| Hotline: 0983.970.780

Biến đất khó thành “mỏ vàng”

Thứ Tư 21/05/2014 , 09:16 (GMT+7)

Một tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, một cách làm sáng tạo có thể đem lại rất nhiều giá trị. 

Ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có những vùng đất chết đã được hồi sinh và làm giàu cho nhiều người.

Thu bạc tỷ vùng đất trũng

Mùa này, những cây bằng lăng, phượng đỏ dọc con đường bê tông dẫn vào trụ sở UBND xã đua nhau khoe sắc, tôn lên vẻ đẹp của làng quê. Hai bên đường là những khu đầm Bưởi, đầm Chua, đầm Dưng rộng hàng chục ha.

Bí thư Đảng uỷ xã Trương Quang Quá đứng ở ban công phòng làm việc chỉ tay về phía khu đầm nói: "Nhìn mặt nước phẳng lặng nhưng phía dưới là hàng triệu con cá, ôm bó cỏ thả xuống chưa đầy một phút là sạch bách. Chủ đầm ai cũng giàu có, xây nhà lầu sang trọng".

Toàn xã Ngũ Kiên có 300 ha đất canh tác thì 100 ha là đồng trũng. Ngày trước, một cơn mưa lớn kéo dài là y rằng khắp xứ đồng Mèng, Độc Ngã Ba, Đầu Dều, Đuôi Hồ ngập trắng xoá. Dân chỉ cấy được vụ chiêm xuân, năng suất 80 tạ/sào (tương đương 3 công lao động), còn ngày mùa bỏ hoang tàn cho cỏ dại mọc um tùm vì biết chắc không được thu.

 Đất đai manh mún, ruộng nhà này 5 thước, ruộng nhà kia 7 thước, cắm thân cây ngô xuống bùn để phân định ranh giới. Chẳng ai mặn mà với đồng ruộng, bỏ thì thương mà vương thì tội.

Ông Quá bảo, đất đai manh mún thì làm giàu rất khó. Và cứ trồng lúa mãi thì chẳng biết bao giờ nhân dân mới có tiền để kiến thiết những con đường bê tông, xây trường học đẹp và rủng rỉnh tiền bạc. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 14 triệu/người/năm, áp vào tiêu chí thu nhập bình quân đầu người của Chương trình MTQG xây dựng NTM thì còn cách xa. Giải bài toán này không hề đơn giản.

Chính quyền xã đã “bạo gan” làm một cuộc thay đổi. Tại một số cánh đồng trũng, xã vận động nhân dân tích tụ ruộng đất và đắp bờ cao hình thành những khu đầm rộng, UBND xã đại diện quản lý và tổ chức đấu thầu.

Mức giá sàn đấu thầu được tính toán chi ly, đảm bảo nông dân có lãi hơn trồng lúa. Toàn bộ số tiền thu được sẽ chia công bằng cho người có đất (theo đơn vị diện tích đóng góp lớn hay nhỏ). Nhận được tiền mà không cần phải lao động vất vả, ai cũng đồng tình ủng hộ.

Và đúng như điều ông Quá mong muốn, những khát vọng làm giàu đã nảy sinh. Ông Nguyễn Đức Vệ (thôn Thượng 2) là người đầu tiên trong xã cắm sổ đỏ, đất đai vườn tược nhận thầu 17 mẫu đất và cải tạo thành trang trại chăn nuôi lợn kết hợp thả cá.

 Với 200 đầu lợn xuất chuồng/năm, ông Vệ nhẩm tính thu lãi ít nhất 200 triệu đồng. Nhưng, đó chỉ là nguồn thu phụ, sản lượng cá của gia đình ông mỗi năm đạt 30 tấn cá, trừ chi phí SX lãi khoảng 600 triệu đồng.

Thấy ông Vệ phất lên như diều, người ta tranh nhau đấu thầu đồng trũng để thả cá, nuôi vịt. Giá đấu thầu ngày càng tăng cao đồng nghĩa thu nhập của người nông dân ngày càng tăng lên. Đến năm 2011, tổng diện tích đất mặt nước của toàn xã Ngũ Kiên đã lên tới 80 ha.

Trên địa bàn xã có một chợ lại tiếp giáp thị trấn Tứ Trưng (huyện Vĩnh Tường), dịch vụ mua bán, trao đổi hàng hóa ở đây khá sôi động. Đồng thời, các nghề làm bánh, làm nem được người dân phát huy tối đa, phục vụ nhu cầu của thực khách. Có cơ chế chính sách tạo điều kiện về vốn vay để con em nông thôn được XK lao động sang các nước có nền kinh tế phát triển, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống.

Trong 3 năm qua, xã đã đào tạo nghề được cho 300 lao động nông thôn, chủ yếu là phụ nữ. Sau khi học nghề, chị em đều có việc làm ổn định tại các Cty với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã Ngũ Kiên đạt 25 triệu/người/năm. Đây thực sự là một kỳ tích.

Đổi thay từ đường nội đồng

Với 10,5 km đường giao thông nội đồng chưa được cứng hoá, đây thực sự là một thử thách của chính quyền và nhân dân xã Ngũ Kiên trong xây dựng NTM.

Ông Quá chia sẻ: “Quỹ đất công của xã quá ít, cách duy nhất là vận động nhân dân hiến đất. Ban đầu chúng tôi tính đường đi qua ruộng nhà nào thì vận động hộ dân đó hiến đất. Nhưng nền đường nội đồng yêu cầu phải rộng tới 6 m để còn làm thuỷ lợi song song. Tính ra có hộ mất đến 200 m2, người ta tị nạnh bảo sao các hộ khác sướng thế, tội gì mình phải chịu khổ.

Phương án 1 thất bại, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM họp lại cùng nhau hiến kế. Cuối cùng tìm ra một giải pháp vẹn toàn. Đầu tiên, xã tính toán kỹ lưỡng diện tích đất sẽ sử dụng để làm đường nội đồng tại mỗi xứ đồng, nhân dân ở xứ đồng đó phải đóng 72 triệu đồng/sào. Số tiền này UBND sẽ đền bù cho những hộ bị mất đất. Như vậy không ai phải chịu thiệt thòi”.

Đến nay, toàn bộ hệ thống đường trục nội đồng của xã đã hoàn thành. Tổng vốn đầu tư là 10,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,5 tỷ đồng. Đường giao thông nội đồng cũng được đã được cứng hoá 100%, tạo điều kiện cho nhân dân trong xã giao lưu buôn bán hàng hoá và phục vụ cho SXNN. Tổng diện tích sử dụng để xây dựng những công trình công cộng trên địa bàn xã là 65.000 m2.

Ngoài cứng hoá giao thông nội đồng và nâng cao thu nhập cho người dân, việc thực hiện tiêu chí thiết chế văn hoá NTM ở xã Ngũ Kiên cũng rất gay go. Anh Lê Công Liên, cán bộ văn hóa xã Ngũ Kiên, cho biết: Theo quy định thì mỗi nhà văn hóa thôn đạt chuẩn phải có diện tích tối thiểu là 500 m2 nhưng đối với Ngũ Kiên, Nhà văn hóa thôn nào bét nhất cũng phải 800m2 trở lên. Riêng hai thôn Thượng 1 và Thượng 2, do dùng chung nên Nhà văn hóa được xây cất rộng cả nghìn mét vuông.

Một nhà văn hóa ở Ngũ Kiên ít nhất cũng có giá xây dựng khoảng 1 tỉ đồng. Riêng nhà văn hóa dùng chung cho hai thôn xây dựng mất khoảng 3,5 tỉ đồng. Trong khuôn viên có hội trường, hai sân bóng, nhà ăn, nhà bếp...

Tổng số nguồn vốn huy động để xây nhà văn hoá là 22,9 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ hợ 8,4 tỷ đồng; huyện hỗ trợ 3,3 tỷ đồng và nhân dân đóng góp tiền mặt 3,4 tỷ đồng.

Người dân xã Ngũ Kiên đã tự nguyện hiến được 13.000 m2 đất. Nhiều cá nhân điển hình đã xuất hiện như bà Phan Thị Huy (thôn Dầu) xin đóng góp 80 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. Bà Nguyễn Thị Hoà, thôn Thượng 1, ủng hộ giàn loa đài, âm ly trị giá 20 triệu đồng; anh Lê Tiến Tuất ủng hộ 4 ghế đá cho nhà văn hoá… Số gia đình đóng góp trên dưới 10 triệu đồng cũng tương đối nhiều.

"Mỗi dịp khánh thành nhà văn hoá, cả làng mở hội liên hoan, anh em con cháu đi xa về dự đóng góp vào, thế là tiền cỗ bàn thôn, xã không phải chi. Khu nhà đa năng, sân khấu ngoài trời của UBND xã cũng đã hoàn thành”, anh Liên chia sẻ.

DỰA VÀO NỘI LỰC

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Ngũ Kiên đã được đổi thay, khởi sắc hơn, cơ sở hạ tầng địa phương được cải thiện đáng kể, đời sống nhân dân được nâng lên.

Việc xây dựng xã Ngũ Kiên trở thành xã NTM thời kỳ CNH - HĐH được thực hiện ở các đặc trưng: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, có các hình thức SX phù hợp gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ…

Là xã điểm của tỉnh Vĩnh Phúc và là 1 trong 3 xã điểm của huyện Vĩnh Tường, tuy nhiên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Ngũ Kiên chủ trương dựa vào nội lực và phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, bởi suy cho cùng người dân làm NTM để chính mình thụ hưởng. Từ một xã mới chỉ đạt 8 tiêu NTM nhưng với cách làm sáng tạo và quyết liệt của mình, đến nay Ngũ Kiên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

“Điểm nổi bật ở Ngũ Kiên chính là việc xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, đường giao thông, nội đồng sạch đẹp. Chính quyền xã đã làm tốt công tác dân vận, biết huy động sức dân để làm NTM”, ông Quá cho biết.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm