| Hotline: 0983.970.780

Đề thi môn ngữ văn THPT Quốc gia 2017:

Biết rồi, khổ lắm… vẫn phải nói!

Thứ Ba 27/06/2017 , 07:15 (GMT+7)

Là người trực tiếp dạy học, ôn tập, theo dõi đề thi môn Ngữ văn hàng chục năm gần đây, từ tốt nghiệp trung học phổ thông đến ĐH-CĐ và nay là thi THPT Quốc gia, ThS Ngô Thanh Hải – Trường THPT Lạng Giang số 2 (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ:

“Ngày 22/6/2017, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã diễn ra với môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn. Khi đọc đề bài, nhiều học sinh, cả giáo viên đã ngỡ ngàng, thất vọng vì thực tế hoàn toàn trái với sự mong đợi”.

14-36-27_img_0087

Phần đọc hiểu - Lệch chuẩn và chưa đạt yêu cầu

Thứ nhất: Văn bản trích ở phần đọc hiểu khá mới trong cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang ra cách đây mấy tháng - “Thiện, ác và smartphone” - ở bài viết có tên “Dự án trắc ẩn”. Tôi hiểu người ra đề rất nỗ lực làm mới, cập nhật các văn bản đương đại với cái nhìn khác, lạ. Nhưng cũng chính vì thế mà văn bản trở nên lệch chuẩn với tiêu chí một đề thi cho hai mục đích áp dụng cho học sinh trung học phổ thông trên phạm vi toàn quốc với tính chất đặc biệt quan trọng của nó.

Nổi cộm nhất là khái niệm “thấu cảm” trong đoạn trích. Hiểu theo tác giả “Thấu cảm là…”. Một câu hỏi đặt ra là khái niệm này liệu có chính xác? Nếu học sinh hoài nghi thì trong thời gian làm thi tổng thể 120 phút, không có bất cứ một phương tiện tra cứu nào liệu có phản biện được không? Và từ ngôn từ của văn bản ta có thể hiểu thấu cảm có nghĩa quên đi cái tôi, nhìn đời và hiểu người bằng con mắt của kẻ khác, sống cuộc đời của người khác, như thế thấu cảm có ý nghĩa hay không? Bởi điều này sẽ liên quan trực tiếp đến câu hỏi viết đoạn văn nghị luận xã hội ở phần dưới.
 

Thứ hai: Bốn câu hỏi đọc hiểu

Câu hỏi 1 là câu nhận biết thông thường về kiến thức làm văn, xác định phương thức biểu đạt chính của một đoạn trích. Điều này khỏi cần bàn.

Câu hỏi 2 mới đọc tưởng là một câu hỏi thông hiểu nhưng thực chất thì vẫn là câu hỏi nhận biết một cách giản đơn và dễ dãi. Học sinh chỉ cần đọc và chép nguyên vẹn hai câu văn ở đoạn thứ nhất trong ngữ liệu đoạn trích là được điểm tối đa, không cần hiểu, không cần suy nghĩ hay động não nhiều.

Câu 3 yêu cầu nhận xét về hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm và cậu bé Bồ Đào Nha cũng không cần phải suy nghĩ hay cảm nhận gì sâu sắc. Trên thực tế thì học sinh chỉ cần quay trở lại hai câu văn cuối cùng ở đoạn thứ nhất, thêm vài lời của cá nhân là hoàn thành câu trả lời vốn đã có gợi ý sẵn từ nhận xét của tác giả. Và ngay việc đặt các hành động này để cùng nói một vấn đề thì cũng không hoàn toàn thống nhất, logic và ngang bằng. Lỗi này là lỗi lập luận của tác giả nhưng cũng là lỗi của người ra đề khi chọn đoạn trích văn bản này.

Câu 4 hỏi học sinh có đồng ý hay không với quan điểm “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”. Xét về tính chất đây là câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng, đưa ra quan điểm và biện luận về quan điểm của mình. Tuy nhiên khi khái niệm thấu cảm còn mù mờ, nếu theo cách hiểu của tác giả sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh khi học sinh biện luận, chứng minh. Vậy trong khoảng thời gian ngắn ngủi, tối đa cho câu hỏi này chỉ tầm 10 phút hoặc 15 phút, liệu học sinh có trả lời thấu đáo? Liệu học sinh có thể nói lên suy nghĩ, trải nghiệm hay cách hiểu riêng của mình về thấu cảm, về nguồn gốc của lòng trắc ẩn?

Như thế, bốn câu hỏi đọc hiểu trên thực tế khó phân loại được học sinh và không thể đánh giá được năng lực đọc, hiểu, vận dụng, nêu trải nghiệm và quan điểm của chúng về vấn đề đặt ra và giải quyết vấn đề đó. Do đó, mục đích của bài đọc hiểu với sự phân định các cấp độ tư duy từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao chưa đạt yêu cầu.
 

Phần làm văn – Nhìn một chiều và “xưa như Diễm”

Thứ nhất: Câu hỏi nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Mệnh đề hỏi tưởng mở hóa ra lại đóng và là cái nhìn một chiều, khẳng định ý nghĩa, suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm chứ không được viết về khía cạnh khác.

Trong khi đó, như trên đã nói, bản thân sự thấu cảm, hiểu theo tác giả Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ thì có thực là có ý nghĩa không? Nếu học sinh tán dương thì chả khác nào cổ xúy cho lối sống vay, sống tạm, sống nhờ, sống gửi… Và nếu một học sinh tinh tế, sắc sảo phủ nhận ý nghĩa của thấu cảm hiểu theo tác giả, nói lên những nguy hại của cách nghĩ này thì liệu khi chấm có được điểm không? Như thế, một câu hỏi nghị luận yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ, quan điểm, biện luận về một vấn đề nhưng thực chất lại trói chặt các em trong cái nhìn khuôn sáo, không có tranh biện, phản biện, không kích thích tư duy, khuyến khích những học sinh có suy nghĩ sâu, thấu đáo, riêng biệt.
 

Thứ hai: Câu nghị luận văn học

Câu hỏi này trong đề bài yêu cầu học sinh cảm nhận về một đoạn thơ trong đoạn trích “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm và bình luận quan niệm về đất nước của tác giả. Cả cách hỏi và đoạn thơ trích đều có thể nói là “xưa như Diễm”.

14-36-27_img_0088
ThS Ngô Thanh Hải

Thực tế đoạn thơ này đã được đưa vào thi cử trong đề thi Cao đẳng khối C, D năm 2010 (câu theo chương trình Chuẩn) và đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013 (câu theo chương trình Nâng Cao) với cách hỏi tương tự. Khác là đoạn trích trong đề thi năm nay dài hơn hai đề thi trước 7 dòng thơ. Với cách hỏi nghị luận văn học như vậy, chỉ cần học sinh học khá, biết cách tư duy bài vở, kỹ năng viết bài thành thục, chăm chỉ nhớ các ý thầy, cô dạy và tài liệu viết sẽ được điểm cao mà không cần phải thông minh, sáng tạo, có sự đột phá nào trong cách cảm cách nghĩ.
 

Biết rồi, khổ lắm… vẫn phải nói

Từ những phân tích cụ thể, tôi xin đưa ra vài đánh giá chung như sau:

Thứ nhất, đề thi ít có tính phân loại. Đây thuộc dạng đề thi bám sát chương trình với những dạng câu hỏi cơ bản, cách ra đề an toàn, chỉ phù hợp cho học sinh thi và xét tốt nghiệp THPT mà không đảm bảo độ phân loại để tuyển vào đại học, nhất là ĐH chuyên ngành.

Thứ hai, đề thi cải cách, đổi mới nhưng là bình mới mà rượu cũ. Đề giảm từ 180 phút xuống còn 120 phút nhưng không hề có sự biến đổi về chất trong các câu hỏi. Đề thi này gần như một dạng rút gọn của đề thi cũ mà thôi. Điều này đồng nghĩa với việc mọi nỗ lực, các dự án, mục tiêu đổi mới môn Ngữ văn những năm qua đã phá sản.

Thứ ba, đề thi không khuyến khích tư duy sáng tạo, không có đất cho những học sinh thực sự học, đọc, nghĩ về văn thể hiện cá tính và sự hiểu, những trải nghiệm văn học cũng như trải nghiệm cuộc sống của bản thân. Do đó, học sinh chỉ cần mức khá, cẩn thận, chăm chỉ, rèn một cách bài bản sẽ có điểm cao. Điều này gây ra một hệ lụy rất lớn là những học sinh đầu tư cho văn, đi tìm những điều mới bằng khám phá của cá nhân không có ưu thế, có khi còn thiệt thòi về điểm do không đúng barem đáp án. Và như thế, dạy văn học văn sẽ mãi mãi đi theo lối mòn luyện thi, hời hợt, nói đi nói lại những điều “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!” (lời của nhân vật cụ cố Hồng trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng) nhưng vẫn cứ phải nói.

Thứ tư, việc lựa chọn, trích dẫn văn bản chưa đảm bảo quy chuẩn, tính chất của một đề thi mang tính quốc gia. Bởi nó không tiêu biểu, mang tính đại diện, là những giá trị về cả tư tưởng, tư duy và lập luận đã được khẳng định. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề trong giáo dục, nhất là trong dạy học văn, nhất là việc hiểu sai bản chất vấn đề, đưa ra những khái niệm hợp nghĩa cảm tính, hoặc đánh tráo khái niệm, làm nhiễu thông tin cũng như hệ giá trị thực, kiến thức chuẩn xác và sâu sắc.

Nhìn một cách tổng quát đề thi Ngữ văn (2017) đúng theo cấu trúc, các dạng tính chất câu hỏi như các đề thi minh họa Bộ đã ban hành trước đó. Cực đoan hơn một chút thì có thể coi dạng câu hỏi của đề thi chính thức chỉ là một dạng sao chép từ các đề minh họa mà hầu như không có sự biến đổi nào: phần đọc hiểu vẫn là câu hỏi về phương thức biểu đạt, tìm chi tiết trong văn bản, nhận xét về một vài chi tiết; nghị luận xã hội vẫn là đoạn văn đơn tuyến suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống; nghị luận văn học là cảm thụ về một đoạn thơ.

 

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.