| Hotline: 0983.970.780

Biển Đông, chúng tôi có mặt: Cột mốc linh thiêng

Chủ Nhật 22/06/2014 , 09:06 (GMT+7)

Không hiểu sao nắm đất, vốc nước, hòn đá, lùm cây hay mỗi con người ở những nơi tột cùng xa của Tổ quốc luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ với tôi. Ở nơi đó có những cột mốc linh thiêng luôn nhắc nhở về hai tiếng Việt Nam. Lên rừng rồi lại xuống biển, những hành trình cứ cuốn tôi đi. Cảm xúc về miền đất lạ cũng giống như như một anh thợ cày, trước mỗi mùa màng, luống cày lật đất lên lần nào cũng tươi mới.

1. Cách đất liền chừng 60 hải lý, đảo ngọc Cô Tô (Quảng Ninh) là một “mỏ” sứa khổng lồ vùng Đông Bắc, trữ lượng đánh bắt lên tới 12-15.000 tấn/năm. Sứa thường xuất hiện từ tháng hai đến tháng tư âm lịch. Vào những ngày đó cả ngàn lao động đổ ra biển trên đủ các phương tiện tàu, bè, thúng, mủng, với cây vợt trên tay một lao động có thể “vớt” lên từ biển 1-1,5 triệu đồng mỗi ngày.

Loài sinh vật khi trước là bọt nước, là phù du chẳng ai quan tâm giờ đây đã đem lại cho huyện đảo nguồn thu khổng lồ dăm bảy chục tỉ mỗi vụ. Ngoài sứa, Cô Tô còn có vô số bãi ốc quý, có loại mực nổi tiếng là ngon đệ nhất, mỗi cân khô luôn đắt gấp rưỡi, gấp đôi nơi khác và nhất là có bức tượng có một không hai, tượng Bác Hồ dựng ngay khi Người còn sống.

Đó là một sáng sớm mùa hạ năm 1961, mặn mòi vị muối, cả Cô Tô ngập trong rừng cờ hoa, khẩu hiệu đón Người. Bác tươi cười bắt tay các cụ già, ôm hôn các chiến sĩ, chia kẹo cho các cháu nhỏ. Bác ra thăm ruộng khoai, đồng muối, đến một số nhà dân.

Người căn dặn từng điều thật tỉ mỉ rồi nhắn nhủ: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, tiến bộ”.

Nghe đến đây đám đông lặng đi. Đầu năm 1962, Bác trở lại thăm Cô Tô, dân chúng và chính quyền đã xin phép cho dựng tượng Người trên đảo và được chấp thuận. Cô Tô là nơi duy nhất trong cả nước được dựng tượng Bác khi Người còn sống (công trình khánh thành ngày 22/5/1968).

Nói như Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Đức Thành: “Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô là cột mốc linh thiêng khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Người dân Cô Tô nhìn thấy Bác hằng ngày để yên tâm bám biển, bám đảo và luôn tin tưởng, đi theo con đường mà Đảng, Bác đã chọn”.

Lần nào cũng thế, gặp chị khi đang bán hàng ở đảo Trần hay lúc đi học ở huyện Cô Tô để làm nòng cốt cho việc sau này thành lập xã đảo, tôi đều thấy nụ cười đăm đắm, hồn hậu. Nụ cười của công dân số một đảo Trần (một đảo nhỏ cách Cô Tô chừng 30km). Chị là Cảnh, Nguyễn Thị Cảnh, quê gốc ở huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Trước đó, chị từng lênh đênh theo bố mẹ chèo thuyền ra đảo bán hàng tạp hóa. Các anh bộ đội gợi ý rằng nếu vợ chồng chị trong đất liền làm ăn khó khăn thì ra đảo mà sống. Ngỡ một câu nói bông đùa nào ngờ đâu năm 2006, để lại đứa con đầu 4 tuổi ở nhà cho ông bà ngoại, vợ chồng chị khăn gói ra đảo thật.

Họ vào rừng đốn gỗ, dựng một ngôi nhà vách thưng bằng cót ép, thấp lè tè ở vụng Tây, lắm buổi rắn hổ mang bò vào tận gầm giường.

16-48-01_dsc_3654
Đứa con của chị Cảnh

Vốn không có, lúc đầu chị lấy chịu hàng của mẹ để bán, phần lời dành dụm, gốc trả lần hồi còn anh đi câu quanh đảo trên một chiếc thuyền thúng ọp ẹp. Việt Anh, đứa con thứ hai mới 40 ngày tuổi, đỏ hỏn và khóc ngằn ngặt đã theo mẹ ra đảo. Giờ nắng gió rèn giũa, nó ngày càng cứng cáp, tròn trùng trục, đen lẳn như một khúc gỗ lim.

Chị Vũ Thị Ngân, Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ bảo nhiều bận máy bay quân sự nước ngoài quần thảo rèn rẹt trên đầu, cả đoàn tàu lạ vây kín đảo, đèn pha sáng rực như một thành phố nổi: “Nói không sợ thì không phải nhưng chúng tôi đã xác định ra đây là sẵn sàng cầm súng quyết tử, là sẵn sàng hiến dâng cả tính mạng mình cho tổ quốc, cho quê hương”.

Thằng bé là tài sản của cả đảo, là đứa con chung của các đơn vị, các sắc phục bộ đội. Nó quện hơi bộ đội, gặp ai nó cũng đưa tay chào điều lệnh, cũng lom khom trườn bò, ôm khẩu súng là một cái chạc cây, miệng “pằng pằng” không ngớt… Gia đình công dân số một trên đảo giờ đã được hỗ trợ xây dựng cho một ngôi nhà thật khang trang, ngôi nhà hạt nhân của xã đảo Trần về sau này.

Cũng ở trên đảo Trần, tôi gặp Phùng Thế Vinh - người có thâm niên gắn bó nhất với đảo, từng cùng anh em chịu đói khát hơn mười ngày trong Tết năm 1997.

Hồi đó sóng to, gió lớn đã cắt mất đường tiếp tế lương thực ra đảo cả tháng ròng. Khi tàu ra, người ta thấy các anh bộ đội gầy còm, mò cua, bắt ốc, đào củ chuối sống qua ngày mà khẩu súng vẫn không bao giờ rời khỏi vai. Họ đã giữ đảo còn hơn giữ tính mạng của chính mình.

2. Huyện đảo Bạch Long Vĩ cách hòn Dáu (Hải Phòng) 110 km. Đó là chuyến hải trình đầy gian khổ có thể thách thức bất kỳ ai to gan, lớn mật nhất.

Trong một chuyến tàu đầy sóng gió tưởng như sắp lật, Mai Lâm, đồng nghiệp của tôi ở Báo Hải Phòng đã cùng mấy anh em tính chuyện lấy dây buộc chặt người vào chiếc giường gỗ với hi vọng còn có xác cho người thân nhận.

Cũng may là chuyến đi của tôi biển lặng, sóng ngừng, trên trời hải âu dệt cánh trắng còn dưới nước những chú cá heo đuổi theo tàu làm thành những đám bọt khí mù sương. Trên bản đồ cổ của các nhà hàng hải người Anh và người Pháp Bạch Long Vĩ có tên Nightingale (Đêm đầy bão) còn người Việt gọi nó là đảo Vô Thủy (đảo không nước vì hồi đó chưa tìm thấy nguồn nước ngọt) hay Hải Bào (đảo bào ngư).

Y lý chép rằng bào ngư được xếp cùng với nem công, chả phượng, yến sào, hải sâm, vi cá mập, gân nai, tay gấu, tạo thành “bát trân” tức 8 món ăn quý trong các buổi tiệc cung đình.

16-48-01_dsc_1628
Bào ngư Bạch Long Vĩ

Bào ngư tuy là nhuyễn thể như trai, sò nhưng độc đáo ở chỗ chỉ có một mảnh vỏ, trên vỏ lại có chín cái lỗ nên được gọi là ốc cửu khẩu hay ốc chín mồm. Một bát súp có con bào ngư nhỏ bằng hai đầu ngón tay ở nhà hàng có giá nửa triệu thế mà trước đây khi Bạch Long Vĩ vẫn là đảo quân sự, bộ đội trên đảo mỗi lúc nhạt mồm, nhạt miệng cứ ra biển mò một lúc được cả rổ về, có những con to gần bằng chiếc giày.

Mỗi năm đơn vị bộ đội này khai thác 30 - 40 tấn bào ngư, ăn tươi không xuể, họ đem sấy khô để dành XK. Nuôi bào ngư đang là nghề đầy hứa hẹn ở Bạch Long Vĩ với vài chục hộ tham gia.

Nói về quá trình dân sự hóa trên đảo, công đầu tiên phải nhắc đến là đội TNXP hơn hai mươi năm trước. Đó là những chàng trai, cô gái ở nhiều miền quê chấp nhận ở trong những căn nhà tạm, ăn mì tôm mốc, chia nhau từng ca nước ngọt để ngày ngày khai hoang đất, trồng cây gây rừng. Họ đã hình thành nên huyện đảo ngày nay…

Tàu lướt nhẹ vào khu cảng rộng cả cây số được bao bọc bởi một con đê chắn sóng khổng lồ. Ngày gió mùa vài trăm tàu cá có thể tránh trú ở nơi đây. Cũng ở âu cảng này, anh TNXP Cao Văn Viên đã thành thương binh trong đợt chống bão số 10 năm 2009 khi vừa tròn 20 tuổi.

Giữa cơn thịnh nộ của đất trời, 15 TNXP trên đảo đã bất chấp hiểm nguy ra chằng buộc tàu, ứng cứu ngư dân. Một cơn sóng cao ngang mái nhà hất Viên quăng vào bờ đá, khiến anh gãy nát hai đoạn xương đùi.

Tuổi trẻ, bình phục nhanh. Ra đảo lần này tôi lại thấy “thương binh” Viên chạy hùng hục trên sân bóng, người cởi trần, lưng nhễ nhã mồ hôi.

3. Không thể mô tả lại được cảm xúc giữa muôn trùng sóng gió lại được nghe một tiếng chuông chùa. Tiếng chuông như gạch nối, nhắc nhớ về làng quê đất Việt.

16-48-01_dsc_1641
Chùa trên đảo Bạch Long Vĩ

Chùa trên đảo được xây bằng lòng hảo tâm của nhiều phật tử và tất cả các viên gạch được khắc trang trọng dòng chữ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như một thứ mốc chủ quyền, tâm linh độc đáo đến lạ thường.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất