| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch những ngôi nhà hoang lạnh cùng hàng chục hecta nương ngô bỏ hoang

Thứ Năm 13/07/2017 , 14:20 (GMT+7)

Càng đâm đầu vào làm nương rẫy thì càng nợ nhiều. Nợ tháng này qua tháng khác, nợ năm nọ vắt sang năm kia. Lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con lại sinh lãi cháu...

Phép tính nhanh đau đớn

Mới 3 giờ sáng đứa con dâu nhà ông Mùa A Chua - Trưởng bản Pu Nhi (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đã lục tục dậy, rồn rột vét chảo cám, xoàn xoạt thái rau lợn. Bếp lửa ướt khói um nhà một lúc mới chịu cháy hắt bóng người chập chờn mờ tỏ trên vách. Người Mông nhất là phụ nữ suốt ngày quần quật làm từ lúc trời còn chưa sáng đến khi tối mịt cũng không chịu ngơi tay.

14-42-28_dsc_8862
Một kho ngô bị bỏ hoang

Một lúc sau, nồi ngô luộc bắt đầu sôi lục bục tỏa ra mùi thơm nhẹ như hương cốm mới. Ông trưởng bản lấy ra mấy bắp tẽ vài hạt đặt trước bàn thờ rồi lầm rầm cúng để tỏ lòng hiếu thảo đối với bố mẹ rồi lại tẽ vài hạt vãi ra ngoài hiên mời ma rừng, ma núi, ma suối để tỏ lòng thành kính.

Vụ ngô mới nào người chủ gia đình cũng phải cúng như thế rồi mới được ăn dù là được mùa hay mất mùa, dù là bán giá cao hay đang nguy khốn vì giá hạ. Tuy nhiên sự gắn kết với đất của ông Chua đã phai nhạt đi rất nhiều. Những nông dân từng yêu đất đai như máu thịt, người thân trong gia đình, từng chiều chuộng đất tới mức xuống đại lý mua phân bón có người còn…nếm thử xem phân tốt hay phân xấu thì giờ đây ruồng bỏ, xa lánh, coi nó như một thứ tội đồ.

Chị Lò Thị Diêng - Chủ tịch xã Phiêng Ban thống kê nhanh với tôi rằng mọi năm dân trong xã trồng 700 ha ngô nhưng năm nay chỉ 200 ha, ngoài phần chuyển đổi sang các đối tượng cây trồng khác thì có khoảng 200 ha là bỏ hoang: “Trồng ngô đầu tư lớn mà giá bán lại thấp nên không có lãi thậm chí là lỗ khiến cho nhiều người phải bỏ đi biệt xứ để sinh nhai”.

Chẳng thế mà buổi UBND xã tổ chức trao quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho dân, không mấy ai cười mà phần đa đều không giấu nổi sự lo lắng đang hiển hiện ra trên mặt. Họ làm một phép tính nhanh với tôi để thấy thực trạng của những người đang đứng chấp chới trên bờ vực thẳm: Trước đây khi đất đai còn màu mỡ năng suất ngô đạt 5-7 tấn/ha với giá ngô 6.000đ/kg tính ra mỗi vụ thu nhập được 30-40 triệu/ha, lãi khoảng 20 triệu/ha. Nay màu mỡ đã bị bóc gần hết, năng suất ngô nhiều chỗ tụt xuống chỉ còn 3-4 tấn/ha, với giá bán hơn 4.000đ/kg, tính ra mỗi vụ thu hoạch 12-16 triệu, không đủ chi phí vật tư, công sức bỏ ra. Trong khi đó, người trồng ngô phần đa là hộ nghèo, phải mua chịu, mua nợ của các chủ đầu tư giống, phân bón với lãi suất cao, đầu vụ cắm, cuối vụ trả.

Càng đâm đầu vào làm nương rẫy thì càng nợ nhiều. Nợ tháng này qua tháng khác, nợ năm nọ vắt sang năm kia. Lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con lại sinh lãi cháu, cứ thế mà sinh sôi, nảy nở với mức trung bình 2-3%/ tháng, tương đương 24-36%/năm.

14-42-28_dsc_8872
Chăn bò nơi nương hoang

Anh Đinh Văn Khúc - Trưởng công an xã Phiêng Ban cho tôi chỉ từ năm 2014 đến nay đã có 6 vụ tự tử xảy ra trên địa bàn. Đó là chưa kể vụ mới nhất xảy ra vào tháng 3 năm 2017, khi Giàng Thị Mảy ở bản Suối Ún uống thuốc trừ cỏ nhưng được gia đình phát hiện sớm, đưa đi viện cấp cứu, sau khi mất cả con bò tiền thuốc mới thoát khỏi cửa mả. Không biết có vụ tự tử nào vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn không hay chỉ đơn thuần là mâu thuẫn gia đình rồi tính tự ái quá cao của đồng bào?
 

“Phiên chợ” bò chết ở trên mây

Bản Pu Nhi có 55 gia đình người Mông thì 45 hộ thuộc diện nghèo. Nghèo nhưng lại bỏ hoang đất đai, đó quả là một nghịch lý đang có thật ở đây. Trưởng bản Chua tạm thống kê, diện tích nương ngô bỏ hoang vụ này của địa phương mình vào khoảng trên 10 ha, nằm rải rác khắp các triền đồi, triền núi.

Nhiều nhà chỉ làm nương tốt, nương gần còn bỏ nương xấu, nương xa thậm chí 3 hộ là Mùa A Sái, Mùa A Danh, Mùa A Vừ còn bỏ trắng hoàn toàn không còn gieo trồng gì nữa để lang bạt kỳ hồ. 2 hộ mang con đi theo còn 1 hộ để con lại cho ông bà chăm sóc.

Buổi sáng ở Pu Nhi thường nhiều mây. Mây ngùn ngụt phụt ra từ chõ xôi khổng lồ của trời dìm thôn bản vào trong bồng lai tiên cảnh để rồi khi mặt trời ló rạng, mây dạt đi, chợt lộ ra nhiều ngôi nhà có vách được dựng bằng hàng trăm vỏ chai thuốc sâu, thuốc cỏ. Gần đó là những đám nương, mới phun thuốc thì cỏ ngả màu vàng như da người ung thư gan giai đoạn cuối, phun đã lâu thì cỏ xám đen, co quắp lại như những miếng thịt trâu chết bốc mùi.

Trên con đường gập ghềnh, trơn tượt vì mới đổ mưa, ông Chua dẫn tôi đi một vòng của bản. Ngôi nhà Mùa A Sáy bỏ hoang đã lâu, cỏ trong sân mọc lút cao ngang với cỏ trên đồi. Một con gà trống đang mải mê kiếm ăn, thoắt thấy bóng người nó bỗng nhảy tót đi, sợ hãi như gà rừng giáp mặt với súng săn.

14-42-28_dsc_8859
Ngôi nhà bỏ hoang của Mùa A Sáy

Trên cánh cửa hoang lạnh và mốc meo của nhà Sáy tôi thấy có viết nguệch ngoạc một dãy số dài bằng than đen. Áng chừng đó là số điện thoại của chủ nhà, phòng khi ai có việc khẩn kíp cần liên lạc thì gọi. Nét chữ còn đây nhưng dáng người đã ở tận phương trời xa thẳm nào đó, đang đi làm phu hồ hay trồng ngô chăn bò cho các ông chủ lạ mặt.

Một ngôi nhà hoang khác khi tôi đến đã bắt đầu xuống cấp thấy rõ, cột kèo mục ruỗng còn mái ngói fibroximăng đã nứt tứ tung. Ngó vào bên trong nền nhà bằng đất đầy hang dế, hang chuột, tường chăng kín mạng nhện. Hết xem nhà hoang, ông Chua lại dẫn tôi xem các nương hoang. Những vạt đồi, triền núi ngày nào còn óng mượt một màu ngô xanh nay cỏ sim, cỏ mua mọc bời bời, chỉ dùng để làm bãi chăn thả. Đoạn đầu bản Pu Nhi trên nền trời in hằn một cái kho ngô bỏ hoang chỉ trơ lại gọng khung trông giống như một bộ xương cá voi đang mắc cạn.

Mùa A Dềnh con ông Mùa A Cháng - Bí thư Chi bộ bản cũng thôi không còn trồng ngô mà bỏ nhà, bỏ nương, gửi con lại cho ông bà nuôi để đi Quảng Ninh làm thuê, làm mướn đã 3 tháng nay. Lúc gặp tôi ông Cháng đang xách một túi cá khô mặn đi tiếp tế cho vợ và đứa cháu gái 6 tuổi con của Dềnh chăn bò ngoài lều nương. Ông bảo lúc đầu thỉnh thoảng nó cũng nhớ, cũng hỏi bố mẹ cháu đi đâu mà lâu về thế nhưng rồi trẻ con rất chóng quên nên gần đây không hỏi gì mà chỉ lầm lũi chăn bò sớm tối.

Dọc đường đi, tôi thấy một đám người đang xúm đông xúm đỏ bên mấy cái bao tải căng phồng, nhuốm màu máu. Thì ra con bò mẹ của Mùa A Tam mới bị chết. Chẳng hiểu chết do ngộ độc thuốc trừ cỏ hay do nuốt phải một mảnh nylon to nhưng những gì còn lại của nó giờ chỉ còn toàn là da với xương.

14-42-28_dsc_8877
Mua lòng bò chết ngay trên đỉnh núi

Con bò chết trở thành cơn cớ để mở ra một “phiên chợ” ngay ở trên mây với người mua là Mùa A Lầu - cán bộ địa chính xã, Mùa A Cháng - Bí thư bản Pu Nhi, Mùa A Chua - Trưởng bản Pu Nhi. Giá bán lòng bò chết rất rẻ, chỉ 50.000đ/kg nên ai nấy đều xăm xới cầm dao tự xắn cho mình những miếng ngon nhất, xỏ vào một cái lạt, chùi qua máu dính bê bết trên tay vào vạt cỏ ven đường rồi hớn hở xách về. Trưa nay kiểu gì chẳng có những cuộc rượu ngô say đến quên cả trời, quên cả đất?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất