| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết thành công là thở cùng nhịp thở xã viên

Thứ Sáu 21/10/2016 , 13:45 (GMT+7)

Vốn là những nông dân trồng cà phê, khởi nghiệp cũng vì niềm đam mê cháy bỏng với cây cà phê nên chỉ sau gần 3 năm chính thức hoạt động, HTX Cà phê Tân Nông Nguyên (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã được đề nghị Bộ NN-PTNT tôn vinh là "Hợp tác xã tiêu biểu năm 2016".

Ngày 10/4/2012, HTX Cà phê Tân Nông Nguyên thành lập, với ngành nghề đăng ký là sản xuất, dịch vụ và thương mại nông nghiệp. Lúc mới thành lập, HTX có khoảng 200 xã viên canh tác trên 240ha cà phê (có 12 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số). Nhiệm vụ chính của HTX là cung cấp vốn cho xã viên canh tác cà phê, thông qua việc cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV...


Quyền Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hòa sinh năm 1992
 

Tuy nhiên, lúc này ngân hàng không cho HTX vay vốn, bởi HTX không có tài sản thể chấp, do đó HTX gần như là không hoạt động được.

Mãi đến tháng 7/2014, HTX tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài (từ Ngân hàng Nông nghiệp Hà Lan), thông qua dự án "Nâng cao chất lượng sản xuất và kinh doanh cà phê Rô-bốt-ta bền vững".

Từ đây, HTX chính thức "thở cùng nhịp thở của xã viên" - nói theo lời của Quyền Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hòa. Hoạt động chính của HTX là sản xuất, kinh doanh cà phê; sản xuất, dịch vụ và thương mại nông nghiệp; hỗ trợ khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho xã viên; cung ứng cây giống, phân bón chất lượng, thiết bị vật tư nông nghiệp cho xã viên với giá thấp; hỗ trợ xã viên kinh doanh cà phê...

Có thể nói, niềm đam mê cây cà phê trên vùng đất đỏ bazan này của tập thể lãnh đạo HTX, của gần 200 xã viên là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp HTX hoạt động đạt hiệu quả cao. Chỉ trong khoảng hai năm chính thức hoạt động, HTX đã có những thành tích đáng ghi nhận.

Kết quả hoạt động dịch vụ của HTX cho thấy: Dịch vụ đầu vào do HTX cung cấp luôn thấp hơn thị trường tại địa phương, cụ thể với mỗi kg phân bón, xã viên được cung cấp với giá thấp hơn thị trường từ 800 - 1.500 đồng. Điều này - theo giải thích của anh Nguyễn Văn Hòa là do HTX mua phân bón trực tiếp từ đại lý cấp 1, cấp cho xã viên theo giá mua nên xã viên được mua với giá rẻ, lại không sợ gặp phải phân kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.

Cuối vụ, xã viên nộp sản phẩm cà phê vào HTX để trả nợ (các khoản HTX cung cấp trong suốt vụ như phân bón, thuốc BVTV...), đồng thời xã viên còn được ký gửi số cà phê còn lại vào HTX, sau đó HTX bán chung theo hợp đồng kinh tế đã ký. HTX thực hiện bán và thông tin cho xã viên, giá cà phê HTX bán cũng chính là giá mà xã viên được hưởng...

Sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Ngân hàng nhưng Nguyễn Văn Hòa lại chọn con đường về quê, gắn kết với cây cà phê, và hiện là Quyền Giám đốc HTX. Anh nói: "Nếu các anh gặp chú Hiền (ông Huỳnh Văn Hiền - Chủ tịch HĐQT của HTX - PV), sẽ được nghe chú kể nhiều hơn về HTX, bởi chú năm nay đã sáu mươi chín tuổi, là một trong những người đứng ra vận động thành lập HTX".

Tuy nhiên theo anh Hòa thì từ khi đi vào hoạt động, nông dân đã được HTX đáp ứng dịch vụ đầu vào đảm bảo rẻ và chất lượng. Tham gia HTX, nông dân đã thay đổi tư duy làm ăn, biết canh tác cây cà phê theo quy trình, bởi như anh Hòa nói: Một trong những tiêu chí của HTX là "tổ chức thành viên thực hiện sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng cà phê 4C, được cấp chứng chỉ chứng nhận". Tham gia HTX, xã viên còn có cơ hội thường xuyên được sinh hoạt chung, từ đó giúp đỡ nhau trong sản xuất, cập nhật thông tin thị trường. Ngoài ra, sản phẩm của xã viên còn được trông giữ, tiêu thụ chung an toàn, không lo đến sự ép giá của tư thương...

Nông dân Nguyễn Văn Trường (làng Greosec, xã Dun, huyện Chư Sê) gắn bó với HTX ngay từ ngày đầu thành lập. Ông chia sẻ: Tham gia HTX, xã viên được mua phân bón thấp hơn giá thị trường, chất lượng phân bón luôn được đảm bảo. "Quan trọng nhất là tham gia hợp tác xã, xã viên có điều kiện gắn kết với nhau, kịp thời hỗ trợ nhau lúc khó khăn, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất...", ông Trường nói.

Ông Trịnh Hùng Lương (cùng ở làng Greosec) cũng là một trong những xã viên đầu tiên của HTX. Nhà ông có gần 1ha cà phê, tuy nhiên do già cỗi, kém chất lượng nên ông đang thực hiện tái canh theo kiểu "cuốn chiếu". Ông cho biết, HTX đã tạo nhiều điều kiện tốt cho xã viên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể với vườn cà phê tái canh của gia đình ông, HTX đã cho không hạt giống để ông tự ươm, tư vấn các biện pháp như cải tạo đất, kỹ thuật ươm, trồng, bón phân...


Xã viên Trịnh Hùng Lương chuẩn bị giống tái canh vườn cà phê
 

Ông Lương chia sẻ: "Trước kia chỉ làm một mình, vườn nhà ai nấy làm nên buồn lắm. Từ ngày tham gia hợp tác xã, xã viên được sinh hoạt chung rất vui. Quan trọng hơn là ngoài việc cung cấp các dịch vụ cần thiết, HTX còn cung cấp cho xã viên nhiều thông tin nông nghiệp liên quan đến canh tác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê...".

Tuy là một HTX nhỏ, mới được thành lập, song HTX Cà phê Tân Nông Nguyên xứng đáng là chỗ dựa, là một "gia đình" đích thực cho những nông dân là xã viên của HTX.

Kết quả tài chính của HTX Cà phê Tân Nông Nguyên năm 2014, doanh thu 7,7 tỷ đồng, lợi nhuận 237 triệu đồng; năm 2015 doanh thu 8,9 tỷ đồng, lợi nhuận 685 triệu đồng.

Con số trên chưa là gì so với các HTX "anh chị" đi trước, nhưng theo anh Hòa thì "Mục đích cao nhất của HTX là tập hợp, gắn kết nông dân làm cà phê trên địa bàn; hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho xã viên thuận lợi trong việc sản xuất và tiêu thụ cà phê thông qua việc cung ứng dịch vụ đầu vào đảm bảo hai tiêu chí rẻ và tốt, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên đảm bảo đúng giá thị trường, không bị thất thoát; đồng thời cập nhật thông tin cho xã viên, tạo mối đoàn kết, gắn bó để xã viên giúp nhau trong sản xuất và đời sống...". Điều này, HTX Cà phê Tân Nông Nguyên đã làm được.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm