| Hotline: 0983.970.780

Biến rơm rạ thành tiền

Thứ Năm 24/02/2011 , 10:04 (GMT+7)

Mô hình dạy cho người nông dân biết cách chuyển rơm rạ thành tiền của Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) triển khai sáu năm qua và rất thành công.

công ăn việc làm ổn định để từ đó giảm tình trạng lao động ly hương làm thuê tại các làng quê đang trở thành bài toán nan giải trong đề án dạy nghề cho LĐNT của Chính phủ hiện nay. Mô hình dạy cho người nông dân biết cách chuyển rơm rạ thành tiền của Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) triển khai sáu năm qua đã phần nào trả lời được bài toán trên.

Cho cần câu chưa đủ

Đó là lời khẳng định đầu tiên của ông Đới Văn Ngọc – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nghĩa Hưng khi chúng tôi bàn về chương trình dạy nghề cho LĐNT. Ông Ngọc chia sẻ, dạy nghề cho LĐNT là chủ trương kịp thời đúng đắn, nó góp phần nâng cao thu nhập, dân trí cho người dân, từ đó thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Nhưng ông Ngọc cho hay, để đạt được thành công và kết quả to lớn khi dạy nghề cho người nông dân, trước tiên những người làm công tác giảng dạy phải thật sự hiểu người nông dân họ có gì trong đầu, trong tay và cần những gì?

Rất nhiều người cho rằng, thay vì cho người nông dân con cá hãy cho họ cái cần câu. Nhưng theo ông Ngọc, cho cần câu thôi vẫn chưa đủ mà phải cho cần câu loại gì và dạy cách câu như thế nào. Thực tế chứng minh, nhiều dự án sau khi cho người dân "cái cần câu" rồi thì bỏ mặc người dân tự xoay sở dẫn tới tình trạng người dân không sử dụng được cái cần câu đó hay có sử dụng nhưng hiệu quả không cao. Ông Ngọc kể, có một người cán bộ ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng đã đến gặp ông khóc kể về một mô hình phát triển kinh tế tại xã ông đã thất bại mà hậu quả nó để lại đau đớn không khác gì việc phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay.

Có một thực tế phải nhìn thẳng, nhìn thật hiện nay là trình độ nhận thức và hiểu biết của người nông dân nước ta còn hạn chế, tư tưởng sản xuất manh mún nhỏ lẻ đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ, cách sống của bà con. Vì vậy, khi dạy nghề cho người nông dân phải dạy thật, dạy đến nơi đến chốn, dạy xong rồi vẫn phải tiếp tục “bảo trì, bảo dưỡng” định kỳ thì bộ máy mới hoạt động trơn tru bền vững. Bài học xương máu mà Trung tâm Dạy nghề huyện Nghĩa Hưng đã từng nếm trải là một ví dụ. Khi phong trào trồng nấm manh nha, người dân bắt đầu hưởng ứng thì nấm làm ra không bán được, thậm chí đem cho không họ còn vứt xuống sông vì e ngại nấm độc.

 Đứng trước khó khăn trên, giáo viên của trung tâm phải xắn tay mang nấm của bà con đến các chợ bán hộ rồi bản thân Giám đốc Đới Văn Ngọc cũng phải mặc tạp dề tới các nhà hàng trên địa bàn trực tiếp chế biến nấm giới thiệu tới khách hàng. Khi thị trường đã bắt đầu quen với thực phẩm là cây nấm thì bà con lại nổi lòng tham để nấm nở to hết cỡ bán cho được nặng cân mà không hề hay biết rằng khi đó cây nấm ăn sẽ như rơm. Vậy là trung tâm lại tất bật huy động hết cán bộ tới các chợ, nhà dân để mua lại hết số nấm đó tránh đưa ra thị trường gây mất lòng tin cho khách hàng.

 Rồi gặp những năm thời tiết thất thường tại trụ sở trung tâm luôn vắng như “chùa Bà Đanh” bởi cán bộ giáo viên đều túc trực ở các cơ sở làm nấm của người dân giúp bà con tưới nước, chăm sóc cho nấm ra đúng thời vụ... Từng đó thôi cũng đủ để hiểu rằng, để dạy cho người nông dân sống được bằng một nghề nào đó, mồ hôi và nước mắt phải bỏ ra không kể xiết.

Học từ dân để dạy dân

Cái duyên với nghề trồng nấm bắt đầu khi ông Ngọc ôm mặt khóc rưng rức chứng kiến cảnh người dân sau mỗi vụ mùa lại đốt rơm rạ khói um cả làng quê gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tắc nghẽn sông ngòi. Đứng trước những đống khói lửa nghi ngút ấy, ông Ngọc chợt nhớ tới lời một người bạn nước ngoài nói rằng, nông dân Việt Nam đang ngồi trên đống đô la sao không biết tận dụng mà lúc nào cũng đi xin dự án của nước ngoài làm gì cho khổ.

Chột dạ, ông Ngọc nghĩ phải tận dụng được thứ tài nguyên vô tận đó. Chính từ trăn trở ấy mà sau này khi lên làm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng, ngay lập tức ông Ngọc đưa mô hình trồng nấm vào giảng dạy cho người nông dân

Thành công nào cũng phải trả giả bằng những thất bại. Giám đốc Đới Văn Ngọc thừa nhận, để có được thành quả như ngày hôm nay, bản thân ông và cán bộ giáo viên của trung tâm đã nếm trải không biết bao nhiêu mùi vị đắng cay. Nhưng bù lại, trung tâm rút ra được vô vàn bài học, kinh nghiệm quý báu từ chính người nông dân.

Sở dĩ, trung tâm chọn nghề trồng nấm để dạy bà con không phải do ngẫu nhiên, mà đó là cả một quá trình đúc kết được khi cán bộ trung tâm quyết định chọn người nông dân để gắn bó. Thứ nhất, nông dân mình phần đa là rất nghèo nên không thể đưa những mô hình nguyên liệu đầu vào quá cao họ không kham nổi. Thay vào đó phải chọn cây gì, con gì, nghề gì chi phí sản xuất thấp, nguyên liệu sẵn, dễ tìm kiếm người dân họ mới theo được. Thứ hai, trình độ hiểu biết của người nông dân có hạn, vì vậy nên dạy nghề gì dễ dàng nhanh thu được sản phẩm họ mới ham.

“Từ những điều kiện trên, chúng tôi quyết định chọn nghề trồng nấm để dạy cho người nông dân trong huyện vì không còn mô hình nào lúc bấy giờ phù hợp hơn. Học nghề nấm rất đơn giản nên người dân dễ tiếp thu”- Giám đốc Đới Văn Ngọc chia sẻ. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã đào tạo nghề trồng nấm cho trên 5.000 người dân, hầu hết là bà con nông dân nghèo ở các xã trong huyện và tỉnh. Đáng mừng hơn, trong tổng số hơn 5.000 học viên đã qua đào tạo đó có tới 30% sống được bằng nghề trồng nấm.

Mùa nào thức nấy, trung tâm đều chọn cách dạy “cuốn chiếu” cho người dân dễ hiểu, dễ thực hành; mùa đông người nông dân học trồng nấm mỡ, mùa hè dạy làm nấm rơm, sang thu lại trồng nấm sò, linh chi... Tết vừa rồi, rất nhiều bà con huyện Nghĩa Hưng đã trúng to vụ nấm sò khi một tấn rơm thu về được 7 tạ nấm, giá bán ngoài thị trường là 15.000 đồng/kg, trừ chi phí rơm và giống hết 3 triệu đồng người dân bỏ túi ngon ơ 7 triệu đồng chỉ trong vòng có 40 ngày.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.