| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 17/11/2016 , 06:40 (GMT+7)

06:40 - 17/11/2016

'Biết thì thưa thốt…'

Mấy ngày nay, đang diễn ra phiên chất vấn các thành viên Chính phủ của các Đại biểu Quốc hội – đại diện cho cử tri cả nước. Thực sự, có quá nhiều “vấn đề” của cả nước đã được nêu ra...

Thực sự, có quá nhiều “vấn đề” của cả nước đã được nêu ra, mà trách nhiệm của các vị đứng đầu các bộ - ngành không thể tránh né, buộc phải trả lời và giải trình.

Ở diễn đàn Quốc hội lần này, chất lượng câu hỏi của các đại biểu và câu trả lời của các vị bộ trưởng, đã nâng lên một bước, theo cách đáng lạc quan.

Nói chung, người hỏi thì có sự hiểu biết về việc mình hỏi, người trả lời trả lời trúng và đúng vào câu hỏi, trả lời cụ thể chứ bớt vòng vo đi rất nhiều so với trước. Hầu hết các vị bộ trưởng đều nắm rất chắc những vấn đề trong ngành nghề mình quản lý.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không cần nhìn văn bản, nói vach vách các vấn đề của ngành mình, nói ra gần như thuộc lòng các số liệu chuyên ngành, thẳng thắn nêu ra sự chồng chéo của việc quản lý phân bón trong nông nghiệp, làm phát sinh những tiêu cực trong sản xuất và kinh doanh phân bón. Ông kiến nghị Chính phủ xem xét để đưa về một đầu mối quản lý: hoặc Bộ NN-PTNT hoặc Bộ Công thương.

Tuy nhiên, vẫn còn chữ “nhưng” kém vui. Có những vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, mà nội dung câu hỏi lại thể hiện người hỏi nắm sơ lược, không biết rõ vấn đề mình hỏi.

Chẳng hạn, có vị hỏi rằng nhà máy xả lũ thì tại sao bí thư tỉnh ủy không biết? Vị này chả lẽ không phân biệt được việc đó thuộc quản lý bên chính quyền?

Còn vị khác hỏi, trong vụ việc nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, tại sao Bộ trưởng mới không cách chức hay bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng cũ nay đã nghỉ? Vị này chắc chưa rõ Quốc hội là cơ quan lập pháp, độc lập với hành pháp?

Một vị thì hỏi: “Thi trắc nghiệm cả phòng thi dồn cho 1 bạn học giỏi. Bạn ấy ho 1 tiếng là cả phòng tích vào phương án 1, ho 2 tiếng tích phương án 2. Và cứ thế mà làm. Trong quy chế thi không ai cấm ho. Vậy thi trắc nghiệm tốt hay không tốt?”. Hỏi câu này có nghĩa là đại biểu chả biết và chả hiểu gì về khái niệm "ngân hàng câu hỏi" trong kỳ thi trắc nghiệm.

Kiểu như in tiền, mỗi thí sinh cầm 1 tờ tiền có mệnh giá và sê-ri khác nhau. Sao hỏi nhau được? Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo trả lời: Mỗi cháu sẽ có mã đề thi riêng, các đề thi không giống nhau nên ho cũng không ảnh hưởng.

Và có cả lỗi diễn đạt. Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo đã dùng từ “vui vẻ” trong vụ điều giáo viên đi tiếp khách xảy ra ở Hà Tĩnh. Thực ra từ “vui vẻ” này không phải của ông Bộ trưởng, mà ở sự giải thích của địa phương, khi họ nói rằng đây là hoạt động đối ngoại, vui vẻ.

Ý của ông, thì như đã nêu trong công văn chỉ đạo đối với tỉnh Hà Tĩnh, rằng các địa phương mà điều giáo viên đi làm những việc không đúng mục đích và không phù hợp với thời gian, là không được. Ông mong các “đại biểu thông cảm”, vì ông diễn đạt chưa rõ ý.

Hỏi và trả lời đều cần có kiến thức, cần suy nghĩ trước khi phát biểu. Các cụ xưa đã dạy rồi: “Biết thì hẵng thưa thốt…”, “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”…

Bình luận mới nhất