| Hotline: 0983.970.780

Biến Nghĩa Đàn thành "vương quốc" bò sữa

Thứ Tư 05/10/2011 , 10:13 (GMT+7)

Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) được đầu tư tổng số tiền trên 6.849 tỷ đồng (tương đương 350 triệu USD).

Như NNVN đã từng thông tin, mục tiêu của Cty CP sữa TH là đến năm 2020 sẽ cho ra đời một ngành sản xuất, chế biến sữa hiện đại nhất tại Việt Nam, hướng tới đáp ứng đủ nhu cầu sữa tươi của người tiêu dùng trong nước nên ngay từ giai đoạn I (2009 - 2012), dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) được đầu tư tổng số tiền trên 6.849 tỷ đồng (tương đương 350 triệu USD).

>> Quản lý theo công nghệ Ixraen
>> Công nghệ nuôi bò sữa của TH

Theo đó, Cty CP sữa TH sẽ thu hồi 8.100 ha đất nông nghiệp để trồng cỏ nguyên liệu, xây dựng xong 8 khu trại bò và nhập khẩu khoảng 20.000 con bò sữa HF từ New Zeland về Việt Nam. Kết thúc giai đoạn I, tổng đàn bò sữa HF + với đàn bê sữa sẽ lên tới con số 45.000 con. Cùng với việc xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 560.000 lít sữa/ngày tại huyện Nghĩa Đàn, nhà đầu tư cam kết sau 5 năm đi vào sản xuất, Cty CP sữa TH sẽ nộp ngân sách tỉnh Nghệ An khoảng 720 tỷ đồng/năm.

Theo quyết định phê duyệt dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp số 05/QĐ-HĐQT, của HĐQT Cty CP sữa TH vào ngày 12/6/2010, sẽ thực hiện 3 giai đoạn đầu tư với tổng kinh phí 1 tỷ USD. Hiện đang hoàn tất các phương án tiếp theo để chuyển dự án sang giai đoạn II (từ năm 2012- 2015), cùng với lượng bò HF hiện có và đang tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam; đến năm 2015, tổng đàn bò sữa tại Nghĩa Đàn sẽ tăng lên con số 80.000 con các loại. Trong đó có 50.000 con bò cho sữa mỗi ngày.

Làm vệ sinh hệ thống máy trước khi vắt sữa

Để dự án triển khai đúng tiến độ của từng giai đoạn, Cty đang cùng với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Nghĩa Đàn xúc tiến công tác GPMB để thuê thêm cho dự án này khoảng 7.000 ha đất nông nghiệp. Đến lúc đó tổng sản lượng sữa tươi thu được của dự án chắc chắn sẽ vượt qua mốc 1 triệu lít/ngày, nên Cty CP sữa TH sẽ đầu tư thêm nhà máy sữa thứ 2 với công suất 600.000 lít sữa/ngày.

Sang giai đoạn III (từ năm 2015 đến 2020), để có quy mô đàn bò sữa các loại lên 137.000 con vào cuối năm 2020 và đạt mục tiêu chế biến 1.700.000 lít sữa/ngày, Cty CP sữa TH sẽ cùng với Nghệ An tiếp tục xúc tiến GPMB để lần lượt thu hồi thêm khoảng 22.000 ha đất để xây dựng trang trại, nhà máy và trồng cỏ, nâng tổng diện tích đất của dự án này lên 37.000 ha. Song hành với nó, Cty sẽ xây dựng thêm nhà máy chế biến sữa thứ 3 có công suất 600.000 lít/ngày.

Như vậy, cho đến khi kết thúc giai đoạn III, tổng số tiền rót vào dự án này sẽ nằm ở mức 1 tỷ USD. Đến lúc ấy, huyện Nghĩa Đàn sẽ biến thành "vương quốc" bò sữa tại tỉnh Nghệ An…

Trả lời chúng tôi về chất lượng giống bò sữa của dự án này, ông Barak, Giám đốc cụm trại bò sữa của Cty CP sữa TH cho biết: Việc Cty CP sữa TH nhập khẩu đàn bò sữa HF của New Zeland khiến ông hoàn toàn yên tâm. Ông Barak cho rằng: Trong số các quốc gia nuôi và xuất khẩu bò sữa hiện nay thì đàn bò sữa của New Zeland được xếp vào loại sạch bệnh và sản lượng sữa cao nhất trên thế giới. Bò sữa New Zeland có khả năng chịu rét tốt. Nhiệt độ duy trì ở mức từ 5 đến 10 độ C chúng vẫn phát triển tốt và cho sản lượng sữa cao.

Đàn bê sữa cái được nuôi dưỡng tại Nghĩa Đàn

Thời gian qua đàn bò sữa HF của Cty CP sữa TH nhập khẩu về đều được tuyển chọn rất kỹ tại chính quốc và chỉ nhập khẩu bò sữa mới 7-8 tháng tuổi về Việt Nam, trong đó tỷ lệ bò có chửa lần đầu chiếm một tỷ lệ phù hợp với lộ trình đã định sẵn, số còn lại khoảng 2 - 3 tháng sau mới bắt đầu động dục nên trong giai đoạn I của dự án, số bê sữa cái sinh ra từ bò sữa HF được nhập về các đợt đầu tiên đến nay cũng có một số bắt đầu chửa đẻ và cho sữa.

Trong quá trình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò sữa HF động dục tại đây, 100% số tinh bò sữa dùng để phối giống đều nhập khẩu từ New Zeland nên số bê sữa sinh ra tại Nghĩa Đàn đều thuần nhất 100% máu bò sữa của quốc gia này, không hề có một sự lai tạo nào từ các giống bò sữa khác.

Điều nhà đầu tư quan tâm nhất là vấn đề làm sao để lo đủ nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho đàn bò sữa khổng lồ này nhằm giảm tối đa việc nhập khẩu cỏ từ nước ngoài. Bởi vậy, trong thời gian qua, đội ngũ chuyên gia Ixraen và các kỹ sư trồng trọt người Việt đã tổ chức nhiều mô hình khảo nghiệm rất nhiều giống cỏ ngoại được đánh giá là có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao trên đất Nghĩa Đàn.

Thế nhưng, tới thời điểm hiện nay, chỉ mới có 2 loại cỏ thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất đỏ bazan này. Đó là cỏ Mombasa và cỏ voi. Hai loại cỏ này nếu chăm bón tốt đều cho năng suất rất cao. Trong đó thành phần dinh dưỡng và tỷ lệ sử dụng làm thức ăn cho bò sữa ăn của cỏ Mombasa cao hơn hẳn cỏ voi. 

Đồng cỏ Mombasa ngút ngàn tại xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn

Từ việc sản xuất căn cơ, bài bản, sản phẩm của TH (sữa TH true Milk -100% sữa tươi tiệt trùng) hiện đang được người tiêu dùng đón nhận và từng bước mở rộng thị phần. Về lâu dài, chiến lược của Cty CP sữa TH không chỉ cung cấp đủ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới các quốc gia láng giềng trong khu vực. Hy vọng trong một tương lại gần các sản phẩm sữa của Cty CP sữa TH sẽ trở thành một mặt hàng xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Song hành với hàng trăm ha cỏ, tại đây còn gieo trồng rải vụ hàng nghìn ha ngô, cây cao lương và thu mua hàng nghìn tấn rơm để chế biến thức ăn cho đàn bò sữa. Có thể nói những cánh đồng cỏ voi, cỏ Mombasa, những cánh đồng ngô, cao lương xanh tốt trên những triền đồi đất đỏ bazan màu mỡ của Nghĩa Đàn sẽ giúp Cty tự lo đủ nguồn cung thức ăn cho đàn bò sữa khổng lồ cả hiện tại và trong tương lai…

Trả lời chúng tôi về tương lai phát triển của dự án này, ông Gil Inbar, TGĐ điều hành Cty CP sữa TH (người Ixraen) lạc quan nói: Như mọi người đã biết, cách điều hành từ SX, chế biến cũng như khâu tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi là rất chuyên nghiệp. Mọi bước đi, mọi công đoạn đều có tầm định hướng và các bước đi thích hợp theo một phương pháp tư duy rất rõ ràng và khoa học.

Việc Cty CP sữa TH mua bản quyền và thuê chuyên gia Ixraen chuyển giao các công nghệ tiên tiến đó cho mình trong mọi lĩnh vực của dự án, trong đó có chiến lược tiêu thụ sản phẩm, nên ông Gil Inbar tin là mọi dự kiến mà nhà đầu tư đưa ra sẽ "xuôi chèo mát mái" như người Việt Nam vẫn thường nói. Điều quan trọng là lượng sữa tươi mà Cty cung cấp cho thị trường ngày càng tăng sẽ góp phần thực hiện ý muốn tốt đẹp và nhân văn mà nhà đầu tư đặt ra là từ dòng sữa tươi này sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện chiều cao và nâng tầm trí tuệ của người Việt Nam.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.