| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch từ sân golf vùng lũ

Thứ Tư 05/10/2011 , 10:09 (GMT+7)

Với người dân vùng lũ Tân Lập 1, sự vất vả, mệt mỏi bởi thiên tai so ra chẳng thấm gì với "nhân tai" có tên sân golf nghìn tỷ.

* Sân golf ngàn tỷ làm ngàn hộ nông dân khốn khổ

ĐBSCL nói chung và khu vực Đồng Tháp Mười nói riêng đang phải gồng mình chống chọi với lũ. Tuy nhiên, với người dân vùng lũ Tân Lập 1 (Tân Phước,Tiền Giang), sự vất vả, mệt mỏi bởi thiên tai so ra chẳng thấm gì với những khốn khổ  mà họ đang phải gánh chịu bởi "nhân tai" có tên sân golf nghìn tỷ.

Khu vực vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) bị lũ lụt đe dọa hàng năm. Tuy nhiên, dường như sợ vùng đất ngập lũ thiệt thòi, một nhà đầu tư đã mạnh dạn đến xin đặt sân gôn ở đây. Sân gôn được qui hoạch với tổng diện tích 270 ha, nằm trên khu vực chuyên rồng khóm (dứa) nổi tiếng của vùng đất Tây Nam bộ - địa bàn xã Tân Lập 1 (Tân Phước,Tiền Giang). Dự án được phê duyệt từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư lên tới 1.280 tỷ đồng.

Những ngày này, bên cạnh việc phải dầm nước hộ đê, phòng chống lũ lụt như hàng ngàn hàng vạn nông dân khác ở ĐBSCL thì hàng chục hộ dân ở Tân Lập 1 còn vất vả làm một việc khác, đó là viết đơn gửi lên các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang. Trong đơn của các ông Nguyễn Văn Hậu, Trần Văn Thanh, Đoàn Văn Tâm, Hoàng Kim Vũ...gửi đi  ngày 30/9, họ yêu cầu tỉnh Tiền Giang giải quyết sớm 3 vấn đề:

Một là, UBND xã Tân Lập 1 đã tiến hành họp dân công bố chủ trương của tỉnh và huyện năm 2009, 2010 là thu hồi đất trồng khóm để làm sân golf nhưng đã hơn 2 năm qua mà chủ đầu tư ở đâu không chịu đến triển khai?

Hai là, trước tình hình mưa lũ diễn biến bất thường, việc vỡ đê xảy ra liên tục ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp như hiện nay, liệu trước đây nhà đầu tư và chính quyền địa phương khi qui hoạch có tính đến khả năng “ông trời” sẽ làm vỡ đê ở vùng Đồng Tháp Mười hay không?

Ba là, theo thông báo của chính quyền địa phương, chủ đầu tư xây dựng sân golf 36 lỗ và khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp rộng 270 ha với vốn đầu tư khoảng 1.280 tỉ đồng được tính vào thời điểm tháng 7/2009, lúc đó giá vàng có 25- 26 triệu/lượng, bây giờ giá vàng lên tới 45 triệu, tức vốn đầu tư sẽ lên gần 2.000 tỷ đồng. Liệu nhà đầu tư có đủ năng lực không? Nếu không thực hiện, cứ kéo dài thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại kinh tế của tình trạng hàng trăm ha đất trồng khóm bị bỏ hoang hóa thời gian qua? 

Tan hoang một vùng khóm vì sân golf “sống chung với lũ”

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập 1 cho chúng tôi biết, Đồng Tháp Mười là vùng đặc trưng sinh thái ngập phèn chỉ trồng khóm là có hiệu quả, mỗi ô khoảng 400-500 ha đều có đê bao cao ngập đầu để chống lũ. Cứ mỗi ô lại “chốt” một trạm bơm điện có 2-4 máy bơm công suất khoảng 30KWh làm nhiệm vụ bơm tát nước ra, bởi nếu không bơm thì đất ngập lút hết, không thể SX được. Tại vùng dự án sân golf, cách đây 2 năm cũng có trạm bơm nhưng sau khi có quy hoạch thì người dân chờ đợi tiền đền bù khiến phần lớn đất bỏ hoang, nông dân không có tiền đóng cho trạm bơm, từ đó trạm bơm tê liệt.

Chúng tôi đến vùng dự án trong thời điểm mưa lũ mới thấy thông tin của ông Chủ tịch Hội Nông dân là đúng. Do thời gian qua không được bơm tát thường xuyên nên vùng này đã bị ngập nước cục bộ, các loại cây cỏ hoang dại có mặt ở vùng Đồng Tháp Mười như năng, cây mua, choại, bòng bong.. tha hồ mọc.

Ông Trần Văn Thanh, nhà ở ấp 5 có 1,5 ha đất trồng khóm, 2 năm qua bỏ hoang vì “dính” quy hoạch sân golf cho biết: “Sau khi có qui hoạch thì vùng này lúc nào cũng bị ngập nước từ 3-4 tấc trở lên do không ai điều hành bơm tát nước. Vừa rồi, ấp có vận động mỗi hộ đóng 300 ngàn/ha để bơm nước chống lũ, nhưng 2 năm rồi tui không SX nên làm gì có tiền mà đóng!”. Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân tại ấp 5, họ đồng loạt bỏ hoang đất canh tác để chờ đền bù. 

Được biết, nhiều hộ thấy xót xa vì đất bỏ hoang, cũng định canh tác trở lại. Nhưng do khả năng bị thu hồi bất thình lình là hoàn toàn có thể xảy ra, và lúc đó số tiền đầu tư, công chăm bón không hề nhỏ (đầu tư 1 ha khóm mất khoảng 30 triệu đồng) sẽ mất trắng nên hầu hết nhà nông đã chùn tay. Cũng có một số người liều, chấp nhận "đánh bạc" đầu tư trồng tiếp thì gặp hàng loạt trở ngại, đó là không những bị "ở trên" có ý kiến chỉ đạo ngân hàng không cho vay vốn đầu tư trồng mới mà còn bị cắt nguồn nước tưới với lý do “đất trong quy hoạch”. Thiếu nước, cây khóm chết khô, nông dân đành cay đắng bỏ nghề.

 Bảng treo qui hoạch sân golf đã bạc màu

Một dự án nghìn tỷ, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngàn nông dân và hàng trăm đất nông nghiệp nhưng đến nay “tịt ngòi” bởi lý do giản đơn là công ty gặp...rắc rối. Còn rắc rối gì, rắc rối như thế nào thì không ai biết. Việc sân gôn có tiếp tục được thực hiện hay không thì từ chính quyền đến cơ quan chức năng quản lý cũng chẳng ai hay. Vì thế nên, những người dân kém may mắn bị rơi vào "quy hoạch" sẽ còn tiếp tục phải chịu trận dài dài.

“Tui về đây khai hoang lập nghiệp từ năm 1997, trước đây gia đình thu hoạch khoảng 55 tấn khóm/năm, lợi tức trên 160 triệu đồng, nhưng nay thì không có đồng nào để sống. Bây giờ chính quyền nói dân chống lũ, lẽ ra ông dự án phải xuống đây chống lũ trước?”- ông Đoàn Văn Tâm bực tức nói.

Điều đáng nói, kể từ thời điểm được phê duyệt đến nay, dự án hoàn toàn nằm trên giấy. Hình ảnh nhận biết duy nhất của dự án là tấm bảng công bố quy hoạch nằm ở ấp 5 đã bạc màu qua thời gian, trong đó ghi rõ chủ dự án tên là Công ty TNHH MTV Genuwin D&C Tiền Giang. Thế nhưng, khi chúng tôi liên hệ với Sở KH-ĐT tỉnh Tiền Giang để hỏi thăm về trụ sở công ty thì không ai biết và chỉ nói: “Nghe đâu công ty mẹ của “nó” ở quận Tân Bình, TPHCM”.

Chúng tôi tiếp tục dò hỏi, sau đó bất ngờ tìm đúng địa chỉ của chủ đầu tư sân golf “ngàn tỷ đồng” thì đó là một căn phòng nằm ở lầu 4, thuộc tòa nhà Etown 1 (364 Cộng Hòa, P13, Q. Tân Bình) của Cty TNHH Quản lý và Khai thác bất động sản (REE) được chủ đầu tư thuê làm “trụ sở”. Một nữ nhân viên đại diện Cty cho biết, Cty Genuwin D&C có 100% vốn Hàn Quốc, mới thành lập năm 2006 và chủ yếu hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên “hiện nay công ty đang gặp rắc rối nên không thể tiết lộ gì hơn” (!?).

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.