| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp vụ học sinh “thất học” vì phụ huynh phản đối sáp nhập trường

Bí thư tỉnh ủy đối thoại với phụ huynh

Thứ Hai 20/10/2014 , 14:11 (GMT+7)

Đã gần 2 tháng kể từ ngày khải giảng năm học mới nhưng đến nay vẫn còn 569/717 HS các bậc học ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chưa được đến trường. 

Nguyên nhân là do chính phụ huynh bắt con em họ ở nhà để phản đối sáp nhập trường. Để giải quyết tình trạng này, mới đây Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình tiếp tục đến trực tiếp đối thoại với phụ huynh nhằm sớm tìm ra hướng giải quyết.

Vẫn dậm chân tại chỗ

Trước đây, ở Đức Thọ cũng đã từng xảy ra tình trạng phụ huynh không cho con em đi học để phản đối việc sáp nhập trường, nhưng sự việc cũng dễ bề xử lý sau một vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng này tái diễn ở Hương Bình đã kéo dài hơn 2 tháng nhưng đến nay HS vẫn chưa được đi học và sự “cố thủ” của phụ huynh đang khiến con em họ “thất học”.

Cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Bình cho hay, BGH nhà trường và các giáo viên 3 cấp học đã bất lực trong việc vận động học sinh đến trường. “Trường tiểu học Hương Bình không ảnh hưởng gì đến việc sáp nhập, nhưng không hiểu sao phụ huynh lại cấm không cho con em mình đến lớp”, cô Anh bức xúc.

Cũng theo cô Anh, kể từ ngày khai trường đến nay rất ít HS được đến lớp. Như lớp 1 chỉ có 11 em; lớp 2 được 7 em; lớp 4 có 8 em; lớp 3 thì không có em nào, còn lớp 5 chỉ được 2 em. Do học sinh ít nên nhà trường phải gộp các lớp lại và bố trí giáo viên thay nhau đứng lớp, xem như được “răng mô bừa răng nớ”.

Con số cả trường được 28 học sinh vẫn trong tình trạng phập phù bữa đi, bữa không, giáo viên lên lớp luôn trong tâm trạng sợ các em không vững lập trường nghe xúi bậy lại bỏ học giữa chừng là nguy.

Gần 2 tháng nay ngoài việc duy trì dạy học toàn bộ giáo viên còn phải thay nhau xuống từng nhà bằng mọi biện pháp để động viên HS đến trường, thậm chí phải “hiến kế” bảo HS cứ khóc thật nhiều để đòi cha mẹ đi học, nhưng kết quả vẫn là con số 0.


Phụ huynh học sinh bức xúc bày tỏ ý kiến

Nhiều lần đến vận động, một số phụ huynh “nể” cô giáo cũng ngồi tiếp chuyện nhưng lại bảo “cô cứ về đi, khi nào cả làng cho con đi học thì tôi cho nó đi”. Có gia đình đồng ý cho con đi học nhưng với điều kiện, cô giáo phải đến nhà đưa, đón con em họ từng ngày thì họ mới cho đi…

Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng trường mầm non Hương Bình cũng buồn bã nói: “Lập luận của phụ huynh về việc con em họ phải đi học xa mất an toàn nên cho con nghỉ luôn bây giờ thật là sai lầm. Bởi không sớm thì muộn việc sáp nhập trường để tinh giản bộ máy, hạn chế đóng nộp cho HS cũng phải thực hiện. Lâu nay các huyện khác trên địa bàn tỉnh đã sáp nhập cả rồi”.

Được biết, đến ngày 18/10, toàn xã Hương Bình vẫn còn 569/717 HS các bậc học nói trên chưa được cha mẹ cho đến trường. Việc phản đối sáp nhập trường THCS, không cho con em đi học ấy là một chuyện, thế nhưng phụ huynh đánh đồng không cho hàng trăm HS khối mầm non và tiểu học đến lớp là một việc làm hết sức cực đoan, dẫn đến vi phạm quyền lợi của trẻ em, vi phạm pháp luật, vi phạm Công ước quốc tế…

Phụ huynh Phan Ngọc Lai mâu thuẫn: “Tôi cho con nghỉ học là bất đắc dĩ, nhìn con ở nhà rầu rĩ nhớ trường, nhớ lớp tôi xót xa cả ruột gan. Nhưng giờ để con đi học cũng không đành vì sớm tối học xa cũng không đủ sức đi, hơn nữa cho con đi học lúc này sợ dân làng nói này, nói khác, sợ mọi người cô lập nên đành cho con ở nhà”.

Ông Lai kiến nghị chính quyền tạm lập phân hiệu để cho HS kịp theo chương trình của Bộ GD quy định, hết năm học này sẽ sáp nhập cũng được, bởi nếu hai bên cứ giằng co nhau mãi kiểu này thì chỉ thiệt cho con trẻ.

Phụ huynh cần sớm cho con em đến trường

Để sớm tìm ra giải pháp xử lý vụ việc, mới đây đích thân Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình dẫn đầu đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đã lên trực tiếp lắng nghe người dân Hương Bình phản ánh tâm tư, nguyện vọng xung quanh việc sáp nhập HS trường Hương Bình vào các trường Hòa Hải, Phú Gia, Phúc Đồng.


Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình trực tiếp đối thoại với phụ huynh

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của phụ huynh cho rằng, việc thực hiện quy hoạch trường lớp là cần thiết, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW,  đây là một chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên việc giải thể và sáp nhập HS Hương Bình thiếu tính khoa học và thiếu tính thực tế; bởi sau khi sáp nhập, con em Hương Bình phải đi học rất xa, đường sá đi lại khó khăn, không an toàn; vã lại Trường THCS Hương Bình có bề dày truyền thống, mọi cơ sở vật chất học tập đảm bảo điều kiện việc dạy và học, điểm trường thuận lợi, không bị ngập lũ.

Chủ trương sáp nhập trường là đúng nhưng cách làm của cán bộ xã, huyện thiếu tính dân chủ, triển khai vội vàng, chưa được đa số nhân dân đồng tình; phần nữa liệu cơ sở vật chất các trường mới sáp nhập có đủ điều kiện?...

Theo kết quả điều tra phổ cập, từ năm học 2014-2015 đến 2019-2020, số học sinh THCS Hương Bình chỉ dao động từ 200 - 247 em, được biên chế tối đa 8 lớp. Với quy mô như vậy sẽ không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy và đề án quy hoạch hệ thống trường lớp, Quyết định số 2286 của UBND tỉnh; đồng thời với quy mô 8 lớp thì theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ chỉ được bố trí 15 giáo viên (1,9 giáo viên/lớp) trên tổng số 14 môn giảng dạy. Như vậy, việc giáo viên phải dạy chéo môn sẽ diễn ra, việc sinh hoạt chuyên môn của giáo viên cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Còn đối với một số cán bộ, đảng viên ngăn cấm không cho con em mình đến trường Mầm non, Tiểu học là việc làm không thể chấp nhận. Vì thế cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân để cho các cháu sớm đi học, không để mất quyền lợi của tuổi trẻ học đường.        

Sau khi lắng nghe từng ý kiến một của phụ huynh, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ với những khó khăn của một số hoàn cảnh phụ huynh, các cháu HS khi thực hiện chủ trương sáp nhập trường đã có những khó khăn bước đầu, nhưng đối với xã Hương Bình – một vùng đất được mệnh danh bao đời hiếu học, hầu hết các bậc phụ huynh đã coi việc học hành của con em là vấn đề hàng đầu.

Trong kháng chiến cũng như trong công cuộc phát triển đất nước Hương Bình đã đóng góp nhiều tài năng cho đất nước. Để phát huy truyền thông hiếu học của quê hương Hương Bình, Bí thư tỉnh ủy mong muốn các bậc phụ huynh cố gắng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn ban đầu, để hướng tới mục đích số một là làm sao phải cho con em đến trường, góp phần ổn định tình hình an ninh trên địa bàn.

Ông Bình cũng cho rằng, ý kiến của các bậc phụ huynh đối với một số cán bộ huyện, xã trong về việc thực hiện sáp nhập trường thiếu tập trung, dân chủ là đúng. “Vấn đề này phải nghiêm túc nhìn nhận lại, nếu ai đó vi phạm quá mức phải được xử lý nghiêm minh”, Bí thư Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho hay, ngành giáo dục sẽ chỉ đạo phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, các trường học liên quan đảm bảo việc giảng dạy, học tập của các cháu trong thời gian tới.

Mong muốn sau cuộc đối thoại các cán bộ, đảng viên tiếp tục giải thích cho người dân hiểu và đưa con em nhanh chóng đến trường để bố trí giáo viên dạy bù cho các em theo kịp chương trình khi chưa quá muộn. Nếu phụ huynh cố tình ngăn cản không cho đến trường thời gian dài quá có thể làm chậm cả năm học của các cháu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất