| Hotline: 0983.970.780

Biển vắng, kinh doanh du lịch cũng như 'chùa bà Đanh', vỡ nợ đang cận kề

Thứ Năm 25/08/2016 , 13:49 (GMT+7)

Chủ nhà hàng Sơn Việt Hoàng, chị Bùi Thị Ninh bảo:  Sự cố môi trường xảy ra đúng vào mùa hè nên tiền kinh doanh không đủ trả lãi ngân hàng. Năm ngoái làm 5 tháng ăn cả năm thì nay làm cả năm không đủ ăn 1 tháng. Nhà hàng, khách sạn ven biển Xuân Hải đang trên đà vỡ nợ...

19-00-23_1
Nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống vắng như “chùa bà Đanh”

 

Kè biển Xuân Hải, xã Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng đẹp như tranh. Hàng chục hộ dân mừng như “mở cờ” trong bụng nghĩ rằng sắp đổi đời nhờ  du lịch. Đùng một cái biển bị đầu độc, bãi biển vắng như “chùa bà Đanh”.

 

Quay lưng với biển

Tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với các DN ngày 13/8 vừa qua, hầu hết các DN kinh doanh dịch vụ du lịch biển trên địa bàn Hà Tĩnh kêu trời vì sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Để tìm hiểu sát thực tế, chiều nắng cuối hè chúng tôi tìm về bãi biển Xuân Hải, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà. Trái ngược với quang cảnh tấp nập, chen chúc mùa hè một năm về trước, suốt chiều dài gần 3km dọc bãi biển Xuân Hải vắng vẻ, hàng quán không một bóng người, lác đác một vài nhà hàng chỉ có chủ và nhân viên ngồi buồn rầu ngóng ra biển.

“Mới chỉ 3 tháng thôi nhưng mạng nhện, cát bụi đã bám đầy nền nhà, bể hải sản rồi. Các chị nhìn đó là đủ biết chúng tôi ăn nên làm ra hay không”, chị Trần Thị Ánh, chủ nhà hàng Nam Ánh vừa nói vừa chỉ tay vào bể hải sản khô rang.

19-00-23_2
Rất nhiều nhà hàng đứng trước nguy cơ vỡ nợ

 

Chồng chị Ánh, anh Phạm Bá Nam đi từ sau chuồng gà vào tiếp lời: “Cả tuần lác đác được vài mâm khách, mà họ xuống đây ăn thịt gà chứ không ăn hải sản. Thậm chí nhiều khách bảo rằng họ nhớ biển nên ra ngắm, xong họ uống vài chai nước ngọt rồi ngược”.

Quan sát dọc kè biển, các ki ốt bán nước bọc bạt kín mít, phông che gió thổi rách tơi tả cũng chẳng ai thèm quan tâm. Tìm mãi trung tâm bãi biển mới có một vài quán bán nước. Chủ quán Lê Thị Cúc buồn bã cho biết, 4 tháng hè vừa qua chị mới bán được khoảng 16 triệu đồng, chưa trừ chi phí đầu tư, trong khi số tiền chị thuê mặt bằng năm 2016 là 25 triệu. 

“Số tiền trên tôi vay từ nguồn xóa đói giảm nghèo của hội phụ nữ xã. Bây giờ hàng quán ế ẩm thế này không biết lấy tiền đâu mà trả trả nợ”, chị Cúc nói.

Theo chị Cúc, bãi biển Xuân Hải đã được khai thác hàng chục năm nhưng trước đây thô sơ, tự phát. Sau khi chính quyền đầu tư xây dựng kè biển (năm 2013) thì mặt bằng trên kè và trong kè được chia lô cho người dân thuê kinh doanh dịch vụ du lịch. 

Trên mặt kè là các ki ốt bán nước, trong kè biển là nhà hàng, khách sạn kinh doanh ăn uống. Hè năm 2014, 2015 khách du lịch về tắm biển Thạch Bằng nườm nượp nên bình quân mỗi ngày chị bán được 400.000 – 500.000đ, thế nhưng sau sự cố môi trường, du khách quay lưng hẳn với biển.

19-00-23_4
Hàng quán bán nước trên kè biển tiêu điều, xơ xác vì du khách quay lưng với biển

 

“Tôi cố cầm cự vì đã trót thuê mặt bằng với lại ở nhà không có nghề gì khác để làm, chứ bây giờ ngày bán nhiều cũng được 70.000 – 80.000đ, thậm chí có ngày không bán được đồng nào”, chị Cúc thở dài.

 

Nhà hàng viết đơn “cầu cứu”

Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bằng Phan Đình Cương nói rằng, năm 2016 huyện Lộc Hà tổ chức rầm rộ tuần lễ văn hóa - du lịch biển với mong muốn thu hút đông đảo du khách, không ngờ tai họa dáng xuống người dân ven biển lớn như vậy.

“Chúng tôi đã giảm tiền thuế thuê mặt bằng từ 5 – 10% nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài chúng tôi vận động người dân chuyển đổi nghề, hộ nào dừng kinh doanh dịch vụ xã sẵn sàng trả lại tiền thuế ban đầu đã nộp”, ông Cương cho biết thêm.

19-00-23_5
18 nhà hàng ký đơn “cầu cứu”

 

Mặc dù Bí thư Cương nói xã Thạch Bằng đồng ý trả lại tiền thuế đầu năm đã nộp cho các hộ kinh doanh trên kè biển nhưng ý kiến của các hộ đều cho rằng đó không phải là cách giải quyết khó khăn vì bây giờ có rút tiền bà con cũng không biết làm gì để mưu sinh.

Chung khó khăn như các hộ kinh doanh trên kè biển, 18/18 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đã viết đơn “cầu cứu” chính quyền các cấp, bởi những hệ lụy mà Formosa gây ra cho họ là không đo đếm được. Sau khi huyện, xã quy hoạch mặt bằng, nhà hàng Nam Ánh đăng ký thuê đất 50 năm. Hiện gia đình anh đã vay vốn nộp cho địa phương 230 triệu đồng/25 năm; đồng thời đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà cửa, mua sắm bàn ghế kinh doanh dịch vụ ăn uống và buôn bán hải sản.

Theo anh Nam, hè năm 2015 tầm 16h chiều nhà hàng bắt đầu có khách, đến khoảng 17 – 18h là kín tất cả các bàn, hai vợ chồng cùng 8 nhân viên làm quần quật suốt ngày đêm cũng không hết việc. Còn tính về lượng khách, ngày thường bình quân đạt 70 – 80 lượt người, ngày lễ, thứ 7, chủ nhật lượng khách lên đến 180 lượt/ngày; doanh thu đạt trên dưới 400 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, 4 tháng hè năm 2016 mỗi tuần chỉ được vài ba mâm khách, bàn ghế chất đống trong nhà; thu nhập chỉ được 3 – 5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, 20 ngày nay nhà hàng không có một khách nào vào ăn uống. “Bây giờ vợ chồng tôi còn nợ ngân hàng 400 triệu, nợ lãi ngoài 300 triệu đồng. Mỗi tháng phải trả tiền lãi, chi phí ăn uống hết 12 triệu cộng với 3 triệu đồng tiền điện, trong khi thu nhập chỉ bằng 1/4 chi phí. Thật sự bế tắc lắm rồi”, anh Nam nhấn mạnh.

Chủ nhà hàng Sơn Việt Hoàng, chị Bùi Thị Ninh thì bảo: “Năm ngoái làm 5 tháng ăn cả năm thì nay làm cả năm không đủ ăn 1 tháng. Nhà hàng, khách sạn ven biển Xuân Hải đang trên đà vỡ nợ cả”.

19-00-23_3
Chị Ninh cho biết, hơn chục năm kinh doanh trên bãi biển Thạch Bằng chưa bao giờ nhà hàng lâm vào cảnh bi đát như năm nay

 

Sự cố môi trường xảy ra đúng vào mùa hè nên tiền kinh doanh không đủ trả lãi suất ngân hàng. Chị Ninh phải cho 5 nhân viên nghỉ việc, bây giờ hai vợ chồng mở hàng quán chỉ để giữ nghề, còn bảo chuyển nghề thì đó là việc làm xa xỉ vì 18 hộ kinh doanh nhà hàng đều đã “cụt vốn”.

Ông Nguyễn Văn Thiệu, Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh cho biết, sau sự cố biển nhiễm độc, ngành du lịch ven biển chịu tác động nghiêm trọng. Trên 2,6 nghìn lao động trong ngành bị ảnh hưởng và thất nghiệp; các tour, phòng đặt nghỉ lễ bị hủy bỏ từ 70 – 80%.

Tại huyện Kỳ Anh, khách đặt phòng nghỉ mùa hè 2016 chỉ đạt 30% so với cùng kì năm trước. Ước tổng thiệt hại của ngành du lịch trong thời gian qua khoảng 6 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm