| Hotline: 0983.970.780

Biến đổi khí hậu đe dọa nông nghiệp

Thứ Ba 10/06/2014 , 08:05 (GMT+7)

Tại Diễn đàn ĐBSH vừa diễn ra ở Nam Định, các đại biểu tham dự đều khẳng định rằng BĐKH đang tác động trực diện đến sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Hàng ngàn ha đất ven biển bị đe dọa

Với kịch bản mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 200.000 ha đất SX nông nghiệp vùng ĐBSH sẽ bị đe dọa. Năng suất lúa giảm từ 8 - 15% vào năm 2030 và có thể lên tới 30% vào năm 2050. Tính rủi ro của ngành lâm nghiệp cũng tăng từ 6 - 40% năm 2020, kèm theo đó là nhiều mối đe dọa lớn như thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn và môi trường nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản bị ảnh hưởng… Đó là những dự báo được Viện Chiến lược và Chính sách KH-CN (Bộ KH-CN) công bố tại diễn đàn.

Tuy nhiên không cần phải chờ đợi đến những thập niên tiếp theo, ngay tại lúc này, những tác động tiêu cực mang tính trực diện của BĐKH đã khiến nhiều địa phương vùng ĐBSH, nhất là 5 tỉnh, thành ven biển phải đau đầu giải bài toán ứng phó.

Theo ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định: "Hằng năm tỉnh Nam Định phải chi hàng chục tỷ đồng để chống hạn, chống úng. Khoảng 12.000 ha đất canh tác ở các huyện ven biển (Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng) bị nước biển xâm thực dẫn đến nhiễm mặn nặng, canh tác lúa rất khó khăn trong vụ ĐX, năng suất lúa thường giảm từ 20 - 30% trong khi chi phí thuỷ lợi tăng cao.

Năm 2005, bão số 7 kèm mưa lớn đã làm thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng; năm 2008, đợt rét hại lịch sử kéo dài liên tục 38 ngày (từ 14/1 - 20/4) làm chết trên 4.100 ha mạ xuân; năm 2012, bão Sơn Tinh đổ bộ trực tiếp vào Nam Định gây thiệt hại cho SX nông nghiệp khoảng 500 tỷ đồng".

Biến động về thời tiết, khí hậu cũng kéo theo sự thay đổi về cơ cấu mùa vụ, thay đổi về sinh thái và tập tính của các loài sâu hại, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đồng thời đã tác động tới nuôi trồng và nguồn lợi thuỷ hải sản.

Ở Thái Bình, vụ ĐX thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán trên diện tích 10 - 12 ha lúa, các vùng ven biển thiếu nước sinh hoạt ngày càng gay gắt do xâm nhập mặn; xu thế biến đổi trung bình của mực nước biển tăng khoảng 2,8 mm/năm. Ông Đỗ Như Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Thái Bình, chia sẻ: “Nếu nước biển dâng cao 1 m thì sẽ có khoảng 90% diện tích tự nhiên của tỉnh chìm trong nước và nhân dân sẽ phải di cư”.

Những năm gần đây, các kỳ mực nước thủy triều cao cộng với ảnh hưởng của BĐKH đã làm ngập thêm nhiều tuyến phố thuộc nội thành Hải Phòng, các vùng trũng thấp ven sông, ven biển bị ngập sâu; đời sống, sản xuất của người dân và các công trình bị đe dọa khi có bão, gió mùa trùng với mức thủy triều cao và nước biển dâng.

Nhiều dự án còn nằm trên giấy

Ông Dương Văn Giảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP Hải Phòng cho biết: “Hiện TP đã phê duyệt danh mục 18 chương trình, dự án ưu tiên nhằm tăng cường khả năng phòng chống và ứng phó với BĐKH như phát triển mạng lưới quan trắc KTTV, năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV và nước biển dâng; chương trình tái định cư cho dân cư ven biển; duy trì và bảo tồn rừng ngập mặn tại Cát Hải, Thủy Nguyên, tăng cường bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn tại An Dương, Kiến Thụy, Tiên Lãng; hỗ trợ nhằm khuyến khích sử dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo (sức gió, năng lượng mặt trời… Tuy nhiên, đa số các công trình vẫn đang nằm trên giấy, hoặc triển khai rất ì ạch do thiếu nguồn vốn".

Đại diện cho tỉnh Ninh Bình, một trong những địa phương của vùng ĐBSH chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, bà Hà Thị Bích Việt, Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo, Sở TN-MT Ninh Bình chia sẻ: “Cách đây vài năm, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện “Chương trình MTQG ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020”, trong đó đề xuất dự án ưu tiên hỗ trợ ứng phó BĐKH, tuy nhiên kết quả triển khai vẫn là “3 chưa” (chưa có một đề án, dự án nào được triển khai; chưa xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên về BĐKH; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về vùng biển)".

Trong những năm qua, một số tổ chức phi Chính phủ như Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng MCD; Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID)… đã thực hiện thí điểm các mô hình thích ứng với BĐKH và phát triển sinh kế cho cư dân các vùng ven biển đem lại hiệu quả tốt (chăn nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học; trồng nấm và các giống cây chịu mặn, chịu hạn, chịu nóng ở Thái Bình, Nam Định)… tuy nhiên những mô hình này không thể áp dụng ra các địa phương khác do không có nguồn lực.

Ông Trần Đại Nghĩa, GĐ Trung tâm thông tin phát triển, Viện Chiến lược và Chính sách TN-MT cho rằng: "Ảnh hưởng của BĐKH đối với ĐBSH, đặc biệt là các tỉnh ven biển đã rõ rệt, nhưng sự đầu tư cho chương trình, dự án ứng phó với BĐKH ở cùng này còn rất hạn chế. Cụ thể, nguồn tài chính cam kết cho các dự án ứng phó BĐKH tại ĐBSCL là 400 triệu USD, trong khi đó ở ĐBSH chưa có số liệu nào. Rà soát được 8 dự án đã và đang được triển khai, nhưng đó chỉ là những dự án “con” nằm trong các dự án lớn".

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khẳng định: "ĐBSH là một trong 3 khu vực dễ bị tổn thương nhất của BĐKH, tác động rõ rệt đến đời sống và SX nông nghiệp, nhất là bà con khu vực ven biển do nước biển dâng và xâm nhập mặn. Do đó, ưu tiên hàng đầu cho ĐBSH hiện nay là phát triển hệ sinh thái ven biển, trọng tâm là tăng diện tích rừng ngập mặn. Để làm được điều này, chúng ta phải thực hiện đồng bộ trên phạm vi rộng, tại tất cả 5 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Thứ hai, là tình trạng nước sạch ngày càng khan hiếm, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn SX. Chúng ta thật đau xót về những khu vực có nước sông nhưng không thể tưới được cho cây trồng. Rất là nguy. Do đó, cần áp dụng tổng thể các biện pháp công trình và phi công trình, nhất là thuỷ lợi, đê điều, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và xây dựng các mô hình thích ứng với BĐKH… Thông qua diễn đàn, Bộ NN-PTNT đã thu được những tư liệu quý giá để xác định được những dự án cần ưu tiên cho từng tỉnh, thành và cả vùng ĐBSH.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm