn đề lớn. Người chăn nuôi bò sữa ở địa phương đa số đều ở ngoài độ tuổi lao động. Xã Vĩnh Thịnh có 13 nghìn dân, đất thu hồi chủ yếu là đất lúa, đất trồng cỏ nuôi bò sữa. Tương lai dự án không biết thế nào chứ hiện tại người dân không đồng thuận cũng có lý của họ”, ông Thành nói.

Ông Trần Việt Cường - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cũng e ngại: Mình chia sẻ với người dân khi mà con bò sữa đang là cần câu cơm hàng ngày. Sợ nhất giao đất cho dự án rồi không có việc làm.

Theo ông Cường, mức giá đền bù mà Nghị quyết HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra khoảng 82 - 92 triệu đồng/sào và “nếu dự án có thêm khu vui chơi giải trí cho người dân thì tốt”.

"Dự án của FLC chỗ nào dân cũng phản đối"

“Chúng tôi theo dõi thông tin thấy các dự án của FLC khắp các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình...người dân phản đối nhiều. Cứ bảo là thu hút con em địa phương, chuyển đổi ngành nghề nhưng chỉ thấy ép dân lấy đất. Tỉnh ép xuống huyện, huyện ép xuống xã, xã ép xuống thôn. Chúng tôi thà xin nghỉ chứ không dám ủng hộ dự án. Dân họ tẩy chay ngay. Cả thôn này chỉ còn lại hơn 40ha ruộng. Dự án khoanh vào hết thì sống bằng gì?”, hai ông Bí thư Chi bộ và trưởng thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh trăn trở.

“Số phận” giai đoạn 2 dự án của FLC ra sao?

Tối 6/3/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn FLC tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 FLC Vĩnh Thịnh Resort, khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao “Giấy chứng nhận đầu tư” và ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cam kết sẽ bắt tay triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án, tập trung các nguồn lực để ngay trong năm 2017 sẽ đưa toàn bộ các hạng mục của dự án vào vận hành, đón chào du khách đến với quần thể này. 

Tháng 8/2016, tại Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vẫn ghi: Khu đô thị du lịch sinh thái cao cấp FLC Vĩnh Thịnh - An Tường là dự án lớn nhất trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ của tỉnh cho đến thời điểm hiện nay. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cao và quyết tâm lãnh đạo triển khai thành công dự án này.

Tháng 12/2016, trong một văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở KH-ĐT báo cáo đề nghị quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 dự án Quần thể du lịch sinh thái cao cấp Vĩnh Thịnh - An Tường.

Liệu Vĩnh Phúc đã rút “Giấy chứng nhận đầu tư” của FLC hay chưa và vì sao lại có sự thay đổi dự án? Rất mong các cơ quan chức năng được Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ làm rõ.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất