| Hotline: 0983.970.780

Biển Đông, chúng tôi có mặt: Đây là Cồn Cỏ

Thứ Năm 19/06/2014 , 08:15 (GMT+7)

Đảo Cồn Cỏ là điểm tiền tiêu của Tổ quốc, một hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đất Việt giữa trùng khơi.

CỘT MỐC VỮNG CHẮC

Đoàn chúng tôi ra đảo Cồn Cỏ lần này trong một ngày đầu tháng 6, nắng vàng trải dài trên biển xanh. Trên bong tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường nhìn ra chấm xanh ngoài khơi xa nói rằng, Cồn Cỏ chỉ cách Cửa Tùng 17 hải lý, Cửa Việt 15 hải lý, thuộc ngư trường Con Hổ, rộng gần 9.000 km2, gần với vùng đánh cá chung, có tiềm năng về khai thác dịch vụ thủy sản. Đảo Cồn Cỏ có vị trí đắc địa trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Chưa đầy hai tiếng đồng hồ rẽ sóng, chiếc tàu của Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị đã cặp bến ở âu thuyền Cồn Cỏ trong tiếng ca vui của nhóm bạn trẻ qua bài hát “Con cua đá” của Ngọc Cừ và Phan Ngạn.

“Cồn Cỏ có con cua đá, là con cá đua. Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe, có tám cái que, có 2 cái càng. A... lính ta chiến đấu suốt ngày đêm. Có canh là canh cua đá. Càng bền sức trai”. Bài hát “Con cua đá” từ Cồn Cỏ mà vang xa khắp đất nước mấy chục năm nay.

Đặt chân lên đảo, tôi tìm đến Bến Nghè. Sực nhớ, thời còn sinh viên đã từng được GS Sử học Trần Quốc Vượng dạy rằng khu vực Bến Nghè, Bến Tranh của Cồn Cỏ, các nhà khảo cổ học đã có những phát hiện nhiều công cụ của người thời đá cũ cách đây hàng vạn năm.

11-16-36_do-con-co-1
Một góc đảo Cồn Cỏ

Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Cồn Cỏ đã từng là địa bàn cư dân Chămpa đặt chân đến. Đến khoảng thế kỷ 17-18, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt cũng đã coi Cồn Cỏ là của Đại Việt, là một điểm dừng lý tưởng trên biển Đông của nhiều ngư dân chúng ta.

Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ có diện tích 2,3 km2 này được coi là “cột mốc” vững chắc để vẽ đường cơ sở của lãnh hải Việt Nam.

Ở vùng biển đảo Cồn Cỏ có những rạn san hô đỏ nổi tiếng. Những người sống trên vùng biển đảo này kể lại sở dĩ san hô ở đây có màu đỏ là do máu của bao thế hệ quân dân huyện Vĩnh Linh đã đổ xuống trên đường tiếp tế vũ khí và lương thực cho Cồn Cỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thực hư về màu đỏ của san hô chưa biết được hợp thành bởi những yếu tố gì song kể từ chuyến hàng đầu tiên ra đảo Cồn Cỏ vào tháng 5/1965 cho đến năm 1968, không ai nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến tàu thuyền nữa chở người ra đảo để bảo vệ một phần đất Việt giữa trùng khơi, mà mỗi lần đi như vậy, các cảm tử quân đều được tổ chức truy điệu sống.

Nước mắt của những người vợ, người mẹ lại âm thầm chảy trong những lần đưa tiễn. Những cảm tử quân sau mỗi chuyến ra đảo không còn lại được bao nhiêu người.

Cồn Cỏ chỉ nằm cách bờ 30 km, nhưng để vượt qua khoảng cách ấy đến với Cồn Cỏ thân yêu, nhiều người đã đi mà không có về, máu của họ đã đổ xuống đỏ thắm hoà vào nghìn trùng đại dương.

11-16-36_do-con-co-2
Âu thuyền ở đảo Cồn Cỏ

Bác Hồ đã ba lần viết thư khen ngợi và tặng ảnh chân dung cho cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Cồn Cỏ, một hòn đảo nhỏ hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND luôn xứng đáng là điểm tiền tiêu của Tổ quốc.

ẤM ÁP NHƯ ĐẤT LIỀN

Trương Quang Hùng, anh lính Biên phòng ở đảo Cồn Cỏ, có vợ ở đất liền, là cô giáo dạy môn Lịch sử. Hùng dẫn tôi đến “dãy phố” với hơn chục ngôi nhà kiên cố, khang trang. “Dãy phố” này được các chiến sĩ trên đảo đặt cho một cái tên nghe hết sức ấn tượng, phố Hạnh Phúc! Đây là nơi sum họp của các đôi vợ chồng trên đảo.

Nhớ mấy năm trước cả đảo vui mừng chào đón sự kiện đôi vợ chồng đầu tiên làm lễ cưới trên đảo là anh Nguyễn Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Lan. Anh em trong Tổng đội TNXP và cán bộ chiến sĩ các đơn vị Biên phòng, Hải quân... mỗi người một tay lo cho tiệc cưới.

Thú vị ở chỗ, trước đó cô dâu Nguyễn Thị Lan đang ở trong quê nhà Vĩnh Linh đã chuẩn bị vào làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian ấy, anh Hiển, người yêu của chị lại tuyển vào lực lượng TNXP ra xây dựng đảo Cồn Cỏ. Tình yêu đã khiến cho Lan từ bỏ thành phố, quyết tâm ra đảo cùng Hiển xây dựng cuộc sống mới.

Tôi cũng được gặp một gia đình có 3 đời tham gia giữ đảo. Ông Nguyễn Văn Tống, người cảm tử quân năm xưa vận chuyển vũ khí ra bảo vệ đảo, đã bước sang tuổi 84. Ông Tống ra đảo thăm con trai, là anh Nguyễn Quang Thánh, trưởng làng thanh niên lập nghiệp của đảo.

Anh Thánh là một trong những người đầu tiên tình nguyện ra lập nghiệp ở đảo Cồn Cỏ. Cháu Nguyễn Quang Dũng, con của anh Thánh và chị Duyên, cũng được sinh ra và lớn lên trên đảo. Sự có mặt của gia đình ông Tống càng làm cho hòn đảo này thêm mạnh mẽ, kiên trung.

Dẫu Cồn Cỏ không vời vợi xa cách đất liền như Trường Sa, nhưng cũng biển trời cách mặt. Ở đảo vẫn thiếu nước ngọt trầm trọng. Mùa hạ giếng khoan khô cạn, bộ đội đánh răng, rửa mặt dè xẻn từng ca nhỏ. Mùa đông, trẻ em rét run người, tím tái cả thịt da. Song quân và dân trên đảo vẫn kiên trung, chắc tay súng, vững niềm tin nơi đầu sóng, ngọn gió, vì sự bình yên của đất nước.

Anh Thánh kể sau mỗi ngày ra khơi, tàu thuyền đều ghé lại âu thuyền trên đảo. Hàng trăm ngư dân nói đủ các giọng từ Bắc đến Nam khiến cho Cồn Cỏ ấm áp như đất liền.

Có nhiều khi ngư dân không phải ghé vào đảo vì gió bão, mà chỉ ghé vào để được bước chân lên đảo cho đỡ nhớ quê nhà. Những lúc ấy khách như chủ ngồi bên mâm rượu râm ran câu chuyện biển đảo quê hương.

Có lẽ ở đảo này không ai tự hào bằng cháu Nguyễn Thị Ngọc Ánh, con của anh Nguyễn Đức Hiền và chị Nguyễn Thị Thuý Ái, là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra tại đảo.

Ngày Ánh ra đời, dân làng thanh niên lập nghiệp ai không bảo ai nhưng đều nghẹn ngào, rơi nước mắt. Giây phút hạnh phúc nhất của nhóm cư dân đầu tiên trên đảo đợi chờ bao ngày qua đã đến. Họ đã vỡ oà lên trong niềm vui chất ngất.

Ngoài kia, biển đang hung dữ bỗng dịu dàng trở lại, cơn sóng bạc đầu cũng thôi gào thét để cả đảo lắng nghe tiếng khóc oa oa của một đứa bé được sinh ra để mai này làm chủ nhân của đảo.

11-16-36_do-con-co-3
Cháu Nguyễn Thị Ngọc Ánh, công dân đầu tiên ra đời trên đảo Cồn Cỏ

Cho đến bây giờ đảo Cồn Cỏ đã có 19 trẻ em, như 19 bông hoa mặt trời, là con của 13 gia đình trên đảo. Hình ảnh đáng yêu từ những trẻ thơ trong ngôi nhà mẫu giáo trên đảo cứ đông dần lên làm cho cuộc sống của các cư dân thêm ý nghĩa, đảo nhỏ thêm sức sống mỗi ngày.

Huyện đảo Cồn Cỏ đã thành lập được mười năm. Con số tiền đầu tư trung bình 100 tỷ đồng/năm xây dựng cơ sở hạ tầng cho đảo Cồn Cỏ đã làm cho đảo này mang dáng dấp của một đô thị. Con đường trung tâm của đảo đã được rải nhựa, đêm về lung linh ánh đèn điện.

Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh trăn trở phải làm thế nào để đảo ngày càng phát triển bền vững. Giữa năm 2005, sau mấy ngày lặn ở vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ,  ông Donald J. Macintosh, cố vấn trưởng Dự án Bảo tồn biển thông báo đáy biển Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất trong các đáy biển được khảo sát ở Việt Nam.

Đặc biệt lần đầu tiên phát hiện được san hô màu đỏ được phân bố diện tích rất rộng. Cồn Cỏ được ví như những cánh rừng nhiệt đới dưới biển với đa dạng sinh học phong phú, có hải sâm đen, sao biển xanh. Sinh thái cảnh quan trên đảo như bức tranh hữu tình. Thực vật đa dạng, chủ yếu rừng tự nhiên, nhiều cây to nhiều người ôm không xuể. Có những cây lạ không tìm thấy ở đất liền.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.