| Hotline: 0983.970.780

Biển Đông, chúng tôi có mặt: Hoàng Sa những ngày biển nóng

Thứ Sáu 20/06/2014 , 10:15 (GMT+7)

Ngày 17/5/2014, tôi may mắn được lên tàu Cảnh sát biển đi ra quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam. Những ngày lênh đênh trên biển, những ngày giáp mặt với những hiểm nguy đã cho tôi những trải nghiệm quý.

Tác nghiệp khi say sóng

Đoàn chúng tôi có 4 nhà báo gồm có tôi, BTV Xuân Tùng, quay phim Nguyễn Phi Hùng của VTV và nhà báo người Mỹ gốc Việt Vũ Hoàng Lân của Phố Bolsa TV đi cùng lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.

18h ngày 17/5 tàu Cảnh sát biển mang số hiệu CSB - 4032 rời cảng Tiên Sa đưa đoàn ra khơi. Tháng Năm. Biển khá êm, nhưng chỉ sau chừng 6-7 tiếng đồng hồ đa phần các nhà báo trên tàu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, nằm im một góc.

 Bữa tối đầu tiên trên biển, khi tiếng loa yêu cầu mọi người tập trung ăn cơm, nhiều người trong đoàn xin phép thuyền trưởng, thượng úy Vũ Trọng Huân, được uống tạm hộp sữa rồi đi nằm.

Mất hơn 15 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, chúng tôi nhận được thông báo đã tiếp cận vùng biển phía Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981. Ngay lập tức có lệnh chuyển tàu vì lúc này nhiều tàu Trung Quốc đã phát hiện tàu CSB - 4032 vừa đi từ đất liền ra, rất có thể là tàu tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm nên sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào.

Sau khi thuyền trưởng Vũ Trọng Huân phát tín hiệu chuyển tàu, Sở Chỉ huy Cảnh sát biển cho phép tàu kiểm ngư KN 767 thuộc biên đội Kiểm ngư vùng 4 cập mạn. Sóng biển vỗ ầm ập. Những chuyến cập mạn mất gần cả tiếng đồng hồ. Như vậy, sau một ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã có mặt ở vùng biển Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương 981 độ 8 hải lý.

Lúc này, những cơn say sóng bắt đầu ngấm khiến nhiều người trên tàu không gượng dậy nổi, nôn thốc nôn tháo. Vậy mà ngay khi vừa thấy bóng giàn khoan Hải Dương 981 và tàu Trung Quốc, tất cả đều bật dậy cầm máy lao lên bong tàu, mạn tàu để tác nghiệp.

Những cơn mệt tưởng trong phút chốc tiêu tan đâu hết. Mặc sóng to gió lớn, mặc tàu thuyền chao đảo khiến không ít lần chúng tôi lao cả người cả máy vào mạn tàu.

Có lẽ sự bức xúc trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc và niềm say mê nghề nghiệp, cảm giác nóng lòng muốn được chuyển tải thông tin về đất liền đã chiến thắng những dập dềnh của những cơn sóng dữ.

KN 767 là một trong khoảng hơn 20 tàu của lực lượng kiểm ngư đang chấp pháp trên vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981. Lan can tàu bị đâm thủng, hệ thống cửa kính, buồng lái bị vòi rồng của tàu Trung Quốc đâm húc gây hư hỏng nặng.

Hầu hết các lỗ hổng trên tàu đều phải lấy lưới bịt kín. Tiếng điện đàm từ Sở Chỉ huy của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sang sảng: "Các tàu chú ý. Tàu Trung Quốc đang dàn trận để tấn công chúng ta".

Ăn uống cũng gian nan. Dù bữa ăn có đầy đủ cá, tôm, mực vừa bắt lên từ biển tươi roi rói nhưng không ít thành viên trong đoàn phải nằm ăn rất khó nhọc vì cứ ngồi dậy là chóng mặt, nuốt được vài miếng vào lại phải chạy đi nôn. Vậy mà cũng chưa yên. Một số người vừa bưng bát thì những chiếc tàu khổng lồ của Trung Quốc lừ lừ xuất hiện, đèn pha sáng quắc, gầm gừ hăm dọa.

Tôi đã từng tác nghiệp ở biên giới, tác nghiệp ở vùng lũ, tác nghiệp trong tâm bão với sức gió giật trên cấp 12..., nhưng quả thực chưa có nơi nào gian nan như ở Hoàng Sa.

Vừa bước lên tàu KN 767 tôi đã thấy tấm biển lớn treo ở chính giữa khoang tàu: Để tiết kiệm nước sạch, 3 ngày mới được tắm một lần. Giữa biển cả bao la, nước sạch là thứ quý giá nhất, dù có phần ưu tiên cho khách là các nhà báo nhưng nhiều thành viên trên tàu vẫn động viên chúng tôi... không nên tắm.

“Đàn ông với nhau cả, tắm gì nhiều anh nhỉ. Vừa tốn nước, vừa phải giặt quần áo. Chúng em có khi cả tuần mới tắm một lần”, Nguyễn Hoàng Nhân, một kiểm ngư trẻ tuổi nói với tôi như thế.

Giây phút giáp mặt tàu Trung Quốc cuối cùng cũng đến. Nó rất đặc biệt. Bình thường có thể say sóng lử khử, chân chẳng buồn bước, nhưng thấy tàu Trung Quốc tiếp cận tấn công tàu Việt Nam, thấy ai cũng nhanh như sóc, cũng chạy ào ào.

Chứng kiến những cảnh ấy, thuyền trưởng tàu Kiểm ngư KN 767 Đinh Hữu Đoan nói vui: "Các anh nhà báo cứ như con thiêu thân ấy nhỉ. Bình thường mệt mỏi thế mà thấy tàu Trung Quốc là lao ầm ầm, bất chấp cả hiểm nguy".

Không thể kìm nén những giọt nước mắt

Đó là giây phút khi đoàn nhà báo chúng tôi rời tàu KN 767 sang thuyền thúng để lên tàu Đna 90235 của ngư dân đang đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống của Việt Nam cách giàn khoan Hải Dương 981 độ 10 hải lý.

09-25-41_nh1
Nhà báo Hoàng Anh (bên phải) và ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Kiểm ngư ở Hoàng Sa

Sóng ầm ập, giữa muôn trùng biển khơi, không phải ai cũng đủ dũng khí để leo lên thuyền thúng. Thuyền trưởng Trương Văn Hay trông như đang diễn xiếc khi chèo lái nó. Nhiều người trong đoàn đã không cầm được nước mắt. Họ khóc vì cảm động, khóc vì thương những ngư dân và sự can trường của họ.

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Trương Văn Hay (49 tuổi quê ở Thanh Khê, Đà Nẵng). Trên tàu có 16 ngư dân Việt Nam. Khi nghe những người trên tàu kể lại những lần ngư dân bị tàu vỏ sắt Trung Quốc tấn công, nhà báo Vũ Hoàng Lân một tay cầm micro phỏng vấn, một tay vén áo lau nước mắt.

“Họ toàn dùng tàu sắt đi thành từng đoàn hàng chục chiếc. Nhìn từ bên ngoài, ban đầu chúng tôi cứ tưởng là tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc, nhưng đến lúc theo dõi kỹ mới phát hiện đó là tàu bán vũ trang.

Trên tàu không hề có ngư dân, không hề có ngư lưới cụ, mũi tàu được thiết kế theo kiểu tàu chiến, mũi nhọn hoắt, người trên tàu mặc quân phục, đóng thùng chỉn chu. Khi phát hiện tàu đánh cá Việt Nam họ tổ chức truy đuổi và hung hãn đâm ngang tàu chúng tôi rất tàn bạo.

Tàu họ làm bằng sắt, tàu chúng tôi làm bằng gỗ nên chịu không nổi. Toàn bộ khu vực ca bin bị đâm sập hoàn toàn”, những ngư dân ở Hoàng Sa kể.

Tối 18/5, tôi cùng các nhà báo trong đoàn theo tàu của ngư dân để có thể ghi lại những khoảnh khắc bị tàu Trung Quốc vây ráp trên chính ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. 21 giờ đêm, tàu cá chúng tôi bị hai chiếc tàu khổng lồ mang số hiệu 71075 và tàu 98006 liên tục truy đuổi, đâm húc, tấn công...

Hàng chục chiếc tàu còn lại được sự hậu thuẫn của các tàu hải giám, hải cảnh cũng đồng loạt phát lệnh tấn công những tàu cá khác của ngư dân Việt.

Lần đầu tiên trong cuộc đời làm báo, được trực tiếp sát cánh cùng ngư dân trong thời khắc bị tàu Trung Quốc tấn công chúng tôi vô cùng xúc động.

Khi chia tay ngư dân để quay trở lại tàu KN 767, nhà báo Vũ Hoàng Lân có nhã ý sẽ kêu gọi kiều bào hỗ trợ riêng cho những ngư dân bám biển một số tiền, nhưng những người trên tàu đã khiến anh thêm một lần rơi nước mắt.

Họ nói thế này: Tàu Trung Quốc rất lớn, rất mạnh nhưng đây là ngư trường truyền thống của cha ông chúng tôi nên chúng tôi nhất định phải ra sức bảo vệ. Đây là nhiệm vụ. Chúng tôi xin cảm ơn những tấm lòng tương trợ, nhưng trong lúc này chúng tôi chỉ nghĩ đến bám biển. Tính mạng chúng tôi cũng không tiếc.

Ở Hoàng Sa, gian khổ có thừa, hiểm nguy có thừa, nhưng cũng chính nơi này đã thể hiện phẩm chất, ý chí của những con người nơi đầu sóng ngọn gió. Từ lực lượng chấp pháp đến ngư dân bám biển đều có chung tâm sự: Đất liền hãy an tâm và tin tưởng vào khả năng chúng tôi. Khó khăn thật đấy, vất vả thật đấy nhưng lực lượng chấp pháp, bà con ngư dân bám biển nhất quyết một lòng đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam. Chừng nào Trung Quốc chưa rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển này thì chừng đó chúng tôi vẫn còn tiếp tục đấu tranh.

Sẽ có một ngày ngư dân chúng ta có thể an toàn đánh bắt trên ngư trường truyền thống của cha ông mình mà không sợ bất cứ thế lực nào dòm ngó.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất