| Hotline: 0983.970.780

Biển người rơi lệ

Thứ Hai 07/10/2013 , 08:51 (GMT+7)

Khoảng trời trước Hoàng thành Thăng Long phủ kín nỗi niềm thương tiếc một trong những người con vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam.

14 giờ 30 phút ngày 6/10, ngôi nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội) mở cửa đón người dân đến viếng. Khoảng trời trước Hoàng thành Thăng Long ngày hôm qua phủ kín nỗi niềm thương tiếc một trong những người con vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam.

 
Đoàn người dài như vô tận xếp hàng chờ vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng bất tử

Buổi viếng chiều 6/10 kéo dài từ 14 giờ 30 đến 18 giờ. Theo ước tính có hơn chục ngàn người đã đến dâng hương. Trong số họ, có người đã từng được gặp, có người chưa, có người lại may mắn từng được chiến đấu, được công tác chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng ngày hôm nay, cả biển người này chung một nỗi đau, chung một niềm tiếc thương vô hạn, cùng nhau tưởng nhớ đến vị Anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Dẫu biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là của cả thế giới, của cả dân tộc Việt Nam, nhưng trong lòng mỗi người dân, họ có những cách thể hiện tình cảm với hình ảnh riêng của mình.

Trước thời khắc ngôi nhà mở cửa, hàng ngàn người đã đứng xếp hàng kín đường Hoàng Diệu. Đông nhưng trang nghiêm, kính cẩn. Nhiều người mang theo di ảnh Đại tướng, nhiều người mang theo hoa, có đứa trẻ vừa sinh ra, có cụ già không thể tự đi lại được nữa nhưng vẫn bắt con cháu dìu đến viếng. Tiếng đàn violon tiễn đưa bằng bản nhạc "Hồn tử sĩ" của nghệ sĩ Tạ Trí Hải càng làm nỗi đau trong mỗi người dân thêm lắng đọng. Hàng vạn lượt người kính cẩn dâng hương, không ít người chẳng thể kìm nén nỗi đau, vỡ òa thành tiếng khóc.


Bà Nguyễn Thị Xuân không cầm được nước mắt

Tôi đã gặp hai cụ già dâng hương xong cứ đứng ôm nhau khóc sụt sùi như những đứa trẻ. Một người đến từ tỉnh Nghệ An, một người tận mãi Bạc Liêu. Họ chưa hề quen biết nhau, nhưng dường như nỗi đau thương, mất mát có thể hòa làm một. Họ cũng chưa từng có may mắn gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng trong lòng mỗi người đều khắc sâu hình ảnh vị Anh hùng dân tộc theo cách riêng của mình.

Ông cụ thứ nhất tên là Nguyễn Văn Phải (76 tuổi) ở ấp Ninh Thạnh, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Vân, tỉnh Bạc Liêu. Ngay khi vừa hay tin Đại tướng mất, ông vay tiền con cháu mua vé máy bay ra Hà Nội, thuê nhà trọ ở liền mấy ngày để dâng lên Đại tướng nén nhang. Ông Phải đến từ rất sớm, ngày mai, ngày kia sẽ tiếp tục đến nữa nếu ngôi nhà còn mở cửa.


Ông Nguyễn Văn Phải, một nông dân tận Bạc Liêu ra Hà Nội dâng hương

“Cha anh tôi đều liệt sĩ, gia đình có 7 nhân khẩu thì chiến tranh hi sinh mất 5. Tôi vào bộ đội, dù chưa có dịp gặp mặt Đại tướng bao giờ, nhưng trong chiến tranh, tôi đứng ở chiến hào, nghe lời kêu gọi của Đại tướng chống giặc ngoại xâm làm tròn nhiệm vụ với dân tộc. Từ thời khắc ấy, lòng tôi đã có một tình cảm đặc biệt với Đại tướng. Mấy chục năm trời, dù công tác ở địa vị nào, kể cả lúc nghỉ hưu về làm nông dân thì hình ảnh Đại tướng vẫn luôn là tấm gương sáng mà tôi luôn cố gắng học tập, noi theo. Hôm nghe tin bác mất tôi xúc động quá, dù điều kiện còn khó khăn nhưng lòng tôi quyết tâm phải ra Hà Nội một chuyến, dù chỉ để dâng lên bác nén nhang. Dẫu không gặp được con người Đại tướng bằng da bằng thịt thì tôi tin là với tấm lòng chân thành, với tình cảm to lớn dành cho Đại tướng, có thể tôi sẽ được gặp bác trong mơ. Thế cũng thỏa lòng”, ông Phải nói với phóng viên.

Cũng như ông Phải, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khắc vào lòng ông Đặng Khắc Thơi (80 tuổi) ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sâu sắc đến nỗi ông nói rằng, nửa cuộc đời mình luôn đau đáu giấc mơ được gặp Đại tướng một lần. Đến hôm nay, dù giấc mơ ấy không bao giờ thành hiện thực nữa, nhưng được ở đây, được dâng lên Đại tướng nén hương thơm lòng ông thấy nhẹ nhàng. Tiếc thương thì vô hạn, đau đớn khôn cùng, nhưng trong lòng ông Thơi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bất tử. “Những năm kháng chiến, bộ đội đóng quân trong nhà tôi, họ treo ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được nghe họ kể rất nhiều câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, những chiến công hiển hách của Đại tướng mà tôi khâm phục quá. Từ đó, hình ảnh Đại tướng trở thành tấm gương để tôi sống, làm việc, sau này là nuôi dạy con cháu mình. Tôi không được gặp Đại tướng, nhưng hình ảnh thì mãi mãi ở trong lòng”.


Hàng vạn người đã đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày hôm qua

Trong biển người đến viếng Đại tướng, tôi để ý thấy một chàng trai trẻ mặc trang phục của người Tày. Đó là Hoàng Văn Tường, một thanh niên người Tày ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Hai hôm trước, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, ngay trong đêm tối Tường quyết bắt xe khách xuống Hà Nội để viếng. Tường đang là lao động tự do, anh không diễn đạt được lý do vì sao lại tức tốc xuống Hà Nội khi nghe tin Đại tướng mất.

Tường chỉ bảo: Kể từ khi em biết đọc sách báo thì hình ảnh Đại tướng đã khắc sâu vào lòng. Như bao người Việt Nam khác, em mơ được gặp Đại tướng một lần những không có điều kiện. Hôm nghe tin bác mất, tự nhiên em thấy lòng mình thôi thúc đi Hà Nội thắp hương cho bác, thế là nhảy xe đi luôn, viếng bác xong em lại về. Đơn giản thế thôi.

Có lẽ, tình cảm đối với một Anh hùng vĩ đại của dân tộc không phải ai cũng giải thích được vì sao. Từ Hoàng Văn Tường, một thanh niên ở vùng địa đầu Tổ quốc cho đến cụ ông Nguyễn Văn Phải ở gần tận cùng cực Nam, họ đã lặn lội về đây để dâng lên Đại tướng một nén hương thơm. Những tình cảm ấy có cần phải giải thích không?

“Tôi muốn được đi theo Đại tướng”

Lẫn trong tiếng khóc òa của nhiều người, ông Lưu Ngọc Linh (71 tuổi) liên tục gào khóc và thốt lên những lời như thế. Chắc chắn không ai dám nghi ngờ câu nói ấy. Ông Linh nguyên là bộ đội của Binh đoàn 559, Binh trạm 33 chiến đấu ở rừng Trường Sơn cùng với đồng chí Đồng Sĩ Nguyên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của ông Linh. Từ chiến trường Trường Sơn cho đến khi chiến tranh kết thúc và tận đến ngày hôm nay, trong lòng ông Linh, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếm một vị trí vô cùng đặc biệt.


Ông Lưu Ngọc Linh khóc ngất khi đến viếng Đại tướng

“Ôi trời ơi, đau đớn quá. Nhớ khi Bác Hồ mất tôi như chết nửa đời người, bây giờ lại đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi muốn cùng đi theo ông. Ôi, một con người vĩ đại, có nhân, có đức, có tài”. Nói xong những lời ấy, ông Linh khóc nghẹn, vật vã gần như muốn ngất.

Đau thương quả thật vô hạn. Nhưng có những nỗi đau lớn lao đến mức khiến con người ta không thể khóc được nữa rồi. Bà Hoàng Thị Vịnh (86 tuổi) quê ở Quảng Bình là một người như thế. Bà Vịnh giải thích rằng bà đã khóc quá nhiều. Đau lắm. Có thể chính vì nỗi đau quá lớn đã làm cho nước mắt bà tắc nghẹn, chảy ngược vào tim. Có lẽ, trong số những người mà tôi gặp trong lễ viếng chiều nay bà Vịnh là người có quãng thời gian công tác, chiến đấu cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều nhất. Vợ chồng bà Vịnh từng chiến đấu ở Sư đoàn 325, sư đoàn 20B cùng Đại tướng. Chồng bà hi sinh ở Thành cổ Quảng Trị, bà là bác sĩ quân y, liên tục chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng trong nhiều năm liền. Bà khóc khi thấy Đại tướng thăm hỏi từng chiến sĩ bị thương trong rừng Quảng Trị. Khóc khi thấy Đại tướng khóc trong những lần bộ đội ta thiếu ăn, sốt rét. Khóc khi biết tin sức khỏe Đại tướng giảm sút từ mấy năm trước rồi.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp bình dân lắm, tình cảm lắm, chăm lo, hỏi han cho từng chiến sĩ khi bị thương. Bao nhiêu năm nay, chỉ cần nghĩ đến hình ảnh Đại tướng sút cân khi lo lắng cho bộ đội là tôi chảy nước mắt rồi. Từ hôm Đại tướng mất, tôi đã khóc quá nhiều, đến hôm nay gần như cạn dòng nước mắt”, bà Vịnh cho hay

18 giờ cùng ngày, hết thời gian thăm viếng, nhưng hàng ngàn người vẫn đổ về con đường Hoàng Diệu. Ít nhất là họ có thể đặt một bông hoa, thành kính vái lạy, dù chỉ trước cổng ngôi nhà. Hôm nay nữa, và đến hết ngày 11/10, sẽ tiếp tục có rất nhiều người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ngôi nhà này.

Xem thêm
10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất