| Hotline: 0983.970.780

Biết làm sao với đứa con trai lớp 10 có phần u ám của cháu?

Thứ Hai 26/06/2017 , 06:40 (GMT+7)

Con trai cháu từ năm lớp 8 đến giờ tự đi học thêm với bạn. Bây giờ rất khó kiểm soát nhóm bạn của nó, bạn mà, có đứa hay có đứa dở, có đứa gia đình nề nếp, có đứa gia đình hoàn cảnh, lộn xộn lắm...

Cô kính mến!

Bây giờ thì vợ chồng cháu đã biết thất bại của mình là không dành thời gian đủ cho con trai. Nó vừa choáng váng với kết quả của kỳ thi lớp 9. Nó không đủ điểm vào trường công của thị xã nầy cô. Ở đây, nếu vô trường dân lập thì phải “chung sống” với đám bạn hoặc con nhà giàu làm biếng quen ăn chơi, hoặc là những đứa yếu kém suốt năm cấp II do đủ thứ hoàn cảnh.

Cháu không biết mình sai lầm ở đâu, chồng cháu sai lầm gì mà ra nông nỗi. Hai vợ chồng đều là công chức, đồng lương không quá ít nhưng tiết kiệm gói ghém được. Chúng cháu có bà ngoại ở gần, bà nội ở quê rất thương cháu, hè là đem về chăm sóc. Con trai cháu có đứa em trai nhỏ hơn nó 4 tuổi, năm nay cũng vừa xong lớp 5, anh em chúng nó có bầu bạn, cái chính là để thằng anh thể hiện tấm gương làm anh của mình.

Nhưng thời buổi nầy ít ai làm bạn với con được. Đón con nhỏ ở trường về, có bữa bà ngoại đón giùm, cháu lao vô bếp, chồng lau nhà, ủi quần áo, tưới cây, lau xe, làm đủ thứ. Hai đứa con tự chơi với nhau, có lẽ là hai cái điện thoại thông minh để quản chúng đã làm cho con trai cháu sa sút.

Quá khó cô ơi. Giấu hay cấm con đừng động đến iPhone, Ipad không được. Nhưng giao cho chúng thư giãn thì coi như “cung cấp vũ khí” để rồi nó chống lại giáo dục của gia đình. Không biết làm sao cho có lợi nhất nữa.

Con trai cháu từ năm lớp 8 đến giờ tự đi học thêm với bạn. Bây giờ rất khó kiểm soát nhóm bạn của nó, bạn mà, có đứa hay có đứa dở, có đứa gia đình nề nếp, có đứa gia đình hoàn cảnh, lộn xộn lắm. Rồi chúng lập facebook, chúng cháu đâu có hay, con mình có điện thoại thông minh đâu, nhưng bạn của nó có, chúng cho nhau mượn lúc đi học hoặc đi học thêm. Vậy là mê, mê phây, mê game, mê thứ ngôn ngữ hổ lốn trên facebook, cháu vừa được bạn bày cho cách xem chúng nó, choáng váng thật cô ơi. Từ năm lớp 8 nó học xuống, môn gì cũng xuống, tới lớp 9 thì cháu đi họp phụ huynh, cháu phập phồng, biết con học xuống nhưng mà muộn rồi.

Làm sao để gia đình bình yên đây cô, làm sao để con của cháu thoát đám bạn tai quái đây cô?

 

Cháu thân mến!

Có hẳn những cuộc tọa đàm báo chí và có hẳn những chuyên trang của vài tờ tạp chí dành cho việc thảo luận "Làm thế nào để kiểm soát con trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin" này.

Có ai ngờ thời buổi con người và máy móc chịu tiếng lạc hậu từng năm một như thế. Ngày trước thời gian chuyển động để thay đổi và đuổi theo được tính bằng thập niên, bây giờ tính bằng năm. Một chiếc điện thoại thông minh, năm sau đã là đời cũ, có chết không, cái mới tính năng ghê gớm hơn và cái cũ, thành rác điện tử. Thói tiêu dùng do các nhà phát minh và sản xuất cầm trịch (vì khát vọng sáng tạo và vì tiền nữa), làm cho thế giới phong phú nhưng cũng đảo điên.

Hầu như đứa trẻ nào cũng sinh động và đáng yêu khi nó cầm chiếc điện thoại thông minh. Nó khám phá mọi tiện ích và nó nhanh nhẹn, hoạt bát lên thật. Nhưng nếu ba mẹ nó hiểu, sóng từ nguy hại, con mắt bị tổn thương, não bộ thụ động và cái tính ghiền điện tử sẽ tiêu diệt nó từ từ. Ở các nước văn minh, con cái người ta nghe lời ba mẹ khi còn nhỏ, như văn hóa, phục tùng, có giờ quy định với ti-vi và Internet. Ở mình, con cái như thú hoang, thoải mái, cuối cùng, học hành lệt bệt không ra làm sao.

Lứa cấp II là khó khăn nhất trong đời người. Trẻ con dễ bung bét nhất. Không tốt nghiệp lớp 9 coi như đi làm chân tay, không tốt nghiệp lớp 12 thì khác. Vì vậy mà tiểu học có thể phiên phiến, lên cấp II cần tăng tốc để trẻ được vào cấp III đường hoàng. Rớt trường công, phải vào dân lập là một cú sốc. Như cháu đã biết, gần mực thì đen gần đèn thì sáng, bạn bè vực ta lên hoặc là kéo ta xuống, dễ ợt.

Biết làm sao với đứa con trai lớp 10 có phần u ám của cháu? Còn đứa đang vào cấp II kia, nhớ nghe, phải củng cố ngay, kẻo muộn. Đứa anh của bé này rất quan trọng, hơn cả ba mẹ, vậy nên thay đổi cách sống của gia đình. Người ba người mẹ nên có facebook để cùng giám sát con, uốn nắn ngay. Con lớn phải lao động trong nhà, để chia thời gian rỗi của nó ra. Em trai không được tự tiện điện thoại, laptop, iPad như anh, vì còn quá nhỏ.

Nói chung, rất công phu và phải khoa học tâm lý cho hai đứa con này. Vẫn chưa hết hy vọng vì con không bỏ học, vẫn thi, nhưng điểm kém mà thôi. Đừng vì chuyện này mà vợ chồng cắn đắn nhau, vẫn còn có thể tươi cười để năm sau, nếu con khá, sẽ xin chuyển trường công, được không? Người cha và con trai, cha chịu khó nhiều hơn, để mắt, kèm cặp, thể dục, xem phim, làm việc nhà, như bạn, để còn biết con nghĩ gì, làm gì và điều chỉnh con mỗi ngày. Mẹ chăm bếp lửa, bữa ăn, gia đình vui những thứ ngoài điện thoại thông minh và Internet, dần dần để con “cai nghiện” và làm gương cho em trai. Hy vọng và hành động trong hy vọng, đừng quên và đừng nản.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất