| Hotline: 0983.970.780

Bí kíp của giới "đồ tể"

Thứ Ba 02/08/2011 , 08:58 (GMT+7)

Trong quá trình thâm nhập vào các lò mổ gia súc, chúng tôi còn nghe được những chiêu thức bảo quản thực phẩm rợn tóc gáy như dùng hóa chất "ướp xác" để ướp cho thịt không bị mất màu lại tươi lâu hàng tráng trời. Loại hóa chất này độc đến mức, nếu phụ nữ tiếp xúc sâu có thể hư thai, tiệt đường sinh đẻ. Vậy thực hư những thông tin này như thế nào?

Bên cạnh công nghệ giết mổ, pha chế thực phẩm bẩn, trong quá trình  thâm nhập vào các lò mổ gia súc, chúng tôi còn nghe được những chiêu thức bảo quản thực phẩm rợn tóc gáy như dùng hóa chất "ướp xác" để ướp cho thịt không bị mất màu lại tươi lâu hàng tráng trời. Loại hóa chất này độc đến mức, nếu phụ nữ tiếp xúc sâu có thể hư thai, tiệt đường sinh đẻ. Vậy thực hư những thông tin này như thế nào? PV chúng tôi đã dày công thực tế và bước đầu tiếp cận được quy trình công nghệ từ giết mổ đến bảo quản đó. 

“Công nghệ” thúc cân và hãm tiết canh bằng nước tiểu, phân đạm  

Thực tế tại các lò giết mổ, không chỉ hãi hùng bởi "công nghệ" tăng trọng mà chúng tôi còn được chứng kiến một "không gian" giết mổ cực kì mất vệ sinh và những công nghệ chế biến sau mổ ngoài sức tưởng tượng. 

Từ bơm thẳng vào dạ dày 

Để làm rõ hơn về “công nghệ” tăng trọng lượng gia súc, gia cầm hãi hùng này, PV NNVN đã tìm đến  một số điểm giết mổ trên địa bàn huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa. Theo phản ánh của người dân thì đa số các lò mổ ở đây đều dùng các biện pháp bơm nước vào trâu bò để tăng trọng lượng kiếm lời bất chính.

Trong vai người đi "học nghề", tôi được một số thương lái hướng dẫn dắt rất nhiệt tình. Anh Nguyễn V. T (người có thâm niên gần 20 năm trong nghề giết mổ tại chợ Đà, huyện Triệu Sơn- Thanh Hóa) tiết lộ: “Không phải dễ mà họ chỉ "bí kíp" cho mình. Khi vào lò mổ, phải quan sát xem họ làm thế nào rồi về nhà học tập làm theo, một lần không được thì hai lần rồi dần nó sẽ quen'". Cũng theo T, cái khó trong khâu đầu tiên- làm tăng trọng lượng là làm sao phải bơm được nhiều nước vào thịt. Bơm được rồi phải giữ thịt như thế nào mà không bị chảy nước ra ngoài, miếng thịt lúc mang đi bán phải còn tươi nguyên. "Đây là điều không đơn giản chút nào” - T khẳng định.

Bơm thẳng nước vào động mạch bò

Xâm nhập vào lò mổ nhà anh Kh ngay thị trấn Triệu Sơn, chúng tôi được biết lò mổ này ngày nào cũng giết cả chục con trâu, bò. Vừa bước vào cổng,  chúng tôi đã chứng kiến các xe thu gom thịt từ nhiều nơi đổ về đang chờ sẵn để nhập mang thịt đi tiêu thụ. Bên trong khu giết mổ, các đồ tể đang lăm lăm giao thớt để chuẩn bị hành sát những con trâu đang căng tròn bụng vì bơm nước. Còn ông Kh, không hiểu có phải đợt này đắt khách vì thịt hiếm, giá cao hay không mà trông ông rất phởn chí, ung dung nhàn nhã ngồi thưởng trà.

Theo quan sát của chúng tôi, tại hiện trường có đến 12 con trâu đang được treo cổ ngược lên, các dây ti ô bằng cao su vẫn đang còn vắt vẻo trên cổ. Con nào con nấy bụng căng phềnh, thở phì phò sùi cả bọt mép. Tôi rỉ tai một đồ tể hỏi nhỏ: “Bơm bằng cách nào mà các con trâu ở đây no tròn như vây?”. Gã này thực thà trả lời: "Bơm chuyền phải cả chục tiếng đồng hồ rồi  mới đẫy được như vậy". "Chú chưa vào nghề nên chưa biết, tiếp nước là phải kiên trì, có như vậy thì thịt mới tươi và cũng nặng cân, lúc mổ ra thì tiêu hao không đáng kể!”- gã đồ tể hướng dẫn thêm.

Tìm hiểu thêm về kỹ thuật "tiếp nước" cho trâu bò, tôi đã lọ mọ đến bên Lê Văn H. một người chuyên lãnh nhiệm vụ thực thi công đoạn này, H tận tình chỉ bảo: Muốn bơm được nhiều nước vào trâu, bò thì phải chuẩn bị bơm trước lúc làm thịt 7 đến 10 tiếng đồng hồ. Có hai cách để bơm nước, một là bơm trực tiếp vào động mạch, hai là  lấy dây ti ô truyền qua đường cuống họng. Muốn truyền nước vào trâu bò, đầu tiên phải treo ngược con vật lên lên, dùng một khúc cây khá lớn chặn ngang miệng khiến con trâu không thể ngậm hai hàm lại được. Sau đó một người khác lựa thế, dùng ống nước bằng cao su dài thọc một đầu sâu vào cuống họng, đến tận dạ dày, một đầu cắm vào can nhựa đựng nước treo trên cao.

Tiếp đó, chỉ cần dùng miệng thổi vào miệng can là nước tự chảy vào dạ dày con vật. Đến khi thấy nước ọc ra đến miệng trâu thì ngưng. Cùng theo H. mỗi lần bơm như vậy hết khoảng hơn 20 lít nước. Sau khi bơm xong phải ngâm chúng xuống ao để không bị thoát nước ra ngoài, đặc biệt đối với loại trâu hoặc bò già thì lò mổ nào cũng bơm rất nhiều nước, bởi loại này đã nuôi lâu năm, khi bơm nước sẽ ngấm vào từng thớ thịt và căng phồng lên. Màu sắc của miếng thịt cũng hồng hào nên dễ bán hơn. Được biết, mỗi con trâu, bò sau khi thực hiện công nghệ "tiếp nước" này, tùy trọng lượng và thể trạng mà mỗi còn tăng thêm  từ vài ba chục kg.

Đến chích nước vào thịt

Không chỉ bơm nước vào dạ dày, để thu lợi bất chính, các đối tượng giết mổ, buôn bán thực phẩm bẩn còn  có nhiều chiêu thức khác để tăng trọng lượng thịt.

Vòng quanh một số lò mổ chui tại các xã trong huyện Triệu Sơn, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dưới ánh đèn leo lét, từng tảng thịt đang được các “đao phủ” dùng những chiếc xilanh loại lớn chọc sâu vào thớ thịt, thúc nước đến căng phồng. Điều lạ là, người bơm cứ bơm, người mua cứ mua, tuyệt nhiên ở đây không hề có sự che đậy giấu diếm. “Bây giờ giá cả đắt đỏ, hàng hóa ngày càng khan hiếm, làm nghề gì ăn nghề đó, nghề này chỉ có thể kiếm ăn được bằng cách thu mua tận nơi thôi. Mua tận gốc giá mềm, thịt lại đẹp, mang về mình có thể bơm nước được nhiều hơn rồi mang đi nhập cho các cửa hàng nhỏ lẻ cũng kiếm được đồng ra đồng vào" - một tay chuyên đi nhập thịt cho các chợ cóc ở Triệu Sơn cho biết.

Tìm hiểu về khâu bơm nước trực tiếp vào thịt, chúng tôi được biết, cái tinh tế, kinh nghiệm trong khâu này là phải biết nhìn thớ thịt. Biết chỗ nào bơm vào thì nước ứ lại chứ không chảy thòng thõng ra ngoài nếu gặp thời tiết nắng nóng hoặc để quá lâu. Thậm chí, phải bơm vào chỗ nào để tránh khi pha lẻ thịt, nước không rỉ ra ngoài.  

Lòng, tiết trộn… phân

Trong ánh điện lờ mờ, người “đồ tể” cầm chiếc búa tạ vung cao đập thẳng vào đầu một con bò. Cả khối thịt đang giãy giụa đổ vật ra nền xi măng đen ngòm nhơ nhớp nước. Một “đao thủ” đã nhanh chóng thọc con dao vào cổ mà không cần biết bên cạnh đang có một bãi phân  bò vừa tuôn ra. Cùng lúc một người khác nhanh tay đưa cái chậu nhựa hứng những dòng tiết đầu tiên ồng ộc chảy. Chọc xong, người mổ còn thò ngay bàn tay còn dính phân vào chậu tiết khuấy đều cho tiết không bị đông, đủ tiêu chuẩn đánh tiết canh. Đủ số tiết cần thiết, đầu con vật bị thả xuống nền xi măng mặc tiết còn lại đang chảy lênh láng.  

Để có những bát tiết canh trông ngon lành, bắt mắt, không ít kẻ đã cho cả phân đạm, hàn the vào tiết

Cứ vậy, lò giết mổ trâu bò tại gia đình ông Kh ở thị trấn Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa hạ thủ khoảng hơn chục con trâu, bò mỗi đêm. Những động tác thuần thục của các “đồ tể” khiến cho công việc diễn ra rất nhanh chóng. Nhìn những xô tiết đỏ au, anh Lê Văn H. (một người bạn cũ, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề) cho biết: “Để tiết không bị đông thì phải lấy một ít phân đạm và một ít hàn the bỏ vào. Khi đó màu tiết sẽ đẹp và khi đánh tiết canh sẽ nhanh đông hơn, bát tiết sẽ có màu đỏ hồng tươi trông rất ngon”. Tôi hỏi cụ thể bỏ bao nhiêu là vừa? Anh H cho biết thêm: “Cứ khoảng 10 lít tiết thì phải bỏ khoảng 1 thìa phân đạm. Khi làm tiết canh, nên có thêm một tô nước đái trâu bò để kế bên, trước khi cho tiết vào cần nhúng từng chiếc bát nhỏ vào trong tô nước đái đó để giữ chân tiết, theo đó bát tiết đông lâu, ít vữa bong, chảy nước".

Thoáng chốc, cả con bò bị mổ phanh kéo tuột bộ lòng vứt xuống nền khu mổ. Để cho nhanh, nhiều “đồ tể” không ngại ngần dùng chân vẫn mang đôi ủng lấm lem phân do bùn đất đạp mạnh vào bụng để kéo tuột bộ lòng ra. Số tiết còn ứ trong bụng con bò vừa mổ, được người “đồ tể” dùng bát múc vào những chiếc xô, chậu bẩn thỉu đặt xếp hàng trước khu vực chế biến nội tạng. “Cái này không đánh tiết canh được mà lấy để bán tiết sống”- một phụ nữ đang làm lòng cho biết.

Tất cả phèo, phổi, nội tạng… đổ đống dưới nền xi măng lênh láng máu, nước và phân. Những người phụ trách công việc này cứ thoăn thoắt cắt xén rồi cho tất cả vào xô nước đã đặc quánh màu máu nổi bọt lềnh bềnh như bong bóng xà phòng rửa qua. Màu đỏ đặc trưng của máu lẫn với nước rửa chảy lênh láng và phân tuốt ra từ những đống lòng trên khắp mặt nền khu lò mổ này tất thảy đều được đẩy xuống hệ thống mương thoát nước chảy ra ngoài. 

Quan sát kỹ mới hay, quá trình giết mổ người ta rất ít dùng nước sạch, mặc dù có ống dẫn nước đến. Hỏi mấy người phụ nữ sơ chế lòng, họ cho biết: “Còn chỗ nào để xả nước. Người đông như vậy, xịt nước rửa để mà ướt hết à. Mà xả nước sẽ lênh láng hết lượt, càng nhớp nhúa hơn, bởi lông, ruột và phân đã chắn hết các lối thoát”. (Còn nữa)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất