| Hotline: 0983.970.780

Biển tấn công ngư dân

Thứ Sáu 12/11/2010 , 10:21 (GMT+7)

Sạt lở ven biển như một điệp khúc quen thuộc đẩy các làng chài với hàng nghìn hộ dân bao đời bám biển mưu sinh nay phải dần xa biển.

Đến hẹn lại lên, sạt lở ven biển các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà (TT - Huế) như một điệp khúc quen thuộc đẩy các làng chài với hàng nghìn hộ dân bao đời bám biển mưu sinh nay phải dần xa biển.

Đuổi làng

Về xóm chài Tân Thành (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) trong ngày gió chướng, từng đợt sóng quất mạnh vào bờ như muốn nuốt nốt những căn nhà còn lại. Dọc theo mép biển, nhiều dãy nhà bằng bê tông kiên cố được người dân làng chài chắt bóp cả đời bám biển mới xây nên nổi, thế mà nay bị sóng đánh tan, quật đổ trong những ngày biển dữ. Loay hoay mãi trong bãi nhà hoang ven biển, chúng tôi mới tìm được tới xóm những hộ dân làng chài còn sót lại liều mình “sống chung” với sóng dữ để bám biển mưu sinh.

Vừa huy động thanh niên trai tráng trong làng chài ra sửa đoạn đường bê tông vừa bị sóng biển đánh tan, ông Võ Hàm (65 tuổi) chỉ tay về phía mép biển buồn buồn: “Nhà tui năm xưa nằm xa tít ngoài đó, cách chỗ ni non 400m, năm mô biển cũng lấn dần lấn hồi, bao nhiêu lần chuyển nhà mà biển vẫn không tha. Do làm nghề cá mới muốn ở gần biển chứ không năm mô cũng dời nhà khổ quá. Lần ni nếu có di dời sẽ không ở gần biển nữa, ngán lắm rồi”.

Ông Hàm là một trong những ngư dân kiên trì ở lại bám biển mưu sinh dù nhà cửa tan hoang chỉ còn trơ bộ khung trước sóng biển. “Bao đời gắn với biển mới làm được cái nhà ni giờ mà chuyển đi thì tiếc quá. Vả lại, dân tui vốn làm nghề cá quen rồi, tới nơi ở mới không biết mần chi, nghe đâu xa biển lắm; thuyền, ngư cụ không biết bỏ chỗ mô cho an toàn”, ông Hàm nói.

Rất nhiều hộ dân khác sống ven biển ở xã Quảng Công cũng sống trong sợ hãi tương tự. Tình trạng sạt lở gần đây càng trở nên dữ dội, ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn. Không chỉ lúc biển động, mà ngay cả những khi gió nhẹ sóng êm, sạt lở bờ biển vẫn diễn ra mạnh mẽ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2010 đến nay, nhiều đoạn bờ biển qua các thôn An Lộc, Tân Thành, Hải Thành, Cương Giáng đã bị sóng biển xâm thực vào bên trong từ 25 đến 30m, kéo dài trên tổng chiều dài khoảng 1,5 km, lan sang tận xã Quảng Ngạn. Mép biển có nơi chỉ còn cách nhà dân từ 3 - 10m...

Chờ cấp trên cứu

Biển cho ngư dân làng chài miếng ăn nhưng cũng cướp đi của họ nhiều thứ. Không chỉ ở xã Quảng Công, dân các xã dọc theo bờ biển khác như Quảng Ngạn, Hải Dương (huyện Hương Trà) và nhiều vùng biển khác ở huyện Phú Vang cũng đang ngày đêm sống chung với tình trạng sạt lở biển nghiêm trọng. Nhà cửa bị cuốn trôi, đất đai không còn, nhu cầu về tái định cư của ngư dân những xã nói trên trở nên rất bức bách. Thế nhưng, số hộ dân được di dời tới nơi ở mới lại rất khiêm tốn.

Tại Quảng Công, theo thống kê của UBND xã, tổng cộng có gần 600 trường hợp nằm trong vùng nguy hiểm, cần phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, số hộ được di dời trong vòng 2 năm trở lại đây cũng chỉ với gần 60 trường hợp được bố trí về khu quy hoạch số 1 (nằm trên địa bàn thôn An Lộc). Đã thế, cơ sở hạ tầng nằm trên địa bàn thôn An Lộc vẫn còn đang dang dở, đường sá chậm xây dựng.

 Ông Nguyễn Thuận (70 tuổi), một ngư dân ở đây cho biết: “Hai năm nay, từ ngày về nơi ở mới, con em chúng tôi đi lại học hành giữa trảng cát nóng bỏng hết sức khó khăn. Đường vào khu tái định cư nay vẫn chưa xong nên việc làm ăn sinh sống của bà con cũng không mấy thuận lợi. Sống xa biển, nghề ngư của bà con chúng tôi không thể duy trì khi thuyền mủng, ngư cụ phải bỏ lại ven bãi biển rất khó quản lý, bảo vệ”.

Tại các thôn Hải Thành, Cương Giáng, mặc dù nhu cầu tái định cư của dân cũng rất bức bách; tuy nhiên, khu quy hoạch số 2 có quy mô tái định cư 200 hộ dân cho hai địa bàn trên vẫn là một bãi hoang mênh mông cát trắng. “Nạn sạt lở đất giờ ảnh hưởng gần nửa số hộ dân toàn xã. Do xã nghèo, nguồn lực tài chính có hạn nên điều kiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật tái định cư gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. Xã đang trông chờ vào các nguồn lực đầu tư từ huyện, tỉnh và các kênh hỗ trợ khác. Có như vậy, nhu cầu an cư cho toàn bộ bà con vùng sạt lở mới có thể được giải quyết sớm nhất”, ông Lê Nguyên Sỹ, cán bộ kinh tế xã Quảng Công, nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.