| Hotline: 0983.970.780

Bí mật ngôi nhà vườn đắt nhất nhì miền Bắc

Thứ Bảy 05/02/2011 , 07:51 (GMT+7)

Nằm khuất lấp trong một làng nhỏ ở xã Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương) ít ai ngờ đó là nơi ngự của ngôi nhà vườn có một không hai ở Bắc Bộ về độ hoành tráng cũng như sự cầu kỳ.

Bốn chín hàng cột lim già vài trăm năm tuổi cùng hàng trăm khối gỗ quý tạo thành hình hài ngôi nhà gỗ có một không hai. 60 cây vàng được giát vào hoành phi, câu đối hắt lên thứ ánh sáng vương giả. Hàng vạn cây cau trồng thẳng tắp như những hàng vệ binh ở vườn chính, vườn phụ mà riêng tiền mua quả giống ngốn mất cả trăm triệu đồng thời giá mươi năm trước. Những quả đồi nhân tạo được đắp nổi to như những trái núi nhỏ. Những tam quan hóng mát gần hồ bán nguyệt với bàn đá, ghế đá đục, xẻ nguyên khối…

Khuôn viên nhà rộng 5.000 m2

Nằm khuất lấp trong một làng nhỏ ở xã Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương) ít ai ngờ đó là nơi ngự của ngôi nhà vườn có một không hai ở Bắc Bộ về độ hoành tráng cũng như sự cầu kỳ của chủ nhân. Trước tiên phải nói đến hệ thống vườn chính rộng 2 ha, vườn phụ cũng rộng xấp xỉ được kiến thiết với thế liên hoàn cùng với sự chăm chút vô cùng tỉ mỉ. Sự chăm chút ấy thể hiện ở việc thuê tới 4 người làm, 3 bảo vệ để trông coi khu vực.

Toàn bộ khu vườn được quy hoạch rất quy củ với hệ thống mương bê tông trải dài tăm tắp, với máy bơm cỡ đại dòng dây đưa nước tưới đẫm từng mét đất. Cứ hai hàng cây có một rãnh thoát nước to nằm ở giữa để chống cây bị nghẹt, thối rễ. Tuổi khu vườn mới chỉ 9 năm mà đã ken kín nào cau, nào bưởi Diễn, nào bòng…Hàng cau trong vườn có lẽ là đệ nhất nước, bố trí đều tăm tắp như những hàng vệ binh. Với khoảng cách mét rưỡi một cây tính ra tổng số cau của vườn lên tới cỡ vạn ba. Khu vườn trước vốn là ruộng được vượt lên, toàn đất sét rất khó trồng cây nên phải cải tạo bằng rơm rạ để tạo độ tơi xốp, thông thoáng.

Bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ đẻ của chủ nhân khu vườn, bảo với tôi rằng đã chục vụ nay, mỗi vụ hàng ngàn gánh rơm rạ của cả làng, cả xã Tân Dân được ùn ùn thu hết về đây với chỉ một mục đích biến thành mùn cho khu vườn. Cau được mua tận làng Cao Nhân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) nơi nức tiếng là quê hương của giống cau liên phòng ra quả bốn mùa, ăn dẻo, ngọt, say lử lả. Cả chục năm trước, mỗi quả cau giống đặc biệt đã có giá tới 3- 4.000đ. Vậy mà bà Sáu mua cả trăm buồng cau về ươm một lúc. Riêng tiền mua cau đã trị giá ngót trăm triệu, quy đổi tương đương cả chục cây vàng hồi đó. Một nghệ nhân trồng cau nổi danh đất Cao Nhân là ông Hoàng Văn Tư cũng được vời đến kiến thiết khu vườn và chỉ đạo kỹ thuật, chăm sóc, bảo hành cau đến lúc trưởng thành mới thành hình, thành dạng khu vườn ngày hôm nay.

Dân Hải Dương không mấy ai lạ gì đại gia Nguyễn Đức Lượng. Khi Lượng mới mười bảy tháng tuổi thì bố hy sinh ở chiến trường, ông bà nội cũng dần mất, để lại cho bà Sáu đứa con thơ và một cuộc sống trầy trật, kham khổ ruộng đồng. Lấm lem trong bùn đất quê nhà, cậu bé Lượng ngày nào dần trưởng thành, vươn lên hàng đại gia cũng nhờ…đất. Hiện nay anh đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh vốn nổi tiếng  nhất nhì xứ Đông. Đắm đuối vào xây các dự án đô thị nhưng anh Lượng luôn đau đáu với mảnh đất quê và quyết tâm xây dựng một chốn đi về sao cho thật bình yên, độc đáo.

Khuôn viên nhà chính rộng 5.000m2 là nơi để anh thể hiện hết những sở thích, ý tưởng của mình. Trước đây nhà có 2 cái ao lớn. Để biến những cái ao đó thành quả đồi nhân tạo anh cho người tát cạn nước, phun hàng ngàn khối cát làm nền rồi đổ cả trăm xe đất sỏi chở từ rừng về tạo da thịt, vóc dáng. Những lối mòn lát đá xẻ. Những cây đại thụ tỏa bóng dưới mướt mát hoa cỏ lành hiền. Tâm điểm của khu đồi nhân tạo là hòn non bộ hay nói không ngoa là một “quả núi” nhỏ được chở bằng xe công ten nơ đặc chủng về. Nó nặng tới 46 tấn. Sừng sững, hiên ngang như thi gan cùng tuế nguyệt.

Mặt tiền ngôi nhà theo đúng thuyết phong thủy phải có hồ nước. Lúc đầu hồ hình quả trứng nhưng chủ nhân không ưng bụng phá đi, làm hình tròn lại thấy không vừa mắt cuối cùng mới định dạng ở hình bán nguyệt. Dưới mặt hồ lăn tăn sóng biếc có cả trăm chiếc vòi phun nước ẩn mình. Chỉ cần nhấn một nút công tắc điện tinh vi là chúng hiện hình, trào phun những cột nước cao cả chục mét, trắng xóa bọt…

60 cây vàng dát hoành phi

Cầu kỳ nhất vẫn là ngôi nhà gỗ khổng lồ. Để làm ngôi nhà này, thợ vén bùn, thợ đóng cọc, thợ xẻ đá, thợ mộc, thợ làm tường bao, thợ xây… các tốp thợ lành nghề nhất kéo về ăn dầm, ở dề tại chỗ có lúc đông đến hàng trăm người. Những nguyên liệu tốt nhất nước cũng được tuyển chọn. Đá xanh mạn Hà Tĩnh kìn kìn chở ra đục hiên, lát đường. Lim rừng rồi lim Lào từ mạn ngược cũng nối đuôi nhau kéo về. Ngày nào nhà bà Sáu cũng như một đại công trường sôi sục khí thế. Ngoài hai tường hồi, toàn bộ nhà được làm bằng gỗ lim già.

Hiệp thợ nổi tiếng xứ Đoài (Hà Nội) được vời đến đục đẽo, ròng rã dựng từ năm 2004 đến năm 2007 mới xong khung, thành vóc, thành dáng. Gia chủ thấy không ưng cái bụng cho lắm vì nhà hơi thấp nên gọi hiệp thợ khác ở đất Nam Định về tháo tung tất ra làm lại. Một ít cột cái được tận dụng thành cột hiên còn lại từ cửa, dui, mè đến những cột chính to cả người ôm đều được thay mới toàn bộ. Tất cả lại bắt đầu. Những cây gỗ lim cả vài trăm năm tuổi lại nằm nghễu nghện trên vài chục xe tải siêu trường, siêu trọng nối đuôi nhau, kìn kìn tập kết về. Tất cả gỗ chỉ bóc lấy phần lõi già gân, cứng thớ nhất mà thôi. Ngôi nhà có bốn mươi chín cây cột gỗ cỡ đại như thế. Đặc biệt còn có tầng hầm kiên cố bằng xi măng bên dưới cũng đủ bốn chín cột, mỗi cột ứng với một cột gỗ bên trên.

Công đoạn đánh bóng cột gỗ cùng nội thất mới thực là độc chiêu. Chúng không được đánh bằng giấy nhám thông thường mà chỉ xoa bằng lá chuối lùn khô. Hiệp thợ cứ cầm lá xoa mãi, xoa mãi thế cho đến khi gỗ thật nhẵn, thật bóng, lên màu tự nhiên mà không cần dùng đến quang dầu, véc ni, sơn ta, sơn Tàu gì cũng giữ được sắc cả chục năm không xuống mã. Riêng công đoạn xoa lá chuối này, ba thợ lành nghề đánh ròng rã sáu tháng, ngốn mất cả tấn lá chuối khô mới xong.

Là một đại gia nhưng anh Lượng cũng khá cân bằng giữa việc kinh doanh và việc thiện với tổng số tiền trên 4 tỉ đồng quyên góp cho công tác xã hội gần chục năm qua.

Đến viên gạch làm nhà cũng theo lối cổ. Mỗi viên dài tới 30 cm, đốt bằng rơm rạ bảy ngày, bảy đêm, có giá thành gấp dăm bảy lần gạch thường cùng thời điểm. Gạch xây không trát mà được kẻ chỉ, viền bằng xi măng. Ngoại cảnh cũng thể hiện sự độc đáo của ngôi nhà. Những tảng ngọc thạch khổng lồ mài giũa bóng nhẵn trấn yểm hai hồi nhà. Hai cái tam quan, với ghế đá, bàn đá nguyên khối nặng cả tấn luôn chờ chủ nhân ra hóng gió. Những cây thế cổ thụ, xù xì, mốc meo, trăm năm tuổi giá cả tỉ nằm từng bầy trên cái sân lát gạch đỏ rộng thênh thang. Đằng đẵng suốt 9 năm ròng, ngôi nhà mới hoàn thành trong sự mãn nhãn của chủ nhân.

Tôi theo chân một người bảo vệ bước vào nhà. Khi những ánh đèn vừa bật lên là hằng hà, sa số ánh sáng lấp lánh của vàng ròng hắt ra từ các tấm hoành phi, câu đối. Bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ anh Lượng bảo: “Riêng việc giát vàng trên hoành phi, câu đối, chúng tôi đã phải đích thân thuê người giám sát thợ làm, mất vài tháng mới xong. Tổng cộng có khoảng trên 60 cây vàng được cán mỏng, dát ra mới được thế này đấy”…Tôi như mê ngợp đi với những họa tiết lấp lánh, huyền hoặc đó cho đến khi chiếc chìa khóa trên tay một gia nhân lịch kịch mở cánh cửa bí mật thông xuống tầng hầm mới đành tiếc nuối bước vội theo. Ngoài trời đang nóng rẫy nhưng ở dưới hầm mát hệt có điều hòa. Như một biệt thự ngầm dưới lòng đất, ở đó có đủ tiện nghi sinh hoạt từ bàn, tủ, giường, ghế. Uy nghi ở giữa là một ngai tượng được đặt trang trọng. Đó chính là tượng người bố đã hy sinh của anh...

Một người trong nghề bảo tôi, ngôi nhà của anh Lượng không dưới trăm tỉ nhưng quả thực gia chủ rất biết chơi. Trăm tỉ ấy, bây giờ trên phố chỉ mua được một ngôi biệt thự, có thể nhòe lẫn vào hàng trăm, hàng ngàn ngôi biệt thự khác nhưng để có được một ngôi nhà vườn độc đáo thế này có lẽ là cả miền Bắc tìm đỏ mắt cũng không ra.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm